Vì sao cao tốc Bắc - Nam thiếu vật liệu đất ?

KHÔI NGUYÊN 24/03/2021 17:33

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ GTVT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc hàng loạt dự án cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ thiếu nguồn vật liệu đất.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với các địa phương liên quan đánh giá và có giải pháp phù hợp.

 Tuyến dự án Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thiếu khoảng 1 triệu m3 đất đắp.

Tuyến dự án Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thiếu khoảng 1 triệu m3 đất đắp.

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho thấy, dự án cao tốc Bắc - Nam bao gồm 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653km đang gặp khó khăn do thiếu vật liệu đất đắp nền đường.

Thiếu vật liệu, giá… “trên trời”

Điển hình như ở gói thầu XL-02, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đại diện Công ty TNHH Nhạc Sơn (một nhà thầu) cho biết, riêng khối lượng đất đắp của gói thầu cần khoảng 1,2 triệu m3 nhưng “bòn vét” lắm đến nay cũng chỉ được 37.000m3. Trước đây các mỏ đều tính giá khoảng 90.000 đồng/m3 đất tầng phủ, nay giá đã đội lên rất cao. Mới đây, mỏ Cà Tăng (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) qua đấu giá, chủ mỏ báo giá là 140.000 đồng/m3 tại mỏ, “với giá này thì chưa làm nhà thầu đã biết lỗ”, vị này nói.

Hay như tại dự án Cam Lộ - La Sơn, thống kê Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư) cho thấy, chỉ riêng đoạn đi qua địa bàn Thừa Thiên - Huế cần đến 2,2 triệu m3 đất đắp, nhưng các mỏ vật liệu trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 50%, còn thiếu 1 triệu m3. Còn lại, đoạn qua tỉnh Quảng Trị thiếu khoảng 100.000m3 đất đắp cho gói thầu XL-02.

Cũng theo một cán bộ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phụ trách thi công gói thầu XL5, XL6 cho biết, với cách tính 75.000 đồng/m3 đến chân công trường, trừ chi phí vận chuyển (khoảng 20km), vật liệu đất đắp này có giá khoảng trên 50.000 đồng/m3, cao hơn nhiều so với mức giá công bố của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

“Thời điểm năm 2019 khi khảo sát, lập dự toán dự án, đất đắp được tỉnh Thừa Thiên - Huế thông báo giá là 27.500 đồng/m3, đến nay thông báo giá của địa phương tăng lên 31.500 đồng/m3, nhưng thực tế các chủ mỏ đang bán với giá trên 50.000 đồng/m3”, vị này nói.

Ngược ra phía Bắc, tại dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, các nhà thầu cho biết cũng đang phải loay hoay đi tìm nguồn vật liệu đất đắp để thi công nền đường. Một số nhà thầu cho biết, muốn đẩy nhanh tiến độ cũng “lực bất tòng tâm”, khi các mỏ đất được địa phương cấp phép do tư nhân quản lý đang đẩy giá vật liệu lên cao gấp 2 - 3 lần so với giá khảo sát ban đầu.

Tiến độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang gặp khó vì thiếu vật liệu thi công.

Tiến độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang gặp khó vì thiếu vật liệu thi công.

Lỗi do quản lý

Chia sẻ với cơ quan báo chí, Lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long cho biết, do hàng loạt mỏ chậm được cấp phép đã tạo nên sự khan hiếm vật liệu. Nắm bắt được tình hình này, các chủ mỏ đều đẩy giá vật liệu lên rất cao. Điều này khiến các nhà thầu đứng trước nguy cơ phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng. Điển hình như tại dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình có 1 mỏ (trữ lượng 4,8 triệu m3); Vĩnh Hảo - Phan Thiết gồm 6 mỏ (tổng trữ lượng khoảng 4,17 triệu m3), Phan Thiết - Dầu Giây có 6 mỏ (tổng trữ lượng khoảng 6 triệu m3) đã có trong quy hoạch nhưng chưa được địa phương cấp phép khai thác.

Trong trường hợp 6 mỏ được cấp phép kịp thời, dự án Phan Thiết - Dầu Giây vẫn thiếu khoảng 1,4 triệu m3 do trong quá trình thực hiện công tác khảo sát mỏ vật liệu bước thiết kế kỹ thuật có sai khác lớn với thực tế (trong hồ sơ khảo sát tổng trữ lượng là 20 triệu m3 nhưng tổng trữ lượng thực tế chỉ đạt 4,1 triệu m3).

Trường hợp các địa phương (Ninh Bình, Bình Thuận, Đồng Nai) không kịp thời cấp phép khai thác cho các mỏ vật liệu này dẫn đến các dự án trên thiếu hụt nguồn vật liệu đất, nguy cơ “vỡ” tiến độ dự án.

Chia sẻ với cơ quan báo chí, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, việc mua bán vật liệu thi công là cơ chế thị trường. Nhưng ở đây cũng phải có sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý thị trường địa phương, xem có vấn đề lợi dụng để đẩy giá lên một cách bất thường hay không.

“Phải có sự quản lý của các đơn vị là Chi cục QLTT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Sở GTVT tại địa phương. Các Sở này sẽ đưa ra ba-rem giá và UBND tỉnh quyết định để ổn định giá cả trên địa bàn”, ông Tiến nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Xem xét chuyển đổi một số dự án PPP cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công

    Xem xét chuyển đổi một số dự án PPP cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công

    00:02, 10/03/2020

  • Cao tốc Bắc Nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn: Có hay không việc ưu tiên doanh nghiệp “quen biết”?

    Cao tốc Bắc Nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn: Có hay không việc ưu tiên doanh nghiệp “quen biết”?

    09:12, 09/10/2019

  • Đấu thầu trong nước cao tốc Bắc Nam: Phải tính đến khả năng mạo danh doanh nghiệp Việt

    Đấu thầu trong nước cao tốc Bắc Nam: Phải tính đến khả năng mạo danh doanh nghiệp Việt

    10:00, 25/09/2019

  • Hé lộ những tiêu chí “lọc” nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam

    Hé lộ những tiêu chí “lọc” nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam

    16:46, 27/06/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao cao tốc Bắc - Nam thiếu vật liệu đất ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO