Bà Kamala Harris và ông Donald Trump sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để vực dậy nền kinh tế Mỹ khi trở thành Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy sự trở lại của các công việc sản xuất tại Hoa Kỳ, nhưng bất chấp các khoản đầu tư và trợ cấp, ngành công nghiệp của quốc gia này hiện đang trì trệ sau khi vừa mới phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Do đó, Phó Tổng thống Kamala Harris hoặc cựu Tổng thống Donald Trump sẽ gặp khó khăn để xoay chuyển tình hình nếu trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ, bất kể những lời hứa hùng hồn trong chiến dịch tranh cử của họ.
Dưới thời chính quyền Biden, ngành sản xuất của Mỹ đã được cấp hàng tỷ USD đầu tư, bao gồm 53 tỷ USD từ Đạo luật CHIPS và Khoa học nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh chất bán dẫn; gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD.
Đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này cũng đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo dữ liệu của Mỹ, các khoản đầu tư như vậy đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu xây dựng của các nhà sản xuất.
Khi nền kinh tế Mỹ dần phục hồi sau khi bị tàn phá bởi đại dịch Covid-19, đà tăng trưởng mạnh mẽ đó đã trở thành làn sóng thúc đẩy mọi lĩnh vực, bao gồm cả ngành sản xuất. Nhưng động lực đó không kéo dài.
Ngành công nghiệp không chỉ còn rất xa mới có thể khôi phục mức việc làm như trước cuộc Đại Suy thoái. Tổng số việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ vào tháng 8 chỉ tăng khoảng 1,2% so với tháng 2 năm 2020.
Bên cạnh đó, theo các cuộc khảo sát sản xuất gần đây của Viện Quản lý Cung ứng và S&P Global, những điểm yếu chính của ngành sản xuất Mỹ là nhu cầu tăng chậm và lãi suất cao. Điều đó không chỉ khiến các công ty sản xuất luôn ở chế độ chờ đợi mà còn có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại cho tương lai của ngành.
Ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: "Sự kết hợp giữa đơn đặt hàng sụt giảm và hàng tồn kho tăng là dấu hiệu ảm đạm nhất về xu hướng sản xuất trong một năm rưỡi qua và là một trong những tín hiệu đáng lo ngại nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu".
Theo S&P Global, các nhà sản xuất cũng vẫn đang phải đối mặt với áp lực giá cả gia tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Những chi phí đó có thể làm hao mòn lợi nhuận ròng hoặc được chuyển sang người tiêu dùng dưới hình thức giá cao hơn.
Có những vấn đề cụ thể đối với một số lĩnh vực nhất định của ngành sản xuất. Ví dụ, các nhà sản xuất ô tô Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhà sản xuất Trung Quốc như BYD, khi những chiếc xe điện của hãng này đang tràn ngập thị trường.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, lao động ở rất nhiều quốc gia khác vẫn rẻ hơn so với Mỹ.
Trước bối cảnh đó, hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã đưa ra những chính sách nhằm giải quyết tình trạng trì trệ trong các bài thuyết trình.
Bà Harris đã có bài phát biểu phác thảo một số chính sách kinh tế của mình tại Pittsburgh, khi đề cập đến các kế hoạch như cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, tăng mạnh khấu trừ thuế cho các công ty khởi nghiệp và cải cách các quy định đối với các dự án xây dựng.
"Chúng tôi sẽ đầu tư vào sản xuất sinh học và hàng không vũ trụ; duy trì vị thế thống trị trong lĩnh vực AI và điện toán lượng tử, blockchain và các công nghệ mới nổi khác; mở rộng vị thế dẫn đầu trong đổi mới năng lượng sạch và sản xuất," bà nói thêm.
Trong khi đó, ông Trump đã đưa ra tầm nhìn kinh tế của riêng mình trong bài phát biểu tại Savannah. Ông cho biết về kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp, tăng thuế quan và cắt giảm các quy định, điều mà ông cho rằng sẽ dẫn đến "một cuộc di cư" hàng loạt của các nhà sản xuất từ Trung Quốc sang Pennsylvania, từ Hàn Quốc sang Bắc Carolina, từ Đức đến Georgia.
Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Do đó, những biện pháp này có thể khó thuyết phục cử tri.