Vì sao đất nước ta còn nghèo?: Bài 2 - Dễ hài lòng

ĐỖ CAO BẢO 05/06/2020 12:00

Tính cả cuộc đời, người Việt có số năm làm việc thực sự ngắn hơn các dân tộc khác.

Ông Hirosuke, ông chủ người Nhật của nhà máy bánh kẹo Tango Candy ở Tân Đức, Đức Hòa, Long An, đã 77 tuổi. Ngài Tomokazu Hamaguchi, Ủy viên Hội đồng Quản trị FPT sinh năm 1944, nghĩa là 72 tuổi ông vẫn là Ủy viên Hội đồng Quản trị một tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam. Ngài Ogawa Takeo, cố vấn của FPT Japan, sinh năm 1939, tức năm nay đã 79 tuổi, năm 2009, khi về hưu đã 70 tuổi ông vẫn nhận lời làm Tổng Giám đốc FPT Japan.

Vào thời điểm năm 2016, khi tham gia ứng cử Tổng thống Mỹ thứ 45, bà Hillary Clinton đã 69 tuổi, còn ông Donald Trump đã 70 tuổi. Nếu trúng cử Tổng thống Mỹ thì bà Hillarry Clinton sẽ làm Tổng thống Mỹ tối thiểu đến năm 73 tuổi, còn ông Donald Trump sẽ làm Tổng thống Mỹ tối thiểu đến năm 74 tuổi.

Trong khi đó người Việt Nam ta 60 tuổi đã lên lão, nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi đã về hưu, chưa kể sĩ quan cấp uý, cấp tá quân đội còn về hưu sớm hơn, có người 50, 52, 54 tuổi đã về hưu. Trong khi người Nhật, người Singapore, người Mỹ sau khi về hưu vẫn tiếp tục đi làm thêm, thì người Việt về hưu là không làm việc. Người Việt rất hài lòng với việc “vui thú tuổi già”, “vui thú điền viên”, “sum vầy bên con cháu”…

Chưa kể với nền văn minh lúa nước, ở nông thôn (chiếm 65% dân số) trước đây, người nông dân chỉ lao động vất vả mấy tháng mùa vụ, còn phần lớn thời gian trong năm là không có việc làm và rất nhiều người coi đó như một điều hiển nhiên. Ở đồng bằng Nam bộ thời xưa nhiều vùng còn không phải trồng lúa, lúa trời tự mọc, đến khi lúa chín mới đánh xuồng đi thu hoạch.

Nghề trồng lúa nước mang tính thời vụ rất cao, lúc gieo cấy và gặt hái thì rất cực nhọc, đúng là đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ai cũng nhìn thấy là rất vất vả, rất cần cù, rất chăm chỉ. Thế nhưng khoảng thời gian giữa lúc gieo cấy đến lúc thu hoạch kéo dài vài tháng, thời gian giữa thu hoạch vụ trước đến gieo cấy vụ sau cũng cả tháng. Thời gian ấy người nông dân lại chơi là chính như câu ca dao dưới đây:

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè

Tháng Tư đong đậu nấu chè

Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm.

Thói quen lao động tháng làm, tháng nghỉ đã tồn tại hàng nghìn năm ấy, ngày nay đã được nhiều người mang ra thành phố, dù có làm việc ở nhà máy, xí nghiệp, công trường họ vẫn không bỏ được thói quen nghỉ nhiều hơn làm.

Ở thành phố, ta thấy nhiều thanh niên không việc làm, ngày ngày la cà quán xá, cà phê, chơi bài cả ngày. Họ than thở, oán trách, đổ lỗi cho chính quyền mà ít người có ý chí lập nghiệp. Ít người nghĩ mình phải tự lập nghiệp, tự tạo ra công ăn việc làm cho chính mình và cho xã hội. Người có việc làm ở công sở thì hoặc sáng đến muộn giờ, hoặc đến đúng giờ chỉ để điểm danh rồi đi ăn sáng, giữa giờ làm việc thì lại trốn ra quán giải khát ngồi tán gẫu. Quán cà phê, giải khát, quán nước vỉa hè, quán bia hơi, quán nhậu mọc lên như nấm, mà quán nào cũng đông khách cả trong giờ làm việc.

Hiện tại, chúng ta có rất nhiều lễ hội. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có gần 8.000 lễ hội, từ lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài; lễ hội cấp quốc gia, lễ hội cấp tỉnh, lễ hội cấp tổng, cấp xã, cấp làng; từ tết Nguyên Đán, lễ Vu Lan, tết Trung Thu, lễ Giáng Sinh, v.v. Có lễ hội diễn ra chỉ một ngày, nhưng cũng có những lễ hội kéo dài ba tháng như lễ hội chùa Hương chẳng hạn.

Như vậy trong quá khứ, người nông dân một năm ít nhất đã không lao động ba tháng. Một điểm lạ là càng những người thuộc nhóm nghèo thì ý thức lao động kiếm tiền lại càng ít. Hầu hết những người giúp việc gia đình thì nghỉ tết đến tận rằm tháng Giêng; công nhân xây dựng, cầu đường, giao thông thì hầu hết nghỉ hết tháng Giêng.

Trong xu thế tuổi thọ con người ngày càng tăng, hầu hết các nước đều nâng tuổi về hưu (Mỹ 67 tuổi, Nhật 68 tuổi, Pháp 62 tuổi…) thì Việt Nam cũng nên nâng dần độ tuổi về hưu cho cả nam và nữ. Nhưng khi có dự thảo nâng dần tuổi về hưu thì một số người nhất loạt phản đối, họ gán ngay cho lãnh đạo tham quyền cố vị muốn ngồi ghế lâu nên sửa luật; họ bất chấp việc luật hưu trí ban hành khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chỉ đạt 62,5, nhưng hiện tại tuổi thọ đã tăng lên đến 75 thì ta cũng phải theo xu thế tăng tuổi nghỉ hưu của cả thế giới.

Một đất nước đã có nhiều lợi thế như Singapore (HUB của khu vực) mà lại chăm chỉ lao động, ai ai cũng làm việc, kể cả những người già 65-75 tuổi, thì họ giàu có là điều hiển nhiên.

Một đất nước đã không có nhiều lợi thế mà người còn sức lao động, chưa già đã muốn nghỉ “an nhàn tuổi già”, “sum vầy bên con cháu” thì mãi vẫn nghèo cũng là chuyện không thể khác.

Lười suy nghĩ cũng là một đặc tính dễ thấy ở một bộ phận người Việt hiện đại.

Trên Facebook hoặc trên các diễn đàn không ít bạn “bàn phím” nhanh hơn “mắt”, chưa kịp đọc hết nội dung, chưa kịp hiểu hết ý người khác đã vội vã bình luận, thậm chí chửi bới. Bất cứ vấn đề gì xảy ra trong cuộc sống, họ đều không nghĩ sâu theo tính hệ thống, xem tổng thể cả hệ thống tốt hay không tốt mà chỉ nhìn ngay những lỗi nhỏ, vụn vặt và hùa theo. Chính vì lười nghĩ nên hay đánh giá sự vật, con người theo hình thức, giàu thì đi xe phải sang, phải dùng đồ hiệu, phải tiêu nhiều tiền. Chính vì lười nghĩ nên dễ bị truyền thông phi chính thống dắt mũi.

Cuộc sống là của mình, hạnh phúc là của mình, vậy mà nhiều người luôn trông chờ vào nhà nước, vào chính quyền. Người nghèo thì mong được chính phủ chăm lo cứu xét, không muốn tự mình thoát nghèo; người thông minh, có học hành mà chưa thành công thì tất cả tội lỗi là của cấp trên, của chính quyền, của thể chế, luôn luôn thường trực trong đầu suy nghĩ rằng “chỉ cần các ông thay đổi tự khắc tôi sẽ giàu, dân tộc sẽ giàu,” mà không bao giờ nghĩ rằng trước hết phải tự thay đổi chính bản thân mình, trước hết là phải chăm chỉ.

Truyền thống hiếu học đôi khi cũng dẫn đến hiếu danh. Thời trước các sĩ tử đi thi với mong muốn được khắc bia tiến sĩ, được vinh quy bái tổ về làng, được bổ làm quan, được rạng danh dòng họ. Nhà nước phong kiến tôn vinh họ để tuyển chọn người tài vào bộ máy chính quyền. Ngày nay, số người học hành để lấy điểm, lấy bằng cấp, để thăng quan tiến chức, để không thua bạn kém bè, thua con hàng xóm không phải là ít so với số người học để lấy kiến thức, tri thức để làm việc tốt hơn. Vì thế mới có chuyện chạy thầy, chạy điểm. Vì thế mới có chuyện bùng nổ tiến sĩ. Vì thế mới có chuyện đặt mục tiêu có bao nhiêu tiến sĩ.

Văn hóa đọc cũng đang suy giảm. Cứ nhìn số lượng các hiệu sách, số lượng độc giả đến hiệu sách, số đầu sách đọc trung bình của một người một năm từ số liệu của Tổng cục Thống kê thì sẽ thấy người Việt hiện đại ít đọc sách thế nào.

Người Việt giờ cũng lười vận động, lười đi bộ; chỉ cần khoảng cách 100 m họ cũng đi xe máy thay vì đi bộ. Ở các toà nhà cao tầng, số người đứng xếp hàng chờ thang máy đông, dù chỉ lên xuống 1-2 tầng nhưng không ai nghĩ là đi theo thang bộ sẽ nhanh hơn chờ thang máy. Khi cần sang đường, lẽ ra đi lên cầu vượt hoặc đi bộ thêm một đoạn đến phần đường đi bộ theo hàng đinh để sang đường cho an toàn thì nhiều người lại sang ngay chỗ muốn sang, bất chấp nguy hiểm cho bản thân. Khi ai đó vận động hay khuyên đi bộ thì họ nghĩ ra đủ lý do, nào là vỉa hè bị lấn chiếm, nào là bụi, nào là ô nhiễm, nhưng thực ra đi xe máy thì cũng bụi như thế và xe máy còn thải chất độc, gây ô nhiễm nhiều hơn.

Không chịu vận động khiến cơ thể thiếu sức dẻo dai, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Đi xe máy khi không cần thiết sẽ làm tăng ùn tắc giao thông, tăng ô nhiễm môi trường, tăng tai nạn giao thông, lãng phí tiền xăng.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao đất nước ta còn nghèo?: Bài 1 - Bốn yếu điểm cố hữu cản trở sự phát triển

    Vì sao đất nước ta còn nghèo?: Bài 1 - Bốn yếu điểm cố hữu cản trở sự phát triển

    06:00, 03/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao đất nước ta còn nghèo?: Bài 2 - Dễ hài lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO