Khi kết quả kiểm nghiệm bị “đặt hàng” và chế độ hậu kiểm bị lợi dụng, nhiều cơ quan đã vô tình tiếp tay cho quảng cáo thực phẩm sai lệch…
Trong kỳ 3 của loạt bài “Vết rạn trong quảng cáo thực phẩm”, Diễn đàn Doanh nghiệp đã chỉ ra chiêu thức phổ biến: “chứng minh lâm sàng” bị biến tướng thành mặt nạ pháp lý giúp doanh nghiệp hợp thức hóa nội dung quảng cáo. Nhưng phía sau những công bố đầy tính khoa học đó còn có một mắt xích khác đang bị lợi dụng: kết quả kiểm nghiệm chất lượng, thứ vốn được xem là căn cứ kỹ thuật, lại trở thành công cụ truyền thông nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Ở kỳ 4 này, chúng tôi sẽ bóc tách hiện tượng doanh nghiệp “đặt hàng kết quả” và cảnh báo hệ lụy khi cơ quan kiểm tra bị biến thành “lá chắn bất đắc dĩ”.
Thực tế, trong quá trình công bố và quảng cáo sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng kết quả kiểm nghiệm như một “tấm khiên” để hợp thức hóa thông tin truyền thông. Nhưng khi mẫu thử được tự ý lựa chọn, gửi đi kiểm nghiệm mà không có sự giám sát của cơ quan chức năng, thì kết quả ấy liệu có còn đại diện trung thực cho sản phẩm đang lưu hành? Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi những tờ giấy được cho là “đạt chuẩn” ấy lại bị biến thành công cụ thuyết phục người tiêu dùng, dù thực tế chất lượng vẫn chưa được kiểm chứng độc lập.
Theo tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, không ít sản phẩm thực phẩm hiện nay được doanh nghiệp tự lấy mẫu, tự gửi đi kiểm nghiệm, rồi sử dụng kết quả này để làm căn cứ cho chiến dịch quảng cáo. Giới chuyên gia cho rằng, trong nhiều trường hợp, mẫu thử chỉ là sản phẩm “chọn lọc”, thì việc đạt chuẩn về chỉ số nhưng sẽ không phản ánh lô hàng thương mại thực tế.
Trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia đều khẳng định rằng, kết quả kiểm nghiệm chỉ có giá trị khi mẫu được lấy ngẫu nhiên, có cơ quan giám sát. “Việc doanh nghiệp tự lấy mẫu, tự gửi, thì không khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Đáng chú ý, gần đây, một sản phẩm sữa dành cho trẻ em được quảng cáo rầm rộ với thông điệp “phối hợp nghiên cứu cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia”. Không chỉ dừng lại ở nội dung truyền thông, tên của Viện còn được in trực tiếp trên bao bì, khiến người tiêu dùng dễ hiểu lầm đây là sản phẩm được xác nhận bởi cơ quan thuộc Bộ Y tế.
Ngay sau thông tin phản ánh từ báo chí, Bộ Y tế đã yêu cầu kiểm tra toàn bộ nội dung quảng cáo và nhãn hàng. Dù đến nay chưa có kết luận chính thức, nhưng vụ việc đã làm dấy lên nghi ngại về việc doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa tổ chức khoa học để “gắn mác chuyên gia” vào sản phẩm.
Trước đó, một sản phẩm có “Xương khớp MH” cũng từng liên tục bị cơ quan chức năng cảnh báo và xử phạt do quảng cáo sản phẩm thực phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Những trường hợp trên cho thấy, giấy kiểm nghiệm, thay vì là công cụ giám sát chất lượng đã bị nhiều doanh nghiệp “chiếm dụng” để làm vỏ bọc pháp lý cho các chiến dịch truyền thông, với hệ lụy không nhỏ đến niềm tin thị trường.
Phân tích với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts cho rằng, điểm yếu lớn nhất hiện nay là việc pháp luật chưa quy định rõ trách nhiệm liên đới của đơn vị kiểm nghiệm trong toàn bộ quá trình lấy mẫu, xử lý và sử dụng kết quả.
“Khi doanh nghiệp tự lấy mẫu và gửi đi kiểm nghiệm mà không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, thì kết quả rất dễ bị làm đẹp theo ý chí của bên thuê. Nếu đơn vị kiểm nghiệm chỉ thu phí và cấp kết quả mà không quan tâm mẫu được lấy ra sao, từ đâu, có đúng quy chuẩn không, thì chính họ cũng trở thành mắt xích tiếp tay cho hành vi quảng cáo sai sự thật”, bà Nhung nhấn mạnh.
Từ góc độ pháp lý, luật sư Nhung cho rằng cần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm theo hướng: quy định bắt buộc quy trình lấy mẫu có cơ quan giám sát; yêu cầu lưu mẫu đối chứng; ràng buộc trách nhiệm cụ thể với đơn vị kiểm nghiệm trong trường hợp kết quả bị sử dụng sai mục đích hoặc gây hiểu lầm. Đồng thời, cần bổ sung chế tài xử phạt nếu đơn vị kiểm nghiệm để xảy ra hành vi tiếp tay hoặc buông lỏng kiểm soát, đặc biệt trong các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Ở khía cạnh khác, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt nhận định, hệ thống pháp lý hiện nay mới chỉ tập trung vào hậu quả quảng cáo sai của doanh nghiệp, trong khi ít khi truy ngược lại nguồn gốc pháp lý của dữ liệu mà họ sử dụng để quảng bá.
“Trên thực tế, có những sản phẩm sử dụng kết quả kiểm nghiệm từ nhiều năm trước, thậm chí từ mẫu cũ không còn lưu hành. Do đó, cần xem xét trách nhiệm pháp lý trong cả chuỗi: từ bên cung cấp kết quả, đơn vị truyền thông quảng bá, cho đến cơ quan kiểm duyệt, nếu có dấu hiệu phối hợp hoặc thiếu trách nhiệm kiểm tra”, luật sư Luân nói.
Ông Luân kiến nghị cần bổ sung cơ chế kiểm soát vòng đời kết quả kiểm nghiệm, chỉ cho phép sử dụng trong thời hạn nhất định, có xác nhận lại trước khi dùng cho mục đích quảng cáo. Bên cạnh đó, phải xây dựng hệ thống hậu kiểm chủ động bằng công nghệ, áp dụng AI trong giám sát nội dung quảng cáo trên nền tảng số, phát hiện sớm các chiêu trò gắn mác sai lệch, mượn danh cơ quan khoa học để tạo vỏ bọc hợp thức.
Không chỉ giấy kiểm nghiệm, nhiều tài liệu trong hồ sơ công bố như xác nhận phù hợp quy định ATTP cũng bị doanh nghiệp sử dụng sai mục đích. Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia trong ngành gọi đó là “chiếm dụng hệ thống giám sát”: biến giấy tờ pháp lý thành công cụ truyền thông thay vì công cụ kiểm soát.
Theo vị chuyên gia, thực trạng này không chỉ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng mà còn làm suy giảm vai trò, uy tín của các cơ quan kiểm tra. Nếu không siết lại quy trình kiểm nghiệm, đặc biệt là khâu lấy mẫu và sử dụng kết quả, thì chính hệ thống hậu kiểm sẽ tiếp tục bị thao túng, còn giấy tờ pháp lý sẽ bị biến thành lá chắn cho sai phạm.
Suy cho cùng, một tờ giấy kiểm nghiệm có thể giúp sản phẩm “qua cửa” pháp lý và truyền thông, nhưng cũng có thể kéo theo hệ lụy nghiêm trọng nếu bị dùng sai mục đích. Khi doanh nghiệp nắm kỹ kẽ hở, còn luật và cơ quan kiểm tra chưa bắt kịp, thì người chịu thiệt luôn là người tiêu dùng.
Trong kỳ cuối của loạt bài, Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ đi thẳng vào vấn đề cốt lõi: Cần một “luật quảng cáo 4.0” đủ nhanh, đủ mạnh để không chỉ rượt theo vi phạm, mà còn tạo tường lửa phòng ngừa từ gốc.
Còn nữa…