Cần phạt tiền nặng gấp nhiều lần khoản lợi có được do vi phạm trên thị trường chứng khoán cũng là cách hiệu qủa để hạn chế những sai phạm trong lĩnh vực này.
>>Cần sớm lập Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán
Đó là chia sẻ của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Ông đánh giá như thế nào về mức độ “thanh lọc” mạnh tay với thị trường chứng khoán thời gian gần đây?
Mọi thị trường đều cần có sự thanh lọc. Thị trường chứng khoán càng cần phải thanh lọc để bảo đảm sự minh bạch, sạch sẽ. Chúng ta đã chậm thanh lọc, nên dẫn đến “quá mù ra mưa”, khi làm mạnh tay, đột ngột thì thị trường bị sốc.
Nếu làm sớm, làm từng bước kiên quyết, thì tốt hơn. Chẳng hạn, đầu tiên là cảnh báo tình trạng vi phạm nói chung. Tiếp theo là cảnh báo có địa chỉ cụ thể. Sau đó là xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền thật nặng.
Cuối cùng, chẳng thể đừng, thì mới phải xử lý bằng biện pháp hình sự. Khổng Tử đã từng nói: “Không dạy dân để dân phạm tội mà giết gọi là ngược; không răn bảo trước mà muốn thành việc ngay, đấy gọi là hung bạo; hiệu lệnh để trễ lâu, đến kỳ thúc giục, ấy là thù hại dân”.
- Có nhiều lo ngại việc xử lý các doanh nghiệp lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán thời gian gần đây, dẫn đến tâm lý e ngại cho nhà đầu tư, từ đó dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế, thưa ông?
Vi phạm thì phải bị xử lý, vi phạm đến đâu thì cần phải bị xử lý đến đó, không phụ thuộc vào doanh nghiệp nhỏ hay lớn. Nhưng xử lý sai phạm trong thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng cần hết sức thận trọng, cân nhắc các yếu tố phi tài chính, do ảnh hưởng của tâm lý và lòng tin.
Các doanh nghiệp lớn thì có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường, nên xử lý mạnh tay, đột ngột với doanh nghiệp lớn đương nhiên cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường. Và với thị trường tài chính, thì mức độ ảnh hưởng thường không chỉ là tương đương với quy mô của những doanh nghiệp đó, mà còn có hiệu ứng phụ rất lớn. Đó mới là điểm chính cần phải tính đến cần phải cân nhắc để xử lý về tội nào, hành vi nào và vào thời điểm nào.
>>Sự thực về "trái phiếu 3 không", nhìn nhận sao cho đúng?
-Theo ông thì bên cạnh quyết tâm “thanh lọc” thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước cần thể hiện thông điệp như thế nào để ổn định tâm lý nhà đầu tư?
Nhà nước cần phải có 2 loại thông điệp: Thứ nhất là, tuyên bố, thứ hai là hành động. Tuyên bố thì chúng ta đã nhanh chóng làm rồi: Không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự. Theo tôi, cần tiến thêm một bước nữa là không hình sự hoá quan hệ hành chính.
Hành động, ngoài việc đã lỡ rồi, thì chưa thấy tiếp tục khởi tố thêm, nhưng dư luận vẫn cứ đồn đại còn nhiều vụ việc khác. Vậy thì cần có tuyên bố tạm thời dừng việc khởi tố ít nhất là 6 tháng, 1 năm chẳng hạn.
Và đặc biệt là có ngay giải pháp xử lý, khắc phục hậu quả cho những người bị thiệt hại, để nhà đầu tư yên tâm, giữ chân nhà đầu tư, tránh việc không những họ không đầu tư thêm, mà còn ồ ạt rút khỏi, tháo chạy khỏi thị trường.
- Cụ thể, từ vụ Tân Hoàng Minh, chúng ta rút ra bài học gì trong việc giải quyết bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư, thưa luật sư?
Nhà đầu tư dễ có tâm lý tiêu cực vì cảm thấy bị bỏ rơi, không được bảo vệ, không biết có đòi được không và khi nào thì được nhận lại tiền. Xử lý theo thủ tục dân sự hay hành chính thì thường không gây ra tâm lý này, khác với việc xử lý theo thủ tục hình sự.
Vụ án Tân Hoàng Minh, cho thấy sự bất cập của các quy định cũng như việc thực thi, dẫn đến việc lúng túng, khó giải quyết, nhất là việc khắc phục hậu quá của việc huỷ bỏ 9 lô trái phiếu.
Đến lúc này thì không còn là quan hệ dân sự giữa hai bên mua – bán hay vụ việc hành chính thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán, mà hoàn toàn phụ thuộc vào tiến trình điều tra, truy tố, xét xử, theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng.
- Để phát triển lành mạnh và bền vững thị trường chứng khoán, có khuyến nghị là tăng chất lượng tư vấn của các tổ chức trung gian như Công ty chứng khoán và doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Ông có quan điểm như thế nào về việc này?
Đối với con người, mất niềm tin là mất hết. Đối với doanh nghiệp cũng không khác, có tín nhiệm là có tất: có khách hàng, có thị trường. Tín nhiệm càng cao thì có nguồn vốn huy động càng rẻ, nếu phát hành trái phiếu thì lãi suất, hay trái tức càng thấp và ngược lại.
Tín nhiệm là chất lượng hàng hoá, dịch vụ, là hiệu quả kinh doanh, là làm đúng cam kết, là tôn trọng khách hàng, là không vi phạm pháp luật,… có được không phải ngày 1 ngày 2, tín nhiệm không phải bằng đánh bóng, tín nhiệm càng không bằng chiêu trò làm giá, đẩy giá.
- Nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cũng là cách hiệu qủa để hạn chế những sai phạm trong lĩnh vực này, thưa ông?
Có 3 loại chế tài liên quan đến thị trường chứng khoán: Chế tài dân sự, chế tài hành chính và chế tài hình sự. Sử dụng chế tài dân sự là chính, người bị thiệt hại thì khởi kiện ra Toà án, Trọng tài đòi bồi thường. Chế tài hình sự thì cần giảm thiểu, chỉ sử dụng trong trường hợp không còn cách nào tốt hơn.
Riêng chế tài hành chính cần phải được sửa đổi theo hướng: Thay vì phạt tiền ở mức tối đa với cá nhân 1,5 tỷ, pháp nhân 3 tỷ, không đủ mức răn đe, khi người ta làm lợi hàng trăm tỷ, nghìn tỷ, làm giảm lòng tin của nhà đầu tư với thị trường, thì cần phải phạt tiền nặng gấp nhiều lần khoản lợi có được do vi phạm pháp luật, để người ta không thấy có lợi, mà rất bất lợi, từ đó biết sợ, không dám vi phạm.
- Xin cảm ơn ông!