Đây là khẳng định của ông Phan Duy Hùng – Phụ trách Đối ngoại Phòng Thương mại và Công nghiệp Chi nhánh Nghệ An tại Hội nghị kết nối Mentor - Mentee vừa qua.
Thực trạng hoạt động doanh nghiệp khởi nghiệp tại Nghệ An
Xuất phát từ thực tế, tỉ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công chỉ khoảng 10%, 20 - 30% ở ngay thời điểm bắt đầu khởi nghiệp thì đã thất bại, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì tỉ lệ tử vong còn cao hơn gấp nhiều lần, lên tới khoảng 90%.
Nhưng con số 90% này là được thống kê ở các nước có hệ sinh thái khởi nghiệp đã hoàn thiện. Đối với Chính quyền hiện đã có một số chính sách để hỗ trợ tối đa, các trường đại học hiện cũng đưa giáo trình khởi nghiệp sáng tạo thành môn học chính, có các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, các quỹ đầu tư, mạng lưới các nhà đầu tự thiên thần… đang từng bước hoàn thiện.
Ông Trần Vĩnh Quý - Giám đốc Hệ thống Anh ngữ Quốc tế ASEM Vietnam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ tỉnh Nghệ An chia sẻ, hiện nay, Nghệ An có 22.000 doanh nghiệp, trong đó chỉ có 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động và trong 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động này chỉ có 8.500 doanh nghiệp đang đóng thuế.
Một trong số các lí do khiến cho các doanh nghiệp phải dừng hoạt động có thể kể đến: sản phẩm dịch vụ chưa tốt, không có khả năng cạnh tranh, sản phẩm dịch vụ quá đặc thù nên thị trường không đủ lớn, kỹ năng quản trị của chủ doanh nghiệp còn hạn chế…
Các hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh
Trước thực trạng đó, vai trò của chính quyền cũng như lãnh đạo các bộ, ban ngành địa phương là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Nghệ An.
Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay trên cơ sở của chương trình đề án 844, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng một kế hoạch hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, năm 2016 - 2017, Sở KHCN tỉnh Nghệ An đã triển khai cuộc thi về sáng tạo khoa học công nghệ dành cho thanh niên. Trong hai năm liên tục, tỉnh đã có khoảng 8 dự án được hỗ trợ thông qua quỹ. Đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh chính thức triển khai cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An. Từ năm 2018 đến nay, Sở KHCN tỉnh đã hợp tác với VSV để triển khai công tác đào tạo một số cán bộ trong hệ sinh thái để làm công tác tham mưu cũng như triển khai một số các hoạt động. Ví dụ như các cuộc thi để cho các bạn khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp làm quen dần với cách kêu gọi vốn đầu tư.
Ngoài ra, Sở KHCN cũng đưa vào chương trình của tỉnh một số chính sách hỗ trợ khởi nghiệp như: hỗ trợ giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ để truyền thông, quảng bá thông tin về các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sở KHCN đã hình thành một trung tâm thông tin khoa học và công nghệ của tỉnh cùng với Co-working Space để các bạn trẻ khởi nghiệp có thể đến đó để làm việc. Đó cũng là một sự hỗ trợ để giúp cho các Startup có địa diểm để tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn cũng như là không gian cho các Mentor làm việc với Mentee.
Cùng quan điểm với ông Trần Quốc Thành, ông Phan Duy Hùng – Phụ trách Đối ngoại Phòng Thương mại và Công nghiệp Chi nhánh Nghệ An cho biết thêm, những năm gần đây, bắt đầu từ năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp, không chỉ ở địa phương mà Chính phủ cũng rất quan tâm đến công tác phát triển doanh nghiệp, đến năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Tuy không phải là cấp chính quyền nhưng VCCI Nghệ An đã có sự phối hợp rất chặt chẽ với UBND tỉnh, Sở KHCN, Sở KHĐT, Trung tâm xúc tiến thương mại... cùng thống nhất rằng doanh nghiệp Nghệ An càng ngày càng phát triển và nhận được nhiều cái sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các hiệp hội.
“Trong lúc Chính phủ, chính quyền địa phương, các hiệp hội và tất cả đều đang nỗ lực vì sự phát triển của hoạt động khởi nghiệp thì tôi mong tất cả các bạn trẻ đang khởi nghiệp và sắp khởi nghiệp biết rằng, dù con đường khởi nghiệp đầy gian truân và không hề dễ dàng nhưng chính quyền cùng các hiệp hội, đơn vị, tổ chức… sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các bạn hết mình. Các bạn trẻ khởi nghiệp hãy mạnh mẽ hơn, hãy dũng cảm hơn bởi nếu các bạn tự ti thì đó chính là thất bại đầu tiên” - ông Phan Duy Hùng nhấn mạnh.
Đồng hành cùng các startup địa phương phát triển
Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Trung - Chuyên gia Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI), Trưởng làng Cộng đồng Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Techfest 2018 trình bày tham luận: Kinh nghiệm thu hút đầu tư/gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, các tập đoàn/doanh nghiệp lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo đó, ông Nguyễn Tiến Trung lại một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng và cần thiết của cố vấn – huấn luyện viên tại địa phương bởi chỉ có họ mới nằm chắc được điều kiện, địa hình, tình hình kinh tế tại tỉnh nhà và quan trọng nhất là họ có thể hiểu rõ được nhu cầu, mong muốn và hướng phát triển, kịp thời có mặt và giúp đỡ các startup bản địa có thể kêu gọi được tối đa nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần, các tập đoàn/doanh nghiệp lớn.
Cũng tại Hội nghị kết nối, ông Trần Vĩnh Quý cũng khẳng định về vai trò của các nhà cố vấn rằng dù được hiểu theo cách nào thì vai trò của các cố vấn, các nhà tư vấn chiếm vị trí rất quan trọng trong toàn bộ các mắt khâu của chuỗi hệ sinh thái khởi nghiệp. Các cố vấn, các chuyên gia, các nhà tư vấn tham gia từ khâu đào tạo, hỗ trợ hình thành ý tưởng, hỗ trợ để chuyển ý tưởng thành hành động cụ thể, hỗ trợ để thao tác hành động đó thành công.
“Tôi hi vọng, trong thời gian tới, những anh chị vừa tốt nghiệp khoá tập huấn cố vấn khởi nghiệp sáng tạo 2 giai đoạn vừa qua, ngay lập tức có thể tham gia vào việc hỗ trợ các startup trên địa bàn và chúng ta, cũng nên sớm ra mắt mạng lưới các nhà cố vấn này để có thể duy trì sinh hoạt thường xuyên, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau” – ông Trần Vĩnh Quý mong muốn.
Động viên tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ, ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An chia sẻ rằng, các bạn trẻ đã được nghe nhiều các cố vấn, huấn luyện viên nói về sự thất bại, hãy tìm hiểu sự thất bại của người khác, quan sát thất bại của họ, đặt mình vào vị trí của họ để trải nghiệm, để thấu hiểu. Và đó cũng chính là cách để tìm sản phẩm chủ lực, tìm sản phẩm của mình. Sau khi xác định được như thế rồi thì các bạn bắt đầu tìm hiểu độ mở của thị trường. Các bạn hãy mạnh dạn trao đổi với những người xung quanh và hình thành đội nhóm, những người có chung ý tưởng với mình, niềm đam mê giống mình.
"Các bạn trẻ hãy bắt đầu khởi nghiệp với một số tiền nhỏ, sau đó dần dần tăng lên. Cứ để cho vài ba lần thất bại thì lần sau sẽ không gặp phải thất bại đó nữa. Trước hết, các bạn phải tìm được cho mình ý tưởng. Nếu khởi nghiệp mà không có ý tưởng thì không thể khởi nghiệp. Có thể học hỏi theo những thứ đã có nhưng phải có sự cải tiến, sự đổi mới và sáng tạo" - ông Trần Quốc Thành khuyên nhủ.
Nằm trong chuỗi hoạt động của Hội nghị kết nối cố vấn khởi nghiệp và huấn luyện viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nhóm cá nhân - doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Nghệ An, Ban Tổ chức đã cho ra mắt Mạng lưới các cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương. Trong đó, đã có 5 cặp Mentor – Mentee đã “kết đôi” được với nhau, đánh dấu bước đầu tiên trên con đường phát triển mạng lưới cố vấn tại địa bàn tỉnh.