Dự án Trung ương nhưng địa phương lập đoàn thanh tra sau 5 năm công trình đưa vào sử dụng, là những bất cập gây xôn xao dư luận tại tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua.
Đó là thông tin mà Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh trước đó, liên quan đến nội dung thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình tuyến đường tránh Quốc lộ 55 qua thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân (đoạn Km94+170 đến Km98+521), tại Kết luận thanh tra số 2714/LK-UBND, ngày 22/7/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận,
Tỉnh thanh tra, kiểm tra dự án của Bộ
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, khẳng định: “Đây là dự án của Bộ Giao thông Vận tải uỷ thác cho Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư. Vấn đề này đã qua nhiều lần kiểm tra, được chấp thuận cho phép nghiệm thu kết thúc bảo hành công trình theo quy định. Nhìn chung, Sở Giao thông Vận tải thực hiện cơ bản đúng các quy định pháp luật về quản lý chất lượng theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ”.
Đáng chú ý, trước đó, qua kiểm tra Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận nghiệm thu đưa công trình Quốc lộ 55 vào sử dụng tháng 12/2015. Sau thời gian bảo hành 12 tháng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý đường bộ IV và các bên có liên quan tiến hành kiểm tra hiện trường (ngày 28/1/2017) để làm cơ sở cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận kết thúc bảo hành công trình. Ngày 7/2/2017, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản số 591/TCĐBVN-QLBTĐB chấp thuận kết thúc bảo hành công trình và cho phép nghiệm thu kết thúc bảo hành theo quy định.
Đáng nói, dự án QL.55 là dự án của Trung ương (do Bộ GTVT làm chủ đầu tư sau đó ủy thác cho Sở GTVT tỉnh Bình Thuận), thế nhưng không hiểu động cơ gì khiến chính quyền tỉnh Bình Thuận lại quyết định thành lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn bộ dự án (sau 5 năm dự án đưa vào sử dụng).
Chưa dừng lại ở đó, đoàn thanh tra tỉnh Bình Thuận còn cắt đường (cắt bê tông), để làm mẫu kiểm định chất lượng trong khi không có một lãnh đạo nào của Tổng cục Đường bộ hay Bộ GTVT tham gia. Xét cho cùng, để thể hiện sự công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, thì đáng lẽ ra vai trò và sự hiện diện của Tổng cục đường bộ - Bộ GTVT, trong đợt thanh tra vừa rồi mà tỉnh Bình Thuận đã lên phương án thực hiện là hết sức quan trọng. Thế nhưng, điều này đã không xảy ra, và cũng chính vì điều đó, dư luận đã đặt ra những câu hỏi: Động cơ gì khiến UBND tỉnh Bình Thuận quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra dự án của Bộ GTVT? Có hay không những khuất tất tại dự án QL.55 do BGTVT làm chủ đầu tư?
Doanh nghiệp kiến nghị Bộ GTVT vào cuộc
Liên quan đến những ồn ào “hậu” kết luận thanh tra Quốc lộ 55, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Công ty cổ phần Rạng Đông, (nhà thầu thi công gói thầu số 2 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 55 nối dài đoạn Km96+300 – Km205+140), khẳng định: “Chúng tôi không nhất thiết phải đánh đổi thương hiệu và uy tín một doanh nghiệp hàng đầu cho một vấn đề “nhỏ nhoi”. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ 100% vốn, để xử lý nền đường và mặt đường mới 100% dù chuyện tuyến đường xuống cấp không phải lỗi của chúng tôi” – đại điện Công ty Rạng Đông nói.
Cũng theo đại điện nhà thầu, về nội dung thực hiện kiểm định lại chất lượng công trình tuyến tránh Quốc lộ 55 là không đúng quy định. Bởi, có 4 luận cứ để chứng minh cho khẳng định trên:
Một là, công trình tuyến tránh Quốc lộ 55 đã thi công hoàn thành vào tháng 12/2014, được nghiệm thu đưa vào sử dụng tháng 12/2015. Với thời gian khai thác đã trên 5 năm, đến nay kết cấu áo đường đã thay đổi cả về các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu; thay đổi về chiều dày mặt đường (hao mòn); độ dốc ngang, độ dốc dọc cũng thay đổi theo thời gian.
Hai là, trong quá trình khai thác, sử dụng tuyến đường này thường xuyên tác động bởi lưu lượng xe lớn, quá tải trọng và nhiều yếu tố bất khả kháng làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng kết cấu nền đường và áo đường.
Ba là, theo quy định hiện hành, không có hướng dẫn nào thực hiện kiểm định chất lượng tại thời điểm này (theo tiêu chuẩn áp dụng cho công trình mới), để so sánh, đánh giá chất lượng thi công tại thời điểm cuối năm 2014. Do đó, việc so sánh, đối chiếu này là “vô cùng khập khiễng”.
Bốn là, theo Luật Đường bộ và quy định của Bộ Giao thông Vận tải: việc tổ chức đầu tư, khai thác, bảo trì bảo dưỡng hệ thống đường Quốc lộ, thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải. Cho nên, việc thanh tra chất lượng, kiểm định chất lượng của tuyến đường Quốc lộ 55 thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Giao thông Vận tải hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
"Do đó, căn cứ vào những căn cứ trên, rất cần sự vào cuộc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ GTVT vào cuộc để xem xét những vấn đề thẩm quyền, vượt thẩm quyền. Đồng thời, xác định những lý do, động cơ, mục đích… của việc thanh tra này. Không thể để những “lý do… to hơn mục đích”, làm ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp"- đại diện Công ty Rạng Đông bức xúc.
Liên quan đến việc cơ chế phối hợp cũng như quyền và nghĩa vụ liên quan đối với dự án QL.55, trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT, cho biết: Dự án QL.55 là dự án đã được triển khai thực hiện từ rất lâu. Sau nhiều lần thanh tra, kiểm tra chất lượng đạt kết quả và đã đưa vào sử dụng từ năm 2015. Do đó, về nguyên tắc, đơn vị thi công đã bàn giao và hết thời gian bảo hành. Vì vậy, giả sử công trình có xuống cấp thì cũng phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: thời tiết, lưu lượng phương tiện… chứ không thể một mực đổ lỗi cho đơn vị thi công.
Về cơ chế phối hợp liên quan tới thành lập đoàn thanh tra của tỉnh Bình Thuận đối với dự án QL.55, đại diện Bồ GTVT cho biết, tính đến thời điểm này Bộ chưa nhận được văn bản hay thông báo phối hợp nào của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận liên quan tới dự án nêu trên.
Có thể bạn quan tâm
05:10, 01/08/2020
07:00, 17/08/2020
09:01, 02/06/2020
00:30, 08/04/2020