Vì sao Syria cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine?

CẨM ANH 21/07/2022 05:20

Syria vừa tuyên bố cắt đứt quan hệ với Ukraine trong bối cảnh Tổng thống Nga Putin đang có chuyến thăm tới Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

>>Nga bất ngờ đi "nước cờ" mới tại Trung Đông

Syria cắt quan hệ ngoại giao với Ukraine nhằm đáp trả hành động tương tự của Kiev. (Nguồn: Shutterstock)

Syria cắt quan hệ ngoại giao với Ukraine nhằm đáp trả hành động tương tự của Kiev. Nguồn: Shutterstock

Theo hãng thông tấn nhà nước SANA, một quan chức của Bộ Ngoại giao Syria cho biết "Cộng hòa Arab Syria đã quyết định cắt quan hệ ngoại giao với Ukraine theo nguyên tắc có đi có lại và để đáp trả quyết định của chính phủ Ukraine".

Được biết, động thái nói trên của Syria diễn ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Syria trong thời gian qua do nước này công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ở vùng Đông Ukraine.

Đây cũng là quốc gia đầu tiên ngoài Nga công nhận độc lập của DPR và LPR. Trước đó, chính phủ Syria công nhận các quốc gia ly khai được Nga hậu thuẫn. Nước này hồi năm 2018 công nhận Nam Ossetia và Abkhazia độc lập khỏi Gruzia, khiến Tbilisi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Damascus.

Các chuyên gia đánh giá, động thái này được cho là thông điệp của Syria gửi đến Moscow và cả Tehran khi Tổng thống Putin đang có chuyến thăm tới Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong bối cảnh Nhổ Nhĩ Kỳ đang có ý định mở cuộc tấn công vào khu vực Tây bắc Syria nhằm vào các tay súng người Kurd.

Mặc dù cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm việc cùng nhau để định hình tương lai của Syria và bỏ qua các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc dẫn đầu nhằm mục đích chấm dứt nội chiến, nhưng ba quốc gia có quan điểm khác nhau trong câu chuyện này. Nga và Iran là hai nước hậu thuẫn quan trọng nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu được cho là ủng hộ các nhóm nổi dậy tìm cách lật đổ ông Assad.

Phát biểu sau cuộc gặp song phương với Tổng thống Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông đã không nhận được sự chấp thuận của ông Putin trong việc tấn công vào Syria, một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Nga.

>>Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn "đốt nóng" khu vực Bắc Syria?

Các Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Iran E.Raisi, Tổng thống Thổ nhĩ kỳ T.Erdogan đưa ra tuyên bố chung về tiếp tục hỗ trợ giải quyết tình hình Syria. Nguồn: Tass

Các nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tuyên bố chung về tiếp tục hỗ trợ giải quyết tình hình Syria. Nguồn: Tass

Trong khi đó, về phần mình, vì mục tiêu thúc đẩy quan hệ song phương, Iran muốn tránh căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ nếu có thể. Điều này được thể hiện trong chuyến công du của Ngoại trưởng Iran Abdollahian tới Ankara nhằm xác định những điểm nhạy cảm trong quan hệ song phương mà hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria có thể tạo ra để ngăn chặn một cuộc đụng độ quân sự không mong muốn.

Đánh giá về vấn đề này, ông Yusuf Erim, nhà phân tích các vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ và biên tập viên của TRT World cho biết, "Iran muốn giới hạn phạm vi của chiến dịch thông qua đối thoại, thay vì sử dụng các biện pháp xung đột vũ trang".

Hiện nay, Nga đang tập trung vào cuộc xung đột tại Ukraine, do đó khả năng duy trì sự hiện diện chiến lược của họ ở Syria, cũng như ở Địa Trung Hải có thể sẽ thay đổi và gặp rủi ro. Đầu tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles để hạn chế tàu chiến Nga qua lại giữa Địa Trung Hải và Biển Đen. Điều này có thể có tác động đối với sự hiện diện hải quân của Nga ở Syria.

Trước mắt, trong tuyên bố chung giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, ông Putin cho biết ba nước nhất trí tiếp tục tham vấn về vấn đề Syria và cam kết duy trì nỗ lực "bình thường hóa" tình hình ở khu vực này sau một thập kỷ xung đột.

Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng, ông và những người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí tiếp tục tổ chức các cuộc tham vấn chuyên gia quốc tế thường xuyên về Syria. Đặc biệt, cuộc tham vấn lần thứ 19 sẽ diễn ra trước cuối năm nay. Các kế hoạch cũng bao gồm việc tổ chức các cuộc tham vấn của các Bộ trưởng Ngoại giao 3 nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Nga bất ngờ đi

    Nga bất ngờ đi "nước cờ" mới tại Trung Đông

    12:12, 20/07/2022

  • Phương Tây thiệt hại thế nào trong chiến sự Nga- Ukraine?

    Phương Tây thiệt hại thế nào trong chiến sự Nga- Ukraine?

    12:00, 20/07/2022

  • EU giáng thêm đòn trừng phạt mới, kinh tế Nga sẽ

    EU giáng thêm đòn trừng phạt mới, kinh tế Nga sẽ "điêu đứng"?

    14:35, 19/07/2022

  • Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn

    Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn "đốt nóng" khu vực Bắc Syria?

    04:40, 26/05/2022

  • Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ

    Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ "ngáng đường" Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO?

    05:00, 22/05/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Syria cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO