Doanh nghiệp - dự án

Vì sao doanh thu cải thiện nhưng dòng tiền nhiều "ông lớn" bất động sản vẫn âm?

Diệu Hoa 19/02/2025 04:38

Theo VIS Rating, mặc dù ghi nhận doanh thu cải thiện nhưng dòng tiền hoạt động của 30 chủ đầu tư bất động sản nhà ở niêm yết vẫn tiếp tục suy giảm trong năm 2024.

image.viettimes.vn-w820-uploaded-2025-cajwcqrun-2025_01_02-_lai-suat-vay-mua-nha-6762-2037.jpeg
Dòng tiền hoạt động của hầu hết ông lớn địa ốc niêm yết vẫn âm.

Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho hay, năm 2024, tổng lợi nhuận sau thuế của 30 chủ đầu tư giảm do chi phí lãi vay tăng cao và khoản lỗ hoạt động của các doanh nghiệp đối mặt với các vấn đề pháp lý.

Trong đó, quý IV/2024, các chủ đầu tư ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đáng kể 183% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần làm tăng 8% doanh thu cho cả năm 2024.

Song, tổng lợi nhuận ròng vẫn giảm 7% do chi phí lãi vay cao hơn cũng như khoản lỗ hoạt động của các chủ đầu tư đang phải đối mặt với các vấn đề pháp lý, bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (NRC), Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) và Công ty Cổ phần Đầu tư (LDG).

Ngược lại, các chủ đầu tư lớn như Tập đoàn Đất Xanh (DXG) – công ty mẹ của Hà An (BBB) ổn định, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) và Vinhomes (VHM) ghi nhận biên lợi nhuận cao hơn sau khi hoàn thành các dự án quan trọng, chủ yếu ở phân khúc thấp tầng.

Đáng chú ý, dù doanh thu cải thiện nhưng dòng tiền hoạt động của các chủ đầu tư vẫn tiếp tục suy giảm trong năm 2024, trong khi tổng nợ tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VIS Rating, năm 2024, tổng nợ của các chủ đầu tư đã tăng 20% so với cùng kỳ, lên 208.000 tỷ đồng, chủ yếu để tài trợ chi phí phát triển dự án (ví dụ VHM, NLG, DXG), và bổ sung vốn lưu động hoặc tái cấu trúc nợ đến hạn (như NVL, NBB). Sự gia tăng nợ này dẫn đến chi phí lãi vay tăng 41% so với cùng kỳ.

Nguồn tiền mặt của ngành đã tăng 46% so với cùng kỳ trong năm 2024, đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, nhờ vào dòng tiền mạnh mẽ từ hoạt động đầu tư và tài chính. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi việc mở rộng khả năng tiếp cận cận vốn thông qua nguồn vốn vay ngân hàng và các hoạt động tái cấu trúc dự án như mua bán và sáp nhập, hợp đồng hợp tác kinh doanh và chuyển nhượng cổ phần.

bds.jpeg
Nguồn cung nhà ở mới gia tăng sẽ là tín hiệu tích cực cho ngành trong năm 2025. Ảnh: DH

Theo đó, dòng tiền hoạt động vẫn âm đối với hầu hết các chủ đầu tư trong năm 2024, khi nhiều doanh nghiệp đã gia tăng giải ngân để đẩy nhanh phát triển dự án sau khi nhận được phê duyệt pháp lý và dự kiến ​​sẽ mở bán dự án vào năm 2025 (như VHM, KDH, PDR), trong khi những chủ đầu tư khác vẫn đang vướng tình trạng chậm trả gốc, lãi trái phiếu và các vấn đề pháp lý dự án (như NVL, NBB).

Đơn vị xếp hạng tín nhiệm kì vọng, năm 2025 sẽ là một năm có hiệu quả hoạt động tốt hơn cho các chủ đầu tư. Nguồn cung nhà ở mới nhờ hoạt động phát triển dự án gia tăng từ nửa cuối năm 2024, được củng cố bởi tâm lý tích cực của người mua nhà, sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng và nâng cao hiệu quả tài chính của các công ty vào năm 2025.

Đưa ra nhận định liên quan đến dòng vốn cho ngành bất động sản, VIS Rating cũng cho biết năm 2025, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ đạt mức mức cao nhất trong ba năm qua. Tuy nhiên, rủi ro tái cấp vốn sẽ thấp hơn so với các năm trước nhờ các chủ đầu tư dần khôi phục khả năng tiếp cận nguồn tài chính mới từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước, được hỗ trợ bởi các cải cách pháp lý và quy định mới được ban hành.

Khẩu vị tín dụng từ các ngân hàng đã cải thiện, thanh khoản của ngân hàng vẫn ở mức đủ mạnh để thúc đẩy hoạt động cho vay.
Tâm lý thị trường tích cực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động M&A, thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với phát hành cổ phiếu mới. Tuy nhiên, những chủ đầu tư từng chậm trả gốc, lãi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm nguồn tái cấp vốn để tránh bị chậm trả gốc, lãi trong những lần tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao doanh thu cải thiện nhưng dòng tiền nhiều "ông lớn" bất động sản vẫn âm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO