Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật không thể mãi “xin lỗi rồi rút lui”. Đã đến lúc luật pháp phải có ràng buộc cụ thể, đủ sức điều chỉnh và răn đe…
Sau những lời xin lỗi công khai, sau những lần “ở ẩn” tạm thời để lặng sóng dư luận, thực chất nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật vẫn chưa hề đối diện với trách nhiệm pháp lý. Từ việc quảng bá thực phẩm chức năng chưa được kiểm chứng, mỹ phẩm không phép, đến khẳng định công dụng sai lệch của sản phẩm… danh sách nghệ sĩ từng “vạ miệng” không hề ngắn.
Nhưng trong hầu hết các trường hợp, trách nhiệm cuối cùng lại rơi vào doanh nghiệp, còn cá nhân nghệ sĩ, người nổi tiếng thì chìm trong im lặng.
Như chúng tôi đã phản ánh ở hai kỳ trước, nghệ sĩ, người nổi tiếng không chỉ là một phần trong chiến dịch truyền thông. Họ là điểm tựa của niềm tin, là lực kéo tâm lý khiến hàng nghìn người tiêu dùng móc ví. Nhưng khi sự thật được phơi bày, pháp luật lại chưa có đủ cơ sở để “gọi tên” họ trên góc độ trách nhiệm cá nhân.
Theo các chuyên gia pháp lý, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm… đều có những điều khoản cấm quảng cáo sai sự thật, nhưng chỉ quy định xử lý tổ chức phát hành nội dung, doanh nghiệp phân phối sản phẩm hoặc nền tảng kỹ thuật. Nghệ sĩ, người nổi tiếng, là người trực tiếp phát ngôn… lại “lọt lưới”.
Trong khi đó, hậu quả họ góp phần gây ra là không thể phủ nhận: niềm tin công chúng bị đánh tráo, thị trường bị thao túng và doanh nghiệp chân chính bị đẩy vào thế yếu.
Giới chuyên gia cho rằng, lỗ hổng hiện nay nằm ở chỗ pháp luật chưa nhận diện rõ vai trò của nghệ sĩ như một chủ thể đặc biệt trong hoạt động thương mại, những người có khả năng tác động đến hành vi tiêu dùng nhưng lại chưa chịu chế tài tương xứng khi phát ngôn sai sự thật.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đức Biên - Giám đốc Công ty Luật Đại La, cho rằng, đã đến lúc cần bổ sung quy định riêng về trách nhiệm dân sự và hành chính đối với người nổi tiếng tham gia quảng cáo.
“Họ phải được xem là một mắt xích có ràng buộc trong chuỗi thương mại. Nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng do đưa thông tin sai, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu vi phạm nhiều lần hoặc có dấu hiệu đồng lõa, cần xem xét đến cả chế tài hình sự”, luật sư Biên nêu quan điểm.
Trong khi đó, luật sư Lê Thị Nhung - Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts, nhấn mạnh, cần thiết lập một quy chế riêng với nghệ sĩ khi tham gia quảng bá sản phẩm. Có thể yêu cầu ký cam kết chịu trách nhiệm về phát ngôn, cung cấp bằng chứng rằng sản phẩm đã được cấp phép và kiểm nghiệm. Với những trường hợp vi phạm, ngoài phạt tiền, có thể áp dụng hình thức đình chỉ hoạt động quảng cáo trong thời hạn nhất định.
Bà Nhung dẫn chứng, một số quốc gia đã có quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề này. Chẳng hạn, Hàn Quốc từng xử phạt hơn 260 triệu won đối với các công ty và người có ảnh hưởng vì không công khai việc nhận thù lao để quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Còn tại Ấn Độ, theo luật Bảo vệ người tiêu dùng ban hành năm 2019, người nổi tiếng nếu quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt tiền tới hàng trăm triệu đồng Việt Nam, và nếu tái phạm có thể bị cấm quảng cáo trong vòng một năm.
“Đó là những mô hình có thể tham khảo để Việt Nam xây dựng cơ chế ràng buộc trách nhiệm phù hợp với thực tế hiện nay”, bà Nhung nói.
Khẳng định với Diễn đàn Doanh nghiệp, cả hai luật sư đều đồng tình rằng, ràng buộc trách nhiệm nghệ sĩ không làm hạn chế quyền tự do cá nhân, mà là để bảo vệ công chúng và gìn giữ môi trường quảng cáo lành mạnh. Việc xây dựng một hành lang pháp lý riêng cho quảng cáo có yếu tố người nổi tiếng là hoàn toàn khả thi, có thể bắt đầu từ một thông tư hướng dẫn hoặc nghị định chuyên biệt dưới Luật Quảng cáo.
Bởi, khi danh tiếng bị lạm dụng để hợp pháp hóa sản phẩm không đạt chuẩn, hậu quả không dừng lại ở một vài bài báo. Đó là những hệ lụy kéo dài với sức khỏe cộng đồng, là sự xói mòn niềm tin vào cả một ngành hàng. Và niềm tin, một khi đã bị tổn thương, sẽ không dễ phục hồi nếu pháp luật vẫn im lặng.
Các luật sư cũng nhấn mạnh, xử lý nghệ sĩ sai phạm không phải để triệt tiêu sáng tạo hay gây sợ hãi, mà là để đưa hoạt động quảng cáo về đúng chuẩn mực. Nghệ sĩ, người nổi tiếng, khi đã chọn đứng trước đám đông để bán niềm tin, cũng cần học cách chịu trách nhiệm bằng pháp lý, không chỉ bằng lời xin lỗi hay việc rút khỏi mạng xã hội.
Đã đến lúc luật lên tiếng. Không phải để trừng phạt, mà để kiến tạo một mặt bằng trách nhiệm công bằng, nơi mọi phát ngôn đều có hậu kiểm và mọi danh tiếng đều không nằm ngoài khuôn khổ pháp lý.