Những án phạt đầu tiên dành cho các doanh nghiệp vi phạm quảng cáo thực phẩm hé lộ một góc khuất đáng ngại, khi niềm tin y tế bị lợi dụng để lôi kéo người tiêu dùng…
LTS: Không chỉ là cuộc đua bằng ngôn ngữ và hình ảnh, quảng cáo thực phẩm ngày nay đang bước vào một “trò chơi đánh tráo” tinh vi, nơi những giá trị y tế, khoa học bị sử dụng như công cụ để hợp pháp hóa lòng tin. Nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng hình ảnh chuyên gia, cơ sở y tế để tạo ra vỏ bọc chuẩn mực cho sản phẩm thương mại. Nhưng điều nguy hiểm nhất là: sự đánh tráo ấy đang được hợp thức hóa bằng khoảng trống thực thi.
Loạt bài “Vết rạn trong quảng cáo thực phẩm” mở đầu bằng những án phạt đã từng được ban hành, nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi lớn: nếu chỉ xử lý hành chính, liệu có đủ để khép lại những “màn kịch niềm tin” đã được dàn dựng tinh vi trên mạng xã hội và bao bì thương mại?
Khi thị trường thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng bùng nổ, thì cùng với đó, các chiêu thức quảng cáo dựa trên uy tín y tế cũng rầm rộ nở rộ. Không ít doanh nghiệp đã bất chấp quy định pháp luật, tận dụng hình ảnh cơ sở y tế, chuyên gia y tế để tạo dựng lòng tin nơi người tiêu dùng.
Một trong những trường hợp điển hình là Công ty TNHH Dược phẩm T.B, một doanh nghiệp không xa lạ gì với việc bị xử phạt vì quảng cáo thực phẩm vượt ranh giới pháp luật. Trên nhiều nền tảng truyền thông, các sản phẩm như Viên Khớp T. B, Viên Gout T.B hay Đại tràng T.B đều từng bị cơ quan chức năng phát hiện sử dụng lời lẽ dễ gây hiểu nhầm là thuốc điều trị, hoặc lồng ghép lời khuyên của bác sĩ để củng cố công dụng sản phẩm.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đơn vị này liên tiếp tái phạm cho thấy mức phạt hành chính dường như chưa đủ sức răn đe, và rằng không ít doanh nghiệp đang coi những khoảng xám trong quảng cáo là “vùng an toàn” để khai thác.
“Mượn tên” chuyên gia, viện nghiên cứu
Một hiện tượng đáng chú ý gần đây là việc một số sản phẩm thực phẩm, đặc biệt trong ngành hàng sữa dinh dưỡng, sử dụng hình ảnh chuyên gia y tế trong các clip truyền thông thương mại. Trường hợp điển hình là vụ Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group sử dụng hình ảnh PGS, TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia – trong video quảng bá sản phẩm sữa.
Trong đoạn video, bà Lâm xuất hiện và đưa ra nhận định tích cực về dây chuyền sản xuất, nhấn mạnh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả do doanh nghiệp này phân phối. PGS, TS Nguyễn Thị Lâm lên tiếng khẳng định bà bị lợi dụng hình ảnh, không biết sản phẩm liên quan đến đường dây sữa giả, và cho biết được mời tham gia với vai trò khách mời truyền thông, tin tưởng vào hồ sơ pháp lý do phía doanh nghiệp cung cấp.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng hành vi sử dụng hình ảnh chuyên gia y tế trong quảng cáo thực phẩm không chỉ vi phạm Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, mà trong nhiều trường hợp, có thể tiệm cận hành vi lừa dối khách hàng được quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự.
“Người tiêu dùng khi thấy hình ảnh bác sĩ, chuyên gia xuất hiện thường mặc định đó là bảo chứng khoa học. Từ đó, họ ra quyết định mua mà không đặt nghi vấn. Đây là mấu chốt khiến hành vi này đặc biệt nguy hiểm: niềm tin bị khai thác như một công cụ kinh doanh”, luật sư Biên phân tích.
Cùng chung nhận định, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts nhấn mạnh, nếu hậu quả xảy ra, như sử dụng sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng sức khỏe, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại dân sự, và thậm chí, doanh nghiệp có thể bị truy trách nhiệm hình sự nếu chứng minh được yếu tố gian dối trong cấu thành hành vi.
“Ngoài ra, bản thân các chuyên gia y tế cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách rà soát kỹ nội dung hợp tác, tránh để bị lôi kéo vào hoạt động truyền thông trá hình. Bởi một khi hậu quả xảy ra, việc chứng minh “vô ý” sẽ rất khó trong bối cảnh hình ảnh và phát ngôn đã được gán mác thương mại”, nữ luật sư chia sẻ.
Theo các chuyên gia, những án phạt đầu tiên chỉ là phần nổi. Khi những quảng cáo trá hình len lỏi qua từng khung hình, chúng không chỉ định hình sai lệch nhận thức tiêu dùng, mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh méo mó, nơi đạo đức bị định giá bằng chi phí quảng bá.
Nếu không kiểm soát triệt để, những “vết rạn” hôm nay sẽ trở thành vết nứt dài lâu trong chính nền tảng kinh tế tiêu dùng: khi sức khỏe bị gắn giá bằng hình ảnh, chứ không còn bằng giá trị thật của sản phẩm.
Còn nữa…