Vì sao Sở GTVT Hà Nội “bác” dự án cáp treo vượt sông Hồng?

Hằng Thy 20/07/2018 05:50

Trong báo cáo của Sở GTVT Hà Nội gửi UBND TP. Hà Nội mới đây đã nêu rõ lý do từ bác dự án cáp treo vượt sông Hồng của Tập đoàn POMA (Pháp) đề xuất.

Theo đó, ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đại diện Tập đoàn POMA đã đến thuyết trình dự án cáp treo vượt sông Hồng và cho rằng đây sẽ là loại hình giao thông phát triển trong tương lai.

Dự án có chiều dài hơn 5km, điểm đầu là bến xe buýt Long Biên, điểm cuối là bến xe Gia Lâm.

Dự án cáp treo vượt sông Hồng được cho là chưa phù hợp. (ảnh: Internet)

Tuy nhiên, theo ông Ngô Mạnh Tuấn, Tập đoàn POMA chưa nêu được cụ thể phương án diện tích đất là chỗ trông giữ phương tiện cá nhân tại 2 đầu trạm chờ, giá vé cũng chưa được thuyết minh.

Trong các đồ án quy hoạch của Thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050 đều không đề cập đến loại hình vận tải hành khách công cộng bằng cáp treo như Tập đoàn POMA đề xuất.

Bên cạnh đó, suốt dọc hai bên bờ sông Hồng đang trong giai đoạn nghiên cứu để định hướng phát triển không gian phân khu KĐT sông Hồng.

Do đó, Sở GTVT hà nội nhận thấy việc đầu tư dự án cáp treo vượt sông Hồng do Tập đoàn POMA đề xuất trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất xây cáp treo vượt sông Hồng: Lãng phí, không hợp lý!

    05:41, 05/07/2018

  • Cáp treo vượt sông Hồng: Bài toán “giao thông” hay mục đích du lịch?

    05:28, 03/07/2018

  • Cáp treo vượt sông Hồng: Đề xuất "lạ", doanh nghiệp "quen"

    06:15, 01/07/2018

Trước đó, Tập đoàn POMA - một Công ty chuyên về cáp treo tại Cộng hòa Pháp đề xuất muốn được làm cáp treo vượt sông Hồng. Đề xuất này đã và đang không nhận được sự đồng tình từ dư luận cũng như phía các chuyên gia.

Được biết, tuyến cáp treo theo đề xuất này có tổng chiều dài 5,5km, các trụ đỡ có chiều cao từ 50 - 100m. Điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên, điểm cuối là bến xe Gia Lâm. Mỗi cabin sẽ có sức chứa từ 25 - 30 người, theo tính toán của doanh nghiệp này thì trong 1 giờ tuyến cáp treo có thể vận chuyển được 7.000 lượt khách.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm phân tích rõ: “Tuyến cáp treo này dự kiến mỗi giờ sẽ vận chuyển được khoảng 1.000 người với cáp kẹp bên dưới và 6.000 người với cáp kẹp bên trên thì đây chỉ là tuyến giao thông phụ. Cho nên vài nghìn người không ăn thua gì với sức di chuyển của các cây cầu… Thời điểm ùn tắc chủ yếu giờ cao điểm đi làm và tan tầm, nếu như hệ thống phương tiện vận tải công cộng của chúng ta làm tốt, thì việc làm cáp treo sẽ khả thi, nhưng như hiện nay thì rất khó”.

Tiến sĩ Phạm Sanh cũng cho rằng: “Cáp treo chỉ có thể áp dụng trong các địa hình hiểm trở, vùng núi cao, ít hoặc không có người bên dưới, tránh làm đường nhằm bảo tồn các di tích văn hóa, phục vụ du lịch, khai thác cảnh quan và phục vụ lượng người đi ít…chứ không ai làm cáp để giải quyết kẹt xe”.

Còn theo quan điểm của chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, đây là một đề xuất không hợp lý, cáp treo chỉ nên xây dựng ở những nơi có cảnh đẹp hay những địa điểm du lịch. Nếu xây dựng ở Hà Nội thì lưu lượng chở khách của cáp treo rất là nhỏ mà người tham gia giao thông lại quá đông, sợ rằng cáp treo sẽ bị quá tải.

“Nếu đưa vào hoạt động với tần suất liên tục 365 ngày trong một năm thì chi phí bảo dưỡng sẽ là rất lớn, gây tốn kém không cần thiết. Chưa kể đến việc xây dựng cáp treo sẽ gây ùn tắc ở hai đầu bến là trạm trung chuyển Long Biên và bến xe Gia Lâm”, ông Hiếu nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, để giảm thiểu ùn tắc giao thông thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, việc xây dựng tuyến cáp treo này sẽ gây lãng phí và chưa chắc đã giảm tải được tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Sở GTVT Hà Nội “bác” dự án cáp treo vượt sông Hồng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO