Trước hiện tượng nhiều đoạn bờ kè chắn sóng biển ở thị xã Cửa Lò bị đánh tan, gây sạt lở nghiêm trọng mặc dù bão số 7, số 8 không đổ bộ trực tiếp vào đất liền đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng để đi tìm nguyên nhân vì sao hiện tượng sạt lở một số đoạn bờ kè biển ở địa phương này lại có thể dễ dàng xảy ra như vậy?
Tan hoang bờ kè biển Cửa Lò
Do ảnh hưởng của cơn bão số 7, số 8 nên những ngày qua, trên địa bàn thị xã Cửa Lò đã có mưa vừa đến mưa to, sóng biển cao từ 3-5m liên tục xuất hiện. Công tác giằng chống, gia cố nhà cửa cũng như các phương án phóng, chống bão đã được cơ quan chức năng địa phương đồng loạt triển khai nhằm tránh thiệt hại tối thiểu về người và tài sản.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, từ sáng 14/10 vừa qua, dọc bãi biển ở thị xã Cửa Lò xuất hiện nhiều đoạn bờ kè chắn sóng bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. Kéo theo đó, các ki ốt kinh doanh dịch vụ dọc bãi biển thị xã Cửa Lò cũng có nguy cơ bị sóng đánh tan, nhấn chìm xuống biển.
Đơn cử như tại khu vực phía Nam quảng trường Binh Mình một đoạn dài bờ kè bị sóng đánh nứt toác, đổ sập kéo dài khoảng vài chục mét. Chưa hết, một khối lượng lớn mảng bê tông và rọ đá phía dưới chân kè và thân kè bị sóng đánh tuột ra ngoài, tan hoang.
Cùng với đó, nhiều đoạn lan can an toàn trên bờ kè cũng bị kéo sập, hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, nhiều khu vực trên bờ kè được lát gạch Terrazo cũng bị sóng đánh bong tróc bay vào tận phía trong các ki ốt kinh doanh của người dân. Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của áp thấp nên hiện tượng nứt nẻ, hư hỏng bờ kè có nguy cơ tiếp tục kéo dài thêm, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ngay tại ki ốt số 20 đến 45 cũng bị sóng biển tấn công do bờ kè sụt lún, tạo hầm ếch, đe doạ đến sự an toàn của người và tài sản. Đoạn phía sau Bưu điện thị xã Cửa Lò cũng bị sóng đánh tan hoang, các rọ đá giằng cố nay đều bị xiêu vẹo, kéo dài hơn 100m. Dãy cây xanh mới trồng ở dọc bờ kè biển ở đây cũng bị bật gốc, xiêu vẹo…
Theo phản ánh của người dân ở đây, những đoạn bờ kè được gia cố bằng rọ đá, thảm bê tông đều thi công từ hồi cuối năm 2020 để khắc phục hiện tượng sạt lở cũng do cơn bão số 7 và số 9 hồi cùng kỳ năm ngoái đánh tan. Và, việc khắc phục bằng cách gia cố bờ kè chắn sóng ven biển đã được UBND thị xã Cửa Lò tiến hành mới đây để phục vụ đón khách du lịch hè năm 2021.
Vậy nhưng, công trình chưa sử dụng được bao lâu thì đã bị sóng biển đánh tan dù bão số 7, số 8 xảy ra vào những ngày gần đây không đổ bộ trực tiếp vào đất liền. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng công trình mà còn khiến người dân quan tâm bởi vì sao công trình mới chỉ đưa vào sử dụng đã bị sóng biển đánh tan hoang.
“Ném” tiền tỷ xuống biển?
Sau khi ảnh hưởng của cơn bão số 7 và số 9 năm 2020, một số hạng mục công trình bờ kè bờ biển chắn sóng ở thị xã Cửa Lò bị hư hỏng, thiệt hại rất nặng. Cơ quan chức năng cũng đã khẩn trương huy động lực lượng khắc phục và họp bàn triển khai các phương án ứng phó.
Thống kê sau cơn bão số 7 và số 9 năm ngoái, cơ quan chức năng thị xã Cửa Lò đã đo đếm được có khoảng 300m chiều dài kè đường dạo bộ chắn sóng bị hư hỏng và sụt lún; 500m2 đường dạo bộ bị hư hỏng và sạt lún, sập; 500m chiều dài kè chân biển bị xói lở. Địa bàn phường Thu thuỷ với tổng số chiều dài hơn 1,5 km tuyến bờ kè chắn sóng và đường dạo bộ thì đã có khoảng 800 m bị sóng đánh sập toàn bộ bờ kè và đường dạo bộ, toàn bộ hệ thống cây xanh bị bật gốc, đổ, gãy… Thị xã Cửa Lò ước tính thiệt hại do bão số 7 và hoàn lưu sau bão số 9 năm 2020 khoảng 12 tỷ đồng.
Tiếp đó, trước thực trạng nhiều đoạn bờ kè chắn sóng bị đánh tan, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc phục vụ kinh doanh dịch vụ du lịch, thị xã Cửa Lò đã lập kế hoạch, đề xuất với cơ quan chức năng bố trí nguồn vốn để triển khai xây dựng, sửa chữa.
Ông Doãn Văn Lâm – giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng thị xã Cửa Lò cho biết, thực trạng sóng biển đánh sập một số đoạn kè biển từ ngày 14/10 vừa qua là có thật. Tuy nhiên, hiện tượng sạt lở, sụt lún…đều xảy ra ở những bờ kè tạm được thị xã cho triển khai khắc phục khẩn cấp để phục vụ mùa du lịch năm 2021.
Khi được hỏi kinh phí để bố trí sửa chữa, thi công bờ kè tạm đã bị sụt lún trước đó là bao nhiêu thì ông Doãn Văn Lâm nói khoảng 1,7 tỷ đồng.
“Có đợt sóng lớn vừa rồi thì có bị sạt mất một ít. Cái này nằm trong chương trình của thị xã rồi. Đợt này thị xã sẽ làm mới cái kè này” – ông Doãn Văn Lâm thông tin với phóng viên vào chiều 16/10 như vậy. Có nghĩa là, hiện tượng sạt lở như vậy đã nằm trong kế hoạch và việc bố trí số tiền 1,7 tỷ như vậy để thực hiện công trình tạm nay đã bị “ném” xuống biển cũng đã được tính trước?
Cũng theo đại diện của Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng thị xã Cửa Lò thì sắp tới đây địa phương sẽ triển khai xây dựng mới hệ thống bờ kè chắn sóng từ đảo Lan Châu tới ngã 3 Cửa Hội với tổng kinh phí hơn 37 tỷ đồng.
Theo nguồn tin riêng của Diễn đàn Doanh nghiệp thì vào ngày 06/8/2021, ông Doãn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cũng đã ký quyết định phê duyệt đơn vị thực hiện công trình nói trên với thời gian triển khai 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Kinh phí thực hiện sử dụng nguồn dự phòng Ngân sách Trung ương, Ngân sách tỉnh và Ngân sách thị xã Cửa Lò bố trí.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An sẽ làm gì khi được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù?
16:48, 12/10/2021
Hiện trường đổ thải "bát nháo" tại dự án công trình hồ chứa nước bản Mồng ở Nghệ An
04:30, 09/10/2021
Nghệ An sẽ điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam lên 80.000 ha
02:28, 03/10/2021
Nhiều cán bộ ở Nghệ An bị bắt vì liên quan đến đất đai
11:06, 03/10/2021
Bão không đổ bộ nhưng kè bờ biển Cửa Lò vẫn bị đánh tan
21:00, 15/10/2021
Đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Lò hơn 4.600 tỷ đồng tiếp tục được khởi động
11:44, 11/10/2021