Với dự án đường sắt đô thị, chức năng của nó là để phục vụ cho địa phương phát triển vận tải công cộng, vì thế mục tiêu thu hồi vốn không phải là ưu tiên hàng đầu khi triển khai dự án.
Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ khi trả lời kết luận của Kiểm toán Nhà nước về đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông xác định phải bù lỗ ngay từ khi lập dự án đầu tư tại họp báo thường kỳ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) diễn ra mới đây.
"Sa lầy" vì 1%
Cập nhập mới nhất từ Ban Quản lý dự án Đường sắt (thuộc Bộ GTVT), tính đến tháng 4/2019 – là thời điểm dự kiến sẽ đưa toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành, khối lượng công việc còn lại của dự án này chỉ là 1%. Tuy nhiên, từ đó đến nay, con số 1% này vẫn chưa được tổng thầu dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc hoàn thành dù Bộ GTVT và các cơ quan liên quan liên tục nhắc nhở, đôn đốc.
Điều đáng nói, 1% khối lượng công việc này vốn không phải những công đoạn phức tạp, nặng nhọc mà chủ yếu là hoàn thiện mỹ quan và lắp đặt nốt thiết bị ở 1 số đơn thể khu Depot.
Cụ thể, các hạng mục công trình xây dựng đã hoàn thành đang được chỉnh trang hoàn thiện mỹ quan, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu. Ngoài ra còn phải đưa về công trường các phương tiện phục vụ vận hành, duy tu bảo dưỡng, cứu hộ (xe cẩu, xe tải, xe công vụ kèm dụng cụ chuyên dụng).
Bên cạnh đó, dự án cũng cần lắp đặt hoàn chỉnh một số thiết bị còn thiếu hoặc thay thế các thiết bị có sai sót, hư hỏng do vận chuyển trước đây phải khắc phục (một số máy chủ hệ thống phụ trợ của hạng mục thông tin, bán vé tự động, máy móc dụng cụ cho sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đoàn tàu).
Ngoài ra, dự án còn phải thực hiện nốt các thử nghiệm và các bước đánh giá an toàn phục vụ nghiệm thu các hạng mục thiết bị chuyên ngành; cùng đó là vận hành thử toàn hệ thống để kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.
Theo đai diện Ban Quản lý Đường sắt thì 1% khối lượng công việc còn lại của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông gồm những công việc phức tạp và mất nhiều thời gian. Trong đó có nhiều nội dung vừa thử nghiệm vừa phải căn chỉnh cho phù hợp.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, đến thời điểm này dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chỉ tồn tại 1% khối lượng công việc về hoàn chỉnh hệ thống, khắc phục một số khiếm khuyết về thiết kế, hoàn thiện chỉnh trang một số nơi. Tồn tại lớn nhất là việc tập hợp hệ thống các hồ sơ kèm theo các hạng mục của dự án.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vừa bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm xảy ra trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư. Trong đó, việc dự án bị đội vốn lên tới hơn 9.000 tỷ đồng cùng hàng chục lần trễ hẹn về đích là hai trong số những sai phạm nghiêm trọng nhất khiến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang được coi là vết “sa lầy” của ngành giao thông vận tải (GTVT).
Với hệ thống hồ sơ về xây dựng tuyến đường đã cơ bản hoàn thiện, cơ bản nghiệm thu nhưng phần lắp đặt thiết bị của dự án còn thiếu các chứng chỉ từ xuất xứ linh kiện, lắp đặt thành một hệ thống có thể hoạt động được.
"Chậm chủ yếu về phần hồ sơ chứ không phải nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ thiết bị. Còn hệ thống thông tin tín hiệu, đường ray đã xong. Hệ thống bán vé đang khắc phục một số tính năng của phần mềm.
Hệ thống phòng cháy chữa cháy đã lắp đặt xong. Dự án đã chạy thử đơn chiếc từng đoàn tàu. Tổng thầu đề nghị chạy thử liên động nhưng chúng tôi yêu cầu các phần việc kia phải xong để chạy thử liên động toàn bộ các đoàn tàu và toàn hệ thống trang thiết bị đi cùng" - Thứ trưởng Đông giải thích.
Ông Đông cho biết Thủ tướng yêu cầu phải đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác với điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cho nên những phần việc trên là điều kiện phải tuân thủ để đảm bảo an toàn.
Để đánh giá các chứng chỉ, hệ thống có đảm bảo an toàn hay không, Bộ GTVT đã thuê tư vấn độc lập là Công ty tư vấn ACT của Pháp chuyên đánh giá an toàn hệ thống đường sắt trên thế giới để đánh giá mức độ an toàn của hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Tư vấn đã hoàn thành đánh giá 6 trong số 14 báo cáo và yêu cầu cung cấp thêm các thông tin chi tiết để đánh giá độc lập chứ không nghiêng về bên nào.
"Nguyên nhân chính phần lớn là do tổng thầu. Nếu làm đến đâu họ tập hợp, lưu hồ sơ đến đó thì sẽ nhanh hơn đến giờ mới tập hợp sẽ mất thời gian. Còn giai đoạn đầu phần giải phóng mặt bằng của chúng ta kéo dài nên họ không đưa thiết bị vào khảo sát được dẫn đến việc thiết kế phải kéo dài thời gian" - ông Đông nhận định.
Về tiến độ hoàn thành dự án, ông Đông khẳng định đang rất khẩn trương, quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng "nhưng bây giờ đưa thời hạn cụ thể mà đến ngày không thực hiện được lại bị dư luận nói. Bởi vì Bộ GTVT đang yêu cầu tổng thầu hoàn thiện chi tiết các phần việc chưa xong, báo cáo cụ thể. Còn bây giờ nói ước tính các phần việc đó thì chưa ra con số cụ thể để công bố được. Khi nào báo cáo cấp có thẩm quyền chính thức về chốt tiến độ thì chúng tôi sẽ công bố".
Khi được hỏi vì sao không đặt mốc chi tiết thời hạn hoàn thành dự án, ông Đông cho biết có đặt mốc nhưng việc hoàn thành hay không vẫn do tổng thầu thực hiện.
Theo ông Đông, Bộ GTVT thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là không để dự án dây dưa nhưng trong dự án này có đan xen cả những phần từ giải phóng mặt bằng, thiết kế ban đầu có nguyên nhân chủ quan về thiết kế, kinh nghiệm...
Hiện nay Bộ GTVT đang thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và sẽ công bố công khai.
"Không khả thi nhưng vẫn làm"?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận đúng các sai sót của dự án Cát Linh - Hà Đông, với các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, giai đoạn thiết kế dự án kéo dài qua 5 năm, nhiều hạng mục điều chỉnh khiến cho tổng vốn dự án tăng. Năm 2015, chủ đầu tư phải tạm duyệt dự toán để thực hiện một số hạng mục xây lắp và để tạm thanh toán giá trị khối lượng cho Tổng thầu Trung Quốc, thúc đẩy tiến độ. Quy định của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khác biệt về thiết kế, đơn giá định mức nên lập dự toán chưa đầy đủ, khiến quá trình thực hiện còn sai sót, tồn tại như Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.
Có thể bạn quan tâm
09:13, 16/09/2019
16:00, 14/09/2019
20:05, 11/08/2019
10:06, 11/08/2019
Về vấn đề thu hồi vốn, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Thu hồi vốn chỉ có những dự án có tính chất thương mại nhiều, dự án vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị không đặt ra mục tiêu thu hồi vốn. Đường sắt đô thị đóng góp của dự án đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của quốc gia. Khi lập dự án đã tính toán tới hiệu quả phát triển kinh tế như thế nào và đã được báo cáo cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.”
Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, không chỉ đường sắt đô thị mà dự án đường sắt nói chung cũng không thể thu hồi được vốn. Không riêng ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng khẳng định việc này, bởi đường sắt không phải là dự án có hiệu quả thương mại cao.
Về nhận định dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không khả thi về tài chính mà vẫn làm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Bộ GTVT đã giải thích với Kiểm toán Nhà nước hiệu quả về kinh tế của dự án này là trên 12% lúc lập dự án. Còn hiệu quả tài chính trên dưới 2%.
“Đây không phải là ngoại lệ về đường sắt và đường sắt đô thị trên thế giới. Đường sắt chi phí gấp 3-4 lần đường bộ, trong khi dự án BOT đường bộ Nhà nước đã hỗ trợ 40-50% tổng mức đầu tư nhằm khả thi về phương án tài chính để thu hồi phần vốn nhà đầu tư bỏ ra” - Thứ trưởng GTVT thông tin.
Việc hoàn vốn đường sắt rất khó nên trên thế giới chỉ kêu gọi tư nhân đầu tư đầu máy toa xe vào khai thác thay vì đầu tư hạ tầng đường sắt. Với dự án giao thông công cộng không thể thu hồi vốn đầu tư nên không có hiệu quả tài chính nhưng phục vụ nhu cầu giao thông của cả thành phố để quyết định đầu tư hay không.
Dẫn chứng thêm về phương tiện vận tải hành khách công cộng xe bus, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Hiện nay Nhà nước vẫn phải bù lỗ. Nếu không bù lỗ, không trợ giá xe buýt thì không đơn vị nào có thể duy trì khai thác được với loại hình vận tải công cộng này.
Về trách nhiệm xử lý cán bộ, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay đang rà soát vì các cơ quan tham gia dự án rất nhiều, ban đầu chủ đầu tư là Cục Đường sắt, sau đó chuyển về Bộ GTVT.
"Đây là bài học đắt giá cho ngành giao thông. Chúng tôi đang rà soát theo kết luận của kiểm toán, sẽ thực hiện nghiêm túc, phần nào chưa đúng sẽ điều chỉnh. Phần nào vượt quá thẩm quyền của Bộ GTVT sẽ báo cáo cơ quan cao hơn", ông Đông nói.