Thời gian tới, chúng tôi mong muốn gặp gỡ doanh nghiệp nhiều hơn để thu nhận thông tin và thiết kế chương trình hỗ trợ hữu ích nhất cho doanh nghiệp hội viên.
>>VCCI lắng nghe khuyến nghị từ các hội viên mới
Điều quan trọng hơn, làm sao để doanh nghiệp cảm nhận được có sự khác biệt khi đã là hội viên của VCCI. Đây là cách thức để VCCI thu hút thêm nhiều hội viên tham gia vào VCCI.
Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh khẳng định tại Lễ Công bố quyết định công nhận hội viên chính thức VCCI, và trao giấy chứng nhận hội viên đợt 1 năm 2022 cho các Hiệp hội doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc, ngày 10/8.
Chia sẻ tại Lễ Công bố quyết định công nhận hội viên chính thức VCCI, một doanh nghiệp mới trở thành hội viên của VCCI từ đầu năm 2022 nêu câu hỏi: “Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, mới trở thành hội viên VCCI, bây giờ muốn nắm bắt các hoạt động của VCCI thì cập nhật thông tin ở đâu? Doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị với VCCI thì liên hệ như thế nào”?
Trả lời câu hỏi này, Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh cho biết, VCCI là tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam. Do đó, vai trò đại diện của VCCI có ý nghĩa rất quan trọng.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp để xây dựng chính sách, môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình”, Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh nói.
Vẫn theo Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh, doanh nghiệp có thể gửi các kiến nghị đến Ban Pháp chế và văn phòng VCCI, sau đó chúng tôi sẽ tập hợp những thông tin đó và có những bài trình bày trước Thủ tướng hoặc có phần kiến nghị cụ thể về quan điểm của VCCI với các vấn đề khác nhau.
“Đây là một phần công việc quan trọng của VCCI, và rất mong muốn thu nhận thông tin từ doanh nghiệp”, Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh bày tỏ.
Bên cạnh vai trò là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI còn cung cấp các dịch vụ trực tiếp, như cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo…
Sau khi các hiệp hội, doanh nghiệp đã tham gia vào “ngôi nhà chung” của VCCI, Ban Hội viên và Đào tạo sẽ gửi đến hiệp hội, doanh nghiệp bản điều tra nhu cầu về đào tạo cũng như hỗ trợ của các doanh nghiệp.
>>VCCI và sáu định hướng triển khai trong 2022
>>Vai trò và uy tín của VCCI ngày một nâng cao
>>Phát huy hệ thống báo chí, truyền thông VCCI
Thông qua những nội dung này, VCCI có thể thiết kế những chương trình để hỗ trợ cho các doanh nghiệp cụ thể hơn. Đơn cử, Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, Trung tâm C/O xác nhận chứng từ thương mại, Viện Phát triển Doanh nghiệp, Trung tâm WTO…
Ngoài ra, VCCI còn có những đơn vị chuyên môn khác, hiệp hội và doanh nghiệp có thể trao đổi thông tin qua email cho VCCI để cập nhật thông tin.
“Thời gian tới, chúng tôi mong muốn gặp gỡ các doanh nghiệp nhiều hơn, nhằm thu nhận thông tin và thiết kế những chương trình hỗ trợ một cách hữu ích nhất cho các doanh nghiệp hội viên. Điều quan trọng hơn, đó là để doanh nghiệp cảm nhận được có sự khác biệt khi đã là hội viên của VCCI. Đây là cách thức để VCCI thu hút nhiều hơn hội viên tham gia vào VCCI”, Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh.
Phát biểu tại Lễ Công bố quyết định công nhận hội viên chính thức VCCI, ông Trương Văn Cẩm, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong suốt quá trình hoạt động vừa qua, chúng tôi đánh giá cao vai trò của VCCI. VCCI là chỗ dựa cho cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước, có thể là hội viên hoặc không phải là hội viên.
“Có thể nói rằng, VCCI luôn thể hiện vai trò dẫn dắt của mình trong những hoạt động. Và khi đã trở thành hội viên chính thức, chúng tôi cũng sẽ hoạt động như những gì hiệp hội đã hoạt động và tốt hơn”, ông Trương Văn Cẩm bày tỏ.
Ông Trương Văn Cẩm hy vọng, giữa VCCI và các hội viên cũng như Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ, chia sẻ tốt hơn so với thời gian vừa qua, mặc dù thời gian qua đã làm rất tốt.
Còn theo bà Đào Mai Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam là một tổ chức có tư cách pháp nhân đại diện cho cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam ở cấp quốc gia.
VCCI là tổ chức của cộng đồng doanh nghiệp ở cấp quốc gia, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam cũng là tổ chức có tư cách pháp nhân đại diện cho cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam ở cấp quốc gia.
Sứ mệnh của Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam là kết nối, lan toả, phát huy giá trị của nữ doanh nhân Việt Nam. Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của lực lượng nữ doanh nhân ở Việt Nam, có đóng góp xứng đáng vào sự kiến tạo và phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, là vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ. Đây là một yếu tố, đặc thù mang tính giới của doanh nhân Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua và tới đây, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam sẽ luôn nỗ lực, cố gắng để xây dựng hình ảnh khát vọng dân tộc, đánh thức tiềm năng và sự sáng tạo của nữ doanh nhân Việt Nam.
Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam hướng tới 3 giá trị mục tiêu cốt lõi. Đó là, nữ doanh nhân thành công. Cộng đồng thịnh vượng. Xã hội bền vững.
Những giá trị mà Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam cam kết cũng chính là khi Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam trở thành hội viên chính thức của VCCI, để tiếp tục có những đóng góp xứng đáng, đặc biệt đề cao tính giới trong việc mang lại sức mạnh trong cộng đồng của doanh nghiệp Việt Nam mà VCCI luôn dày công vun đắp.
“Là hội viên của VCCI, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam cam kết với những nỗ lực lớn nhất để mang lại sự đóng góp về bình đẳng giới cho doanh nhân nữ”, bà Đào Mai Hoa khẳng định.
Đồng thời, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam cũng như các hội viên của VCCI tin tưởng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ VCCI như một giá trị gia tăng cho hiệp hội.
“Đặc biệt, với Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam là một giá trị gia tăng cho giới nữ, đồng thời chúng tôi cũng có thêm những người bạn, người tổ chức, người đồng hành, cùng chí chí hướng trong công cuộc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ở Việt Nam”, bà Đào Mai Hoa bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
13:38, 10/08/2022
18:03, 30/07/2022
11:43, 24/07/2022
11:01, 24/07/2022
22:41, 23/07/2022