Tài chính doanh nghiệp

VET gặp khó khăn kép

Hà Phương 23/09/2024 16:30

Rủi ro từ sự cố vaccine thú y và áp lực cạnh tranh lớn đang khiến Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco (UPCoM: VET) gặp khó khăn.

Bieu do T7
Tình hình kinh doanh của VET trong 2 năm gần nhất.

Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này mới thực hiện được 36% mục tiêu doanh thu và khoảng 20% chỉ tiêu lãi trước thuế năm 2024.

Kinh doanh thụt lùi

Trong 6 tháng đầu năm 2024, đà rơi của VET chưa dừng lại. Theo đó, doanh thu thuần chỉ đạt hơn 153 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 6,2 tỷ đồng. So với kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua, doanh nghiệp này mới thực hiện được 36% mục tiêu doanh thu và khoảng 20% chỉ tiêu lãi trước thuế năm 2024.

Không chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, mà trong 2 năm gần đây, VET liên tục “xuống dốc” trong kinh doanh. Năm 2023, doanh thu của VET chỉ đạt 413 tỷ đồng và gần 29 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2022, VET đạt 461 tỷ đồng doanh thu, và lãi ròng hơn 53 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình của VET, tổng đàn gia súc, gia cầm đang ngày càng giảm vì dịch bệnh. Hơn nữa, giá thành chăn nuôi đang cao hơn giá bán - tức càng nuôi càng lỗ, dẫn đến người dân ở nhiều địa phương phải bỏ nuôi gia súc, gia cầm, không tái đàn. Tổng đàn gia súc giảm sút dẫn đến việc kinh doanh thuốc thú ý của VET bị ảnh hưởng, sản phẩm vaccine không tiêu thụ được. Điều này khiến ngành nghề kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp này ngày càng giảm mạnh.

Rủi ro từ vaccine

Chưa dừng lại ở đó, mới đây, VET lại đối mặt với khó khăn mới sau sự cố tiêm vaccine viêm da nổi cục NAVET-LPVAC tại Lâm Đồng. Cụ thể, VET đã ký hợp đồng kinh tế vào ngày 17/05/2024 với Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản Lâm Đồng về việc cung cấp vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trâu bò, vaccine phòng bệnh cúm gia cầm, hóa chất sát trùng. Từ cuối tháng 7/2024, VET thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh cho bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng thì phát sinh hiện tượng bò bị bệnh và chết (tỷ lệ chết khoảng 5%).

VET đã phối hợp cùng cơ quan chức năng, chuyên môn tại Lâm Đồng cùng các chuyên gia về bò sữa để lên phác đồ điều trị, cung cấp nhân lực, vật tư và thuốc men để cứu chữa, phục hồi đàn bò; đồng thời có phương án bồi thường, khắc phục sự cố, chia sẻ thiệt hại với các hộ chăn nuôi. Tính đến ngày 15/09/2024, có gần 6.000 con bò đã phục hồi.

Tuy nhiên, do VET là doanh nghiệp có 65% vốn Nhà nước và đơn vị chủ quản của VET là Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN & PTNT), nên quy trình thực hiện hỗ trợ, bồi thường phải theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó vào năm 2022, tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi, sau khi VET tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi, cũng đã xảy ra tình trạng lợn chết hàng loạt với tổng số 743 con. VET đã hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn chết ở mức 2 triệu đồng/con đối với lợn nái, lợn đực giống và 1 triệu đồng/con lợn thịt.

Áp lực cạnh tranh lớn

Theo Bộ NN&PTNT, tổng doanh thu thị trường thuốc thú y ước đạt 1.000 tỷ đồng/năm, trung bình doanh thu của mỗi doanh nghiệp đạt 100 tỷ đồng/năm. Trong đó, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, 80% còn lại nằm trong tay các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, do hạn hẹp về vốn, trong khi áp lực cạnh tranh lớn nên nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia vào sân chơi này.

Được biết, Bộ NN&PTNT áp dụng quy định, nếu doanh nghiệp sản xuất không đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc (GMP), sẽ bị đóng cửa và rút giấy phép. Điều này gây sức ép rất lớn lên các doanh nghiệp trong ngành, vì mỗi công ty phải đầu tư tới 30 - 50 tỷ đồng để đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu của GMP. Do vậy, thị trường thuốc thú y hiện nay chỉ còn là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn.

Áp lực cạnh tranh lớn đang đẩy VET vào thế khó, khiến VET phải tìm mọi cách để nâng cao sức cạnh tranh. Doanh nghiệp này cho biết do doanh thu giảm mạnh, đội ngũ kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang phải đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá, hỗ trợ chi phí vận chuyển, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh. Bên cạnh đó, các cuộc xung đột địa chính trị như chiến sự Nga-Ukraine làm ảnh hưởng giá xăng dầu; tỷ giá USD biến động; chi phí nguyên liệu tăng, làm tăng chi phí đầu vào, khiến giá thành sản phẩm tăng cao. Nhưng do tình hình cạnh tranh khốc liệt, VET không thể tăng giá bán, thậm chí còn giảm giá bán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VET gặp khó khăn kép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO