TP.HCM điều chỉnh phân tầng điều trị COVID-19 từ tháp 5 tầng xuống còn 3 tầng là để phù hợp với tình hình hiện nay, tập trung nguồn lực, đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng.
Mới đây, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP thời gian qua.
Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: Trong kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, TP.HCM đã điều chỉnh phân tầng điều trị theo hướng còn 3 tầng (so với trước đó triển khai mô hình tháp 5 tầng điều trị)?
Trả lời câu hỏi này, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, việc phân tầng tuân thủ chỉ đạo của Bộ Y tế theo mô hình từ nhẹ, trung bình đến nặng. “Phân tầng như vậy để tập trung nguồn lực, đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng” – ông Hưng lý giải.
"Trước đây, chúng tôi phân 5 tầng điều trị thì nay còn 3 tầng. Về cơ bản là để phù hợp với mức độ nặng của bệnh nhân cũng như phổ cập số lượng bệnh nhân" - ông Hưng nói.
Ông Hưng thông tin cụ thể chi tiết 3 tầng, theo nguyên tắc 5 lớp như sau:
Tầng 1: Thành phố triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà, kết hợp với các điều kiện đảm bảo an sinh cho F0. Đồng thời, tầng này cũng là các cơ sở cách ly tập trung tại các quận huyện và TP Thủ Đức tiếp nhận các trường hợp F0 không triệu chứng, bệnh nền hoặc bệnh nền ổn định.
Hiện TP.HCM có 18.120 F0 đang cách ly tại nhà; 153 cơ sở cách ly tập trung tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức, với tổng số giường là 23.898 giường.
Tầng 2:Thành phố tiếp nhận thu dung những trường hợp F0 cấp cứu và điều trị; các trường hợp F0 có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh nền.
Các bệnh viện dã chiến, điều trị COVID-19 đã chuyển đổi công năng hoặc các bệnh viện đã tách đôi sẽ tiếp nhận những trường hợp này.
Hiện tầng này có 74 bệnh viện điều trị COVID-19, bao gồm 24 bệnh viện dã chiến (trong đó có 15 bệnh viện cấp TP và 9 bệnh viện quận, huyện), 41 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của TP; 9 bệnh viện trung ương. Tổng số giường ở tầng 3 là 49.342 giường.
Tầng 3: Hồi sức chuyên sâu các trường hợp F0 nặng và nguy kịch tại các bệnh viện tuyến cuối của TP và các bệnh viện được Bộ Y tế đã tăng cường cho Thành phố.
Hiện có 8 bệnh viện hồi sức COVID-19, gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy, Quân y 175 và 5 trung tâm hồi sức quốc gia với tổng số giường là 3.883 giường.
Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM có kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm phòng chống dịch. Mục đích là chăm lo hỗ trợ cho người dân, lực lượng tuyến đầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị, tiêm phòng vắc xin và điều trị cho người nhiễm Covid-19.TP.HCM phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trước ngày 15.9. Trong đó sẽ chia làm 3 giai đoạn cụ thể:
Giai đoạn từ 15.8 – 22.8: Kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19. Không để xảy ra trường hợp người bệnh (F0) chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị.Xác định chiến lược chuyển đổi “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”; mở rộng “vùng xanh” tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện.
Giai đoạn từ 23.8 đến 31.8: Mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn TP.HCM. Phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, Q.5, Q.7, Q.11.
Giai đoạn từ 1.9 đến 15.9:Kiểm soát lây nhiễm cộng đồng. Số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện dưới 2.000 người mỗi ngày (tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân).Đảm bảo hơn 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2.
Bên cạnh đó, trả lời báo chí về các gói an sinh hỗ trợ người dân chống dịch, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, TP.HCM nỗ lực hỗ trợ theo từng đối tượng phù hợp: có những gói hỗ trợ để người dân không bị đói, có gói hỗ trợ cho điều trị F0. Trong đó, thành phố xây dựng gói hỗ trợ để người dân duy trì cuộc sống từ 3 - 7 ngày, sau đó tiếp tục điều chỉnh.
“Nội dung từng gói hỗ trợ có tham vấn chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia y tế. Trước mắt, Thành phố cố gắng chuẩn bị 1 triệu gói như vậy để hỗ trợ người dân. Trung tâm an sinh điều phối, ghi nhận nhu cầu và phối hợp với các quận huyện thực hiện cho phù hợp”, ông Đức thông tin.
Về trích quỹ dự trữ hỗ trợ cho người dân, ông Đức cho biết TP.HCM đã và đang trích quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho người dân. Thời gian qua, TP.HCM cố gắng huy động tất cả nguồn lực có thể để hỗ trợ người dân, các nguồn lực xã hội đóng góp, thành phố sử dụng hiệu quả. “TP.HCM rất ấm lòng khi nhận được hỗ trợ của Trung ương, Chính phủ và 62 tỉnh, thành bạn, sự tài trợ của rất nhiều nhà hảo tâm về thiết bị y tế, lương thực thực phẩm, nhân lực”, ông Đức nói.
Tại TP.HCM, toàn bộ cán bộ, công chức cũng chia sẻ, giảm thu nhập tăng thêm trong năm 2020 và 2021 để chi hỗ trợ cho người dân; như gói 900 tỉ đồng vừa rồi thì nguồn chi chính là từ tiết kiệm. Ngoài ra, các quỹ dự trữ của thành phố cũng được huy động để đảm bảo an sinh.
Trong kế hoạch triển khai giãn cách xã hội trong 1 tháng tới, UBND TP.HCM cho hay sẽ sắp xếp, bố trí ngân sách và các nguồn lực tài chính đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đồng thời, tiếp tục triển khai việc thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại và tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác của các cơ quan, đơn vị; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 17/08/2021
01:23, 17/08/2021
16:01, 16/08/2021
14:26, 16/08/2021
04:00, 16/08/2021
15:08, 15/08/2021