Bối cảnh bất ổn về hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ toàn cầu đang khiến Vương quốc Anh mở rộng tầm mắt ra các đối tác mới, trong đó Việt Nam có thể là một lựa chọn.
Ngày 2/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đối mới sáng tạo Vương quốc Anh, George Freeman đã công bố một số chương trình hợp tác và tài trợ thuộc Quỹ Hợp tác Khoa học Quốc tế (ISPF) cho một số quốc gia ASEAN. Trọng tâm là hợp tác nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, ứng phó đại dịch và kháng kháng sinh trị giá 21 triệu bảng Anh, hay đào tạo nhà nghiên cứu trẻ trị giá 2,5 triệu Bảng cho các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
>>Cơ hội cho Việt Nam từ dịch chuỗi cung ứng công nghệ Hà Lan
Thỏa thuận mới nhất không chỉ thể hiện tham vọng mở rộng ảnh hưởng quốc tế trong lĩnh vực khoa học- công nghệ của Vương quốc Anh, mà còn hé lộ một chiến lược xây dựng chuỗi hợp tác nghiên cứu khoa học bền vững hơn trong bối cảnh các liên kết truyền thống ngày càng rạn nứt.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, hợp tác giữa Anh và EU là một trụ cột đã đem lại những thành tựu lớn cho đôi bên. Nổi bật nhất là loạt chương trình Horizon Europe - chương trình nghiên cứu hàng đầu thế giới trị giá 102 tỷ USD, Copernicus (quan sát trái đất), hay Euratom (nghiên cứu nhiệt hạch).
Thế nhưng, chương trình hợp tác này đã bị hủy bỏ do Brexit khiến các nhà khoa học Anh phải rời xa chương trình chung này 2 năm. Mãi đến tháng 9/2023, với nhiều nỗ lực, EU mới cho phép Anh "tái hòa nhập" vào Horizon Europe. Đổi lại, Anh sẽ đóng góp 2,6 tỷ euro mỗi năm để trở thành thành viên liên kết.
Sự trở lại này đem lại niềm vui khôn tả cho giới khoa học Anh, nhưng một số ý kiến bi quan hơn cho rằng hậu quả của 2 năm rời khỏi chương trình là khó có thể hàn gắn.
“Việc tạm xa chương trình này dẫn đến một số ảnh hưởng xấu với khoa học Anh. Chúng tôi mất mát tài trợ, chúng tôi mất hợp tác và chúng tôi mất hợp đồng chính với các trường đại học và nhóm nghiên cứu lớn của châu Âu. Cần nhiều thời gian để tái xây dựng những quan hệ hợp tác với các đối tác EU", ông Azeem Majeed, một nhà nghiên cứu sức khỏe công cộng tại Imperial College London, cho biết.
Quả thật, tác động của những bất đồng chính trị hậu Brexit tới ngành khoa học vẫn còn đó. Dù đồng ý tái gia nhập hai chương trình Horizon và Copernicus, nhưng nước Anh đã quyết định không trở lại với chương trình nghiên cứu hạt nhân châu Âu Euratom, và thay vào đó lựa chọn việc theo đuổi chiến lược của riêng mình với cam kết đầu tư 650 triệu Bảng.
Hợp tác của Anh trong lĩnh vực R&D với các đối tác lớn khác cũng trục trặc, bao gồm Trung Quốc. Như Lewis Husain, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), trung tâm Trung Quốc nhận định, hợp tác nghiên cứu giữa Vương quốc Anh và Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn, bị kiểm soát chặt chẽ hơn và ít bảo mật hơn. Quan hệ địa chính trị ngày càng căng thẳng với Bắc Kinh chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, khiến Anh càng có thêm động lực phải xây dựng các liên minh nghiên cứu bền vững hơn.
Với chiến lược đó, năm 2022, Vương quốc Anh công bố Quỹ Đối tác Khoa học Quốc tế (ISPF) có tổng trị giá 337 triệu Bảng Anh đến năm 2025, trở thành một trong những chương trình hợp tác khoa học - công nghệ lớn nhất giữa các nhà nghiên cứu Anh với các đối tác quốc tế ngoài EU.
>>Giải pháp nào thu hút đầu tư xanh vào các nước ASEAN?
Vào tháng 12/2022, tại Nhật Bản, ông George Freeman đã tuyên bố thành lập ISPF với số tiền tài trợ ban đầu 119 triệu bảng Anh, cho thấy London coi trọng vai trò của Nhật Bản như một đối tác hàng đầu về hợp tác R&D nhằm chuẩn bị cho những bất ổn với EU.
Thông tin từ trang web chính phủ Anh ngày 14/12/2022 cho biết: “Điều đáng thất vọng là trong khi chính phủ Anh tiếp tục tập trung vào việc tăng cường liên kết và hợp tác quốc tế trên toàn cầu, thì sự chậm trễ dai dẳng của EU trong việc liên kết Vương quốc Anh với Horizon đang gây tổn hại cho sự hợp tác với các đối tác châu Âu. EU vẫn là ưu tiên của Vương quốc Anh, nhưng chính phủ Anh không thể chờ đợi mãi để đầu tư thông qua đó”.
Đầu năm 2022, Anh cũng đã đạt được một biên bản ghi nhớ hợp tác với cường quốc công nghệ khác ngoài EU là Thụy Sỹ. Hay tháng 6 vừa qua, Anh và Canada cũng công bố các thỏa thuận về sản xuất sinh học, lượng tử, biến đổi khí hậu và nghiên cứu protein thay thế trong khuôn khổ ISPF.
Với thỏa thuận mới kí kết ISPF, Việt Nam có thể nâng cao các hợp tác nghiên cứu chất lượng cao từ Anh trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp hay năng lượng; cũng như mở ra hàng trăm triệu bảng Anh cam kết tài trợ từ London trên các mặt hợp tác khác.
Đại sứ Anh tại Việt Nam, lain Frew cho biết: "Với ISPF, chúng tôi hi vọng sẽ kết nối các nhóm nghiên cứu và trường đại học, viện nghiên cứu xuất sắc của Vương quốc Anh và Việt Nam, để thực hiện các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực, từ các vấn đề kháng thuốc, nuôi trồng thủy sản bền vững cho đến chuyển dịch năng lượng.”
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể hưởng lợi từ một số ưu tiên khác của ISPF như môi trường (phát triển công nghiệp xanh), công nghệ mới hay đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ngày 3/11 vừa qua, phái đoàn 14 doanh nghiệp Anh trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng tái tạo tới Việt Nam thăm dò thị trường cũng là tín hiệu đáng kỳ vọng của Việt Nam trong chiến lược mở rộng hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Vương quốc Anh.
Có thể bạn quan tâm