Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khả năng sẽ không thể buộc Trung Quốc tiết lộ thêm dữ liệu về nguồn gốc COVID-19.
Cụ thể, trong buổi họp báo gần đây, Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO cho biết, "WHO không có quyền ép buộc bất kỳ quốc gia nào trong vấn đề này. Chúng tôi hoàn toàn mong đợi sự hợp tác, đóng góp ý kiến và hỗ trợ của tất cả quốc gia thành viên trong nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc virus SARS-CoV-2". Do đó, tổ chức WHO sẽ đề xuất các nghiên cứu cần thiết để hiểu rõ hơn vấn đề ở "cấp độ tiếp theo".
Các chuyên gia dự báo, có khả năng thế giới sẽ phải mất nhiều tháng nữa, hoặc thậm chí một vài năm để có thể có câu trả lời chính xác về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Với sự bùng nổ của giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đang ủng hộ WHO tiếp tục điều tra khả năng này, trong đó tập trung vào khía cạnh virus có thể thoát ra bên ngoài do một sự cố trong phòng nghiên cứu.
Chuyên gia Raina Plowright, một nhà sinh thái học về dịch bệnh tại Đại học Bang Montana ở Bozeman phân tích, có hai manh mối rất quan trọng để truy tìm nguồn gốc của virus là vật chất di truyền và bằng chứng về các lần lây nhiễm trong quá khứ. Cụ thể, vật chất di truyền, chẳng hạn như DNA hoặc RNA, là thứ tiết lộ nhiều về nguồn gốc của virus. Khi một chủng virus lây lan giữa các vật chủ, nó sẽ biến đổi theo những cách độc đáo.
“Bằng cách theo dõi những thay đổi này, các nhà khoa học có thể suy ra cách chúng lây lan từ vật chủ này sang vật chủ khác, từ động vật sang người. Các nhà nghiên cứu càng có nhiều dữ liệu về quá trình này thì bức tranh càng rõ ràng”, ông Raina Plowright phân tích.
Trên thực tế, những phân tích như vậy đã khiến các nhà nghiên cứu phát hiện ra họ hàng gần nhất của virus SARS-CoV-2, được gọi là RaTG13 trong phân dơi được tìm thấy vào năm 2013 gần một hang động ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Vào năm ngoái, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy một loại virus có trong loài dơi có liên quan chặt chẽ với chủng virus Corona ở người hơn là RaTG13.
Bên cạnh đó, bằng chứng về sự lây nhiễm cũng có thể giúp các nhà nghiên cứu truy tìm lại nguồn gốc của virus. Những dấu hiệu đó thường đến từ các kháng thể, protein mà hệ thống miễn dịch phát sinh sau khi loại bỏ virus ra khỏi cơ thể. Việc tìm kiếm các kháng thể chống lại SARS-CoV-2 cho phép các nhà nghiên cứu có thể truy vết tiếp xúc để tiết lộ những ngày đầu của mầm bệnh.
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc của SARS-CoV-2 kể từ khi dịch bùng phát bắt đầu, nhưng một trong những thách thức lớn nhất là thời gian. Như Jonna Mazet, nhà dịch tễ học tại Đại học California, Davis cho biết, các dữ liệu về những ca bệnh đầu tiên vẫn còn là một ẩn số đã khiến việc truy vết nguồn gốc theo việc lây nhiễm trở nên khó khăn hơn.
“Để có thể quay lại và tái tạo những gì đã xảy ra từ hơn một năm trước là một việc vô cùng khó khăn. Sau một thời gian dài những người nhiễm bệnh có thể không bao giờ biết rằng họ đã từng mắc Covid-19. Và nếu các protein miễn dịch mất đi trong máu, bằng chứng về việc từng nhiễm bệnh trước đó có thể từ từ biến mất”, chuyên gia này phân tích.
Thậm chí, với giả thuyết virus bắt nguồn từ động bật, chỉ nghiên cứu trên loài dơi không đủ để xác định nguồn gốc của virus. Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có cái nhìn đầy đủ về cách cơ thể loài dơi thích nghi với virus để sau đó lây truyền sang con người như thế nào? Hay giới khoa học cũng chưa biết môi trường nơi loài dơi sinh sống có thể tăng khả năng lây lan virus ra sao?
Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc của SARS-CoV-2 vẫn rất quan trọng. Biết được nguồn gốc của virus có thể giúp các nhà nghiên cứu dự đoán và hiểu nguồn gốc của các đại dịch để tìm ra cách thức ngăn chặn chúng. Trong tương lai, câu hỏi cần trả lời không phải là liệu các đại dịch như Covid-19 có xảy ra hay không mà là khi nào, ở đâu và như thế nào? Chúng có thể nổi lên một cách tự nhiên hoặc có thể do tai nạn trong phòng thí nghiệm gây ra. Do đó, thế giới cần phải làm mọi thứ để có được những dữ liệu quan trọng từ đại dịch COVID-19 này.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Viện Virus Vũ Hán tiếp tục là tâm điểm điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2?
03:43, 02/06/2021
Điều gì sẽ xảy ra nếu không tìm được nguồn gốc COVID-19?
05:00, 01/06/2021
Mỹ - Trung tiếp tục "nóng" tranh cãi nguồn gốc virus SARS-CoV-2
05:15, 28/05/2021
CSGT Hà Tĩnh ngăn chặn hàng nghìn khẩu trang không rõ nguồn gốc
15:09, 07/05/2021