Vì sao Đèo Cả bị thu hồi vốn?

Hương Thu 07/04/2018 10:00

Sau quyết định của Thủ tướng Chính phủ thu hồi 1.180 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, Chủ đầu tư dự án Đèo Cả đã chính thức lên tiếng xin hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nếu không dự án khó hoàn thành đúng thời hạn vào năm 2020.

Việc ra quyết định thu hồi 1.180 tỷ đồng trong tổng số 4.958 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014 - 2016 phân bổ cho Dự án hầm Đèo Cả của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết số 439 ngày 30/10/2017 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội.

p/Hầm đường bộ Đèo Cả

Hầm đường bộ Đèo Cả

Chủ đầu tư kêu khó

Được biết, dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả (gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân) được thực hiện theo hình thức BOT có sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước do Công ty CP đầu tư Đèo Cả thực hiện với tổng kinh phí là 26.154 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ dự án là 5.048 tỷ đồng, vốn BOT là 21.106 tỷ đồng.

Theo ông Hồ Minh Hoàng – TGĐ Công ty CP Đèo Cả, trong số 5.048 tỷ đồng được nhà nước hỗ trợ có 4.958 tỷ đồng TPCP. Nếu bị thu hồi 1.180 tỷ đồng TPCP thì, dự án sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ.

Đại diện Cty Đèo Cả cũng cho rằng, việc suy giảm kinh tế vĩ mô giai đoạn 2010 – 2015 làm cho hàng loạt các dự án lớn tại khu vực dự án như: Lọc hóa dầu Vũng Rô – Phú Yên, Lọc hóa dầu Nhơn Hội – Bình Định, Khu kinh tế Vân Phong,… đến nay đều không triển khai được. Điều này làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương, hệ lụy là lưu lượng xe thực tế qua hầm Đèo Cả sụt giảm so với dự báo lưu lượng giao thông trong phương án tài chính (PATC) ban đầu. Thực tế, lưu lượng giao thông thực tế qua trạm Đèo Cả trong thời gian từ ngày 03/9/2017 đến ngày 25/10/2017 trung bình là 4.700 (xe các loại/ngày đêm), giảm so với dự báo trong PATC là 47%, dẫn đến doanh thu thực tế giảm so với dự báo trong PATC là 48%.

Trong khi đó, chi phí quản lý, vận hành và bảo trì hàng năm hầm Đèo Cả, Cổ Mã và hầm Hải Vân theo phương án tài chính của hợp đồng BOT được tạm tính bằng 10,5% doanh thu thu phí hàng năm.

Hầm đường bộ, là loại hình công trình có suất vốn đầu tư cao hơn rất nhiều so với các loại hình công trình giao thông khác. Còn người dân thì có quyền lựa chọn đi qua hầm đường bộ phải trả phí, đi qua đường đèo thì không mất phí. Do đó, Cty Đèo Cả cho rằng, nếu không có quy định mức giá tối đa cho loại công trình hầm đường bộ sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư.

Và đặc biệt, việc thiếu vốn kinh phí cho giải phóng mặt bằng (GPMB) do việc bị thu hồi 1.180 tỷ đồng vốn TPCP, dẫn đến công tác giải ngân cho GPMB tại các hạng mục hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân không thực hiện được. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ bàn giao mặt bằng thi công và sẽ làm chậm tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án.

Tháo gỡ bằng cách nào?

Từ những vướng mắc trên, thời gian qua, chủ đầu tư dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã nhiều lần xin được điều chỉnh PATC tổng thể dự án. Trong khi, Bộ GTVT vẫn chưa giải quyết dứt điểm các kiến nghị thì nay lại thêm quyết định thu hồi nguồn vốn TPCP.

Chủ đầu tư kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi Thông tư số 35/2016 về quy định mức giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng hầm đường bộ. Ngoài ra, Bộ GTVT cần thống nhất phương án sử dụng Trạm thu giá Bắc Hải Vân (hiện đang thu hoàn vốn cho dự án BOT hầm Phước Tượng - Phú Gia) để thu gộp nhằm đảm bảo hoàn vốn cho 02 dự án: BOT hầm Phước Tượng - Phú Gia và hạng mục hầm Hải Vân (thuộc dự án Đèo Cả).

Chủ đầu tư cũng đề xuất Bộ GTVT cho phép Nhà đầu tư thực hiện huy động vốn bổ sung từ nguồn vốn chủ sở hữu hoặc vốn vay để thực hiện chi trả cho công tác GPMB, tái định cư dự án, đồng thời được phép tính toán phần lãi suất huy động vốn và chi phí huy động vốn bổ sung vào chi phí thực hiện dự án. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài Chính bố trí thay thế nguồn vốn trái phiếu chính phủ đã bị thu hồi theo Nghị quyết số 439 ngày 30/10/2017 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước phân bổ hàng năm cho Bộ GTVT để đảm bảo phương án tài chính tổng thể cho dự án.

Với nhiều khó khăn vướng mắc, các bất cập hiện nay của Dự án BOT hầm Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân), chủ đầu tư lo ngại liệu dự án có hoàn thành vào năm 2020 theo như kế hoạch hay không? Bởi dự án không chỉ trông chờ vào chủ đầu tư mà còn phụ thuộc vào cách thào gỡ “nút thắt” một cách triệt để của các cơ quan quản lý nhà nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Đèo Cả bị thu hồi vốn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO