Vì sao các ngân hàng Hàn Quốc muốn sở hữu cổ phần các TCTD của Việt Nam?

Hà Phương 27/11/2018 15:00

Mua cổ phần ngân hàng nội là con đường ngắn nhất để các ngân hàng ngoại nói chung và Hàn Quốc nói riêng mở rộng mạng lưới phát triển tại Việt Nam?

Mua cổ phần các tổ chức tín dụng tại VN là con đường ngắn nhất mở rộng mạng lưới phát triển

Mua cổ phần các tổ chức tín dụng tại VN là con đường ngắn nhất mở rộng mạng lưới phát triển

Theo Dịch vụ Giám sát Tài chính của Hàn, hiện tổng tài sản của các ngân hàng Hàn Quốc ở Việt Nam tăng trưởng 18,9% trong năm 2017 lên 5,7 tỷ USD trong năm 2018. Tỷ lệ này cao hơn so với các ngân hàng nước ngoài nói chung, vốn có tổng tài sản tăng trưởng 12,9% lên 42 tỷ USD trong cùng kỳ.

Tính đến tháng 9/2017 có 428 chi nhánh ngân hàng Hàn Quốc ở nước ngoài. Trong số đó, có tới 48 chi nhánh đặt tại Việt Nam, 24 ở Indonesia và 20 ở Myanmar. 

Theo các chuyên gia, các ngân hàng lớn của Hàn Quốc đang đẩy nhanh việc đầu tư tại Việt Nam, đây được xem là nguồn lợi nhuận nước ngoài lớn. Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 6% trong những năm gần đây và hơn 6.500 công ty Hàn Quốc đã tham gia vào thị trường Việt Nam.

Mới đây, KEB Hana Bank – ngân hàng lớn thứ hai tại Hàn Quốc xét về tổng tài sản – đang trong quá trình đàm phán với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để mua lại 17,65% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tổng giá trị thương vụ này được cho là lên tới 30 tỷ Won (tương ứng 26,6 triệu USD). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang sở hữu 95.285 cổ phần tại BIDV.

Trước đó, tháng 4/2017 Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ Việt Nam. Hiện Shinhan đã mở thêm 4 chi nhánh để mở rộng mạng lưới của mình. Hiện tại, ngân hàng có 30 chi nhánh tại Việt Nam với khoảng 1.500 nhân viên. Nhờ sự gia tăng nhu cầu dịch vụ quản lý tài sản tư nhân của ngân hàng, Shinhan Việt Nam đã đăng 56 triệu USD lợi nhuận ròng trong năm ngoái.

Ngân hàng Woori cũng đã thành lập chi nhánh tại Việt Nam vào tháng 1 năm ngoái, cho biết họ sẽ mở thêm 6 địa điểm nữa trong năm nay. Trước nay Woori Bank tập trung vào tài chính doanh nghiệp, nhưng nhà băng này dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh cho khách hàng tư nhân trong tương lai.

Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (The Industrial Bank of Korea), hiện đang điều hành hai chi nhánh tại Hà Nội và TP HCM, cũng đang thúc đẩy thành lập thêm một chi nhánh mới tại Việt Nam.

KB Kookmin Bank hiện chỉ có một chi nhánh tại TP HCM, nhưng được cho là đang xem xét thành lập một chi nhánh bằng cách mua lại một ngân hàng địa phương. Ngân hàng Nonghyup cũng đang điều hành một chi nhánh tại Hà Nội và dự kiến sẽ mở rộng sự hiện diện.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc các nhà băng này gia nhập vào đất nước Đông Nam Á là sự nối tiếp của sự "di cư" của các công ty Hàn Quốc đến khu vực này sau khi gặp khó khăn trong kinh doanh ở Trung Quốc. Sự gia tăng của tầng lớp tiêu dùng trung lưu ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho các hãng Hàn Quốc có mặt nhiều hơn trong khu vực và đang phát triển nhanh chóng. Đây chính là điều hấp dẫn đối với các ngân hàng Hàn Quốc...

Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các ngân hàng ngoại nhận thấy rằng, Việt Nam đang trên đà hội nhập và cũng là thành viên của thị trường ngân hàng quốc tế, cho nên họ kỳ vọng về lợi nhuận và muốn mở rộng mạng lưới cũng như hoạt động tại Việt Nam. Do đó, con số ngân hàng ngoại này sẽ không dừng ở đây mà sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Ngoài ra, các ngân hàng ngoại đang hoạt động và có xu hướng mở rộng mạng lưới tại Việt Nam cũng là các ngân hàng hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp của Hàn Quốc. Khi những doanh nghiệp đó làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam thì các ngân hàng ngoại cũng “theo chân” để hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn tại đây. Do vậy việc sở hữu cổ phần ngân hàng nội sẽ là con đường ngắn nhất để mở rộng mạng lưới tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao các ngân hàng Hàn Quốc muốn sở hữu cổ phần các TCTD của Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO