Vì sao nhiều quốc gia chia rẽ sâu sắc về chiến sự Nga- Ukraine?

TRƯỜNG ĐẶNG 28/02/2023 03:30

Mỹ và nhiều nước châu Âu đã thực sự ngạc nhiên trước sự thờ ơ của nhiều quốc gia trên thế giới xung quanh vấn đề Nga – Ukraine.

Nhiều quốc gia có quan điểm khác nhau về chiến sự Nga- Ukraine tại Hội nghị Munich vừa qua.

>>Mỹ đứng trước "áp lực kép" Nga- Trung Quốc

Hội nghị Munich vừa qua với trọng tâm là vấn đề Ukraine đã chỉ ra một thực tế: có sự chia rẽ sâu sắc trên thế giới xung quanh xung đột Nga và Ukraine. Một bên là liên minh phương Tây do Mỹ đứng đầu thống nhất trong việc phản đối Nga và can thiệp vào xung đột thông qua các viện trợ vũ khí. Trong khi đó, nhóm các quốc gia có ảnh hưởng ở Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á bày tỏ thái độ thờ ơ trước các kêu gọi của Mỹ cùng trừng phạt Nga.

Vì đâu một cuộc chiến đã gây ra tác động lớn tới mọi mặt của kinh tế toàn cầu lại đối mặt với sự phân mảnh như vậy?

Thứ nhất, nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại bị mất đi các lợi ích từ quan hệ với Nga, đặc biệt là vấn đề năng lượng. Nga vẫn là một cường quốc dầu mỏ và thành viên của OPEC+, có nghĩa nước này vẫn chiếm một vị trị quan trọng trong phát triển kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Không bán cho Châu Âu, Nga vẫn dễ dàng tìm được các khách hàng ở Châu Á, với Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia tích cực nhất. Năm 2021, dầu mỏ Nga chỉ chiếm 2% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, song đến đầu năm 2023, nước này đã mua trung bình 1,2 triệu thùng/ngày từ Nga. Con số này cao gấp 33 lần so với một năm trước đó. Ước tính, Án Độ đã tiết kiệm được khoảng 3,6 tỷ USD nhờ nhập khẩu dầu có giá chiết khấu cao của Nga. Trung Quốc và các nước khác cũng hưởng những lợi ích tương tự.

Điều này lý giải tại sao bất chấp những lời kêu gọi của Mỹ, New Delhi đã không tham gia vào các lệnh trừng phạt Moscow. Các quan chức Ấn Độ nói rằng, các hợp đồng năng lượng là hợp pháp và nằm ngoài vấn đề chính trị.

Thứ hai, các quốc gia có nhiều vấn đề nội tại đáng lo hơn là quan tâm đến một cuộc chiến ở một nơi xa xôi. Khác với các cường quốc khác, Nga có sự độc lập nhất định đối với nền kinh tế thế giới sau thời gian dài hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Trong khi đó, Ukraine cũng là một nền kinh tế bé nhỏ trong khối EU.

Tác động lớn nhất của chiến sự Nga- Ukraine lại chính là giá năng lượng tăng phi mã khiến lạm phát hay giá lương thực trở thành mối lo ngại trên khắp toàn cầu. Và nhiều quốc gia đang phát triển ở Mỹ Latinh hay châu Á đang phải mải miết khắc phục các tác động đó đối với nền kinh tế.

Điều được thừa nhận bởi các chuyên gia trên thế giới, rằng Mỹ và châu Âu đang quá tự mãn rằng những mối quan tâm của họ chắc chắn sẽ trở thành chủ đề chính trị hàng đầu ở các quốc gia khác trên thế giới. Cái được gọi là “tự huyễn chiến lược” mà cựu Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ H.R. McMaster đưa ra, chính là nguyên nhân khiến các quan chức Mỹ và châu Âu ngạc nhiên trước sự thờ ơ của nhiều nước đối với vấn đề Nga và Ukraine.

Cân bằng chiến lược giữa các nước lớn là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới

Cân bằng chiến lược giữa các nước lớn là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới

>>Đối phó với Nga, NATO đứng trước thách thức mới

Thứ ba, có khả năng các quốc gia còn lại thấy rằng tương quan lực lượng giữa hai bên trong chiến sự Nga- Ukraine trở nên khá cân bằng. Điều này khiến các nước nhỏ hơn thấy rằng giữ quan điểm trung lập là biện pháp tốt nhất.

Tại hội nghị Munich vừa qua, kế hoạch hòa bình của Trung Quốc được giới quan sát nhận định có mục đích tạo ra một lớp đệm cho Nga, trong đó ông Vương Nghị - quan chức đối ngoại cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thảo luận về cách Châu Âu và Trung Quốc có thể làm việc cùng nhau để tìm giải pháp hòa bình.

Thế nhưng, kế hoạch đó đã bị Mỹ phủ đầu bằng cáo buộc nghi Bắc Kinh cấp vũ khí sát thương cho Nga, và đó được xem là cách tốt nhất khiến châu Âu và cả thế giới cảnh giác và đứng về phía Mỹ.

Sự giằng co còn được thể hiện ở chiến trường, khi mỗi bên đều đối mặt với các khó khăn nhất định. Đồng minh đang cạn kiệt vũ khí để cấp cho Ukraine, trong khi quân đội Nga gặp khó trong đạt được bước tiến tại thực địa.

Có thể thấy, chính quyền Biden và các quốc gia EU đã không hài lòng trước phản ứng của thế giới trước một vấn đề an ninh toàn cầu nóng bỏng như xung đột Nga – Ukraine. Nhưng khi kết cục của xung đột còn chưa ngã ngủ và tiềm ẩn nhiều bất ngờ như hiện nay, thì thực trạng này có thể sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian.  

Có thể bạn quan tâm

  • Những quan điểm “đốt nóng” chiến sự Nga - Ukraine

    Những quan điểm “đốt nóng” chiến sự Nga - Ukraine

    05:00, 26/02/2023

  • Trung Quốc hưởng lợi gì từ chiến sự Nga - Ukraine?

    Trung Quốc hưởng lợi gì từ chiến sự Nga - Ukraine?

    04:00, 20/02/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Nhiều hoài nghi về cuộc tấn công lớn của Nga

    Chiến sự Nga - Ukraine: Nhiều hoài nghi về cuộc tấn công lớn của Nga

    04:00, 16/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao nhiều quốc gia chia rẽ sâu sắc về chiến sự Nga- Ukraine?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO