Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định đóng cửa mỏ đã cấp phép cho 9 doanh nghiệp.
Cụ thể, theo Quyết định số 1950 ngày 29/5/2019 do ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký ban hành thì từ những năm 2004-2009, các doanh nghiệp nói trên được cơ quan chức năng cấp phép khai thác khoáng sản tại 10 khu vực mỏ ở địa bàn huyện Quỳ Hợp.
Hầu hết các khu vực mỏ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đều là những khu vực khai thác đá xây dựng, chỉ duy nhất là 01 điểm mỏ sắt tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp.
Trong số 10 khu vực mỏ yêu cầu đóng cửa lần này tập trung chủ yếu tại địa bàn xã Châu Lộc gồm: Mỏ đá xây dựng Kiền Kiền (cấp phép năm 2004 cho HTX Hợp Thành); Mỏ đá xây dựng thung Na Nhân (cấp phép năm 2008 cho Cty CP khai thác Khoáng sản Quang Sơn); Mỏ đá xây dựng thung Lũng (cấp phép năm 2009 cho HTX Hợp Thành); Mỏ đá xây dựng thung Kền Kền (cấp phép năm 2009 cho HTX Liên Hợp).
Kế tiếp là 02 khu vực mỏ đá xây dựng trên địa bàn xã Liên Hợp cấp phép năm 2008, 2009 cho 02 doanh nghiệp là Cty CP Xây dựng & Thương mại Hoàng Long và Doanh nghiệp tư nhân Lê Đình Âu. Còn lại là các mỏ được UBND tỉnh cấp phép cho Cty CP KT&XNK Khoáng sản Thiên Long khai thác tại khu vực mỏ xã Châu Quang và Doanh nghiệp tư nhân Lượng Vỹ khai thác ở khu vực mỏ tại xã Thọ Hợp.
Cũng theo Quyết định số 1950 thì lý do UBND tỉnh Nghệ An “lệnh” đóng cửa mỏ đối với 10 khu vực khai thác trên địa bàn huyện Quỳ Hợp lần này nhằm mục đích để bàn giao cho chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Bên cạnh đó, việc đóng cửa mỏ đối với 9 doanh nghiệp nói trên cũng để cơ quan chức năng thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
02:11, 01/06/2019
11:05, 31/05/2019
08:55, 22/05/2019
11:01, 20/05/2019
19:56, 12/05/2019
Mặt khác, UBND tỉnh Nghệ An cũng giao cho UBND huyện Quỳ Hợp, các xã Châu Quang, Châu Lộc, Thọ Hợp, Yên Hợp, Liên Hợp có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại khu vực mỏ nêu trên theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ông Vi Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp cho biết, 4 điểm mỏ trên địa bàn được UBND tỉnh cấp phép cho 3 doanh nghiệp khai thác mỏ đá xây dựng cách đây hơn 10 năm nhưng chỉ sau một thời gian thì tạm dừng khai thác.
“Do chất lượng đá xấu nên một số doanh nghiệp dừng khai thác sau một thời gian được cấp phép. Họ có vào khai thác nhưng do chất lượng đá xây dựng không đạt nên doanh nghiệp không tiến hành đầu tư khai thác nữa. Vì vậy, tại 4 khu vực mỏ trên địa bàn hầu như khai thác được thời gian đầu rồi ngừng” – ông Vi Văn Hùng cho biết thêm.
Việc đóng cửa mỏ sau khi đoàn chức năng kiểm tra, giám sát là động thái nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia, giữ vững hệ sinh thái của môi trường.
Tuy nhiên, dư luận cũng quan tâm là làm sao giám sát được trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức đằng sau câu chuyện tỉnh Nghệ An ra quyết định đóng cửa 10 khu vực mỏ trên địa bàn Quỳ Hợp trong thời gian tới?