Ban quản lý các KCN - KCX TP.HCM đã chấm dứt hoạt động 37 dự án, trong đó, 17 dự án nước ngoài với vốn đầu tư 61,4 triệu USD; 20 dự án trong nước với vốn đầu tư hơn 2.625 tỉ đồng do vi phạm đầu tư.
>>TP HCM: Đề nghị phong tỏa 29 doanh nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận
Theo Ban quản lý các KCN - KCX TP.HCM, nhằm xây dựng và triển khai Kế hoạch 759 ngày 30/3 về kiểm tra tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong KCX - KCN, cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động nhưng một số doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định.
Cụ thể, trong chín tháng đầu năm, sau khi kiểm tra các doanh nghiệp, BQL đã chấm dứt hoạt động 37 dự án, trong đó, 17 dự án nước ngoài với vốn đầu tư 61,4 triệu USD; 20 dự án trong nước với vốn đầu tư hơn 2.625 tỉ đồng do vi phạm đầu tư.
Ngoài ra, Ban quản lý đã làm việc với các nhà đầu tư vi phạm về lĩnh vực đầu tư, chuyển thanh tra Sở KH&ĐT TP xử lý 15 trường hợp vi phạm, trong đó Sở KH&ĐT đã ban hành quyết định xử phạt hai trường hợp.
Hiện Ban quản lý đang tiếp tục xem xét, lập hồ sơ để chuyển thanh tra Sở KH&ĐT TP xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Về kiểm tra quy định bảo vệ môi trường, Ban quản lý đã kiểm tra định kỳ 105 doanh nghiệp. Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết doanh nghiệp tuân thủ quy định, chỉ có hai trường hợp bị xử lý vi phạm tại KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) và KCX Tân Thuận (quận 7).
Về trật tự xây dựng, từ đầu năm, đã thực hiện 145 lượt kiểm tra hoạt động xây dựng các dự án công trình trong KCN - KCX. Kết quả cho thấy có 15 trường hợp vi phạm và đã được chuyển cho quận, huyện xử lý.
>>Thu hút FDI trong suy thoái
Đáng chú ý, trước đó, báo cáo tình hình hạt động thu hút đầu tư, Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp TP.HCM cho biết, tình hình thu hút đầu tư trong 9 tháng đầu năm có khởi sắc, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 422,34 triệu USD, đạt 84,47% kế hoạch (500 triệu USD), tăng 3,05% so cùng kỳ năm 2021.
Về nguyên nhân tăng là do từ ngày 15/3/2022, TP.HCM đã mở cửa đón khách quốc tế, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhà đầu tư. Do đó, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư vào các khu công nghiệp, kích thích các dự án bất động sản trong khu công nghiệp để đón làn sóng thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, quỹ đất thu hút đầu tư hạn chế, thiếu quỹ đất lớn phục vụ cho thu hút đầu tư, do các khu công nghiệp hiện hữu dần lấp đầy hoặc đang gặp vướng mắc về xác định giá thuê đất đối với nhà nước, chưa được ký hợp đồng thuê đất với nhà nước cho diện tích đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; trong khi các khu công nghiệp mới chậm triển khai. Cụ thể, diện tích đất cho thuê đạt 44,07 ha, diện tích nhà xưởng cho thuê đạt 96.670m2.
Cũng theo Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, dự kiến trong 3 tháng cuối năm và thực hiện rà soát theo chỉ đạo của UBND TP, nhu cầu của các hiệp hội ngành nghề TP, xây dựng định hướng hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành cho các khu công nghiệp mới; hoàn thiện tiêu chí thu hút đầu tư vào khu chế xuất - khu công nghiệp bao gồm: Khu công nghiệp Phạm Văn Hai 668 ha.
Đồng thời, tiếp xúc với các nhà đầu tư FDI lớn, có tiềm năng để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm theo định hướng của TP. Mặt khác, tiếp tục khảo sát nhu cầu tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp các sở ban ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của 6 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo kết luận của UBND TP.HCM tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn. Khảo sát hoạt động kết nối cung cầu của doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp để có giải pháp mở rộng chuỗi cung - cầu trong khu chế xuất, khu công nghiệp; thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại.
Có thể bạn quan tâm
19:33, 11/07/2021
13:24, 17/10/2022
19:08, 02/10/2022
19:15, 28/09/2022
20:57, 23/09/2022
20:46, 23/09/2022