Vì sao Việt Thắng "gầy tong teo"

Tiến Minh 07/04/2018 06:30

Tổng công ty Việt Thắng – Công ty cổ phần (mã TVT, sàn HOSE) vừa có giải trình về việc sụt giảm lợi nhuận sau kiểm toán năm 2017 so với năm 2016.

Cụ thể, trong năm 2017, Việt Thắng chỉ đạt doanh thu 3.429 tỷ đồng (bằng một nửa kế hoạch), kết quả kinh doanh lỗ gần 376 tỷ đồng thay vì kế hoạch lãi 300 tỷ đồng.

Sụt giảm lợi nhuận sau kiểm toán

Ngoài nhu cầu thức ăn cá tra trong năm giảm mạnh, Công ty giải thích, thua lỗ còn đến từ việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của Công ty TNHH Giống – Chăn nuôi Việt Thắng An Giang 29 tỷ đồng, và chi phí quản lý doanh nghiệp điều chỉnh tăng do phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 314 tỷ đồng.

Chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho có thể đến từ việc giảm giá heo trong năm 2017, còn các khoản phải thu khó đòi không được Việt Thắng giải trích một cách rõ trong báo cáo tài chính.

Mặt khác, chi phí tài chính của Việt Thắng tăng gấp rưỡi lên 163 tỷ đồng (chủ yếu là lãi vay), chi phí bán hàng gấp đôi lên 71 tỷ đồng (do chi phí nhân công tăng cao).

Một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm lợi nhuận này là do doanh thu hoạt động tài chính đã giảm 14,94 tỷ đồng. Trong đó, Công ty bị giảm doanh thu tiền cổ tức 9,61 tỷ đồng, giảm lãi chênh lệch tỷ giá 2,19 tỷ đồng…

Ngoài ra, năm 2016 Việt Thắng còn có khoản lãi từ chuyển nhượng khoản đầu tư trị giá 5,5 tỷ đồng, trong khi sang năm 2017 Công ty không có khoản thu nhập này.

Bên cạnh đó, khoản thu nhập khác của Việt Thắng trong năm 2017 cũng bị sụt giảm 7,48 tỷ đồng, nguyên nhân từ khoản thu bồi thường chất lượng 1,72 tỷ đồng và giảm thanh lý tài sản cố định 5,67 tỷ đồng.

Về các khoản chi phí, trong năm 2017, Công ty này cũng đã tiết giảm được một số khoản chi phí, nhưng điều này chưa đủ để bù đắp cho việc sụt giảm nguồn thu nêu trên.

Cụ thể, chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm 2017 đã giảm 0,32 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 2,92 tỷ đồng, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 5,03 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý 1/2018 ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 290 tỷ đồng, trước đó tại báo cáo tài chính năm 2017 sau kiểm toán, Ernst & Young đã đưa ra cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Thế khó của TVT

Hiện, TVT cũng đối mặt với những khoản nợ lớn. Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của Việt Thắng đạt 3.230 tỷ đồng, giảm gần 70 tỷ đồng so với đầu năm.

Đáng chú ý các khoản phải thu ngắn hạn 1.480 tỷ đồng, chiếm tới 87% tài sản ngắn hạn của công ty. Trong khoản mục này, phải thu từ khách hàng khác gần 1.050 tỷ đồng không được nêu rõ, ngoài ra công ty còn hai khoản phải thu từ cá nhân ông Lâm Thái Hoàng (191 tỷ đồng) và ông Phan Thanh Trí (134 tỷ đồng).

Danh mục tài sản dở dang có 457 tỷ đồng tiền xây dựng nhà xưởng và trên 15 tỷ đồng đã được Việt Thắng sử dụng để xây trại heo.

Tổng nợ phải trả vượt mức 2.450 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Việt Thắng gần 2.130 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Việt Thắng còn dư nợ vay ngắn hạn 1.350 tỷ đồng (lãi suất 6,5-7,5%) tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thời gian đáo hạn từ 3/1/2018 đến 12/7/2018. Tài sản đảm bảo gồm công trình, hạng mục phụ trợ, máy móc… từ dự án mở rộng nhà máy Việt Thắng tại Lai Vung (trị giá 376 tỷ đồng). Nhà cửa, kiến trúc, quyền sử dụng đất tại KCN Long Hậu, KCN Sa Đéc và huyện Châu Thành – Đồng Tháp nhằm bổ sung vốn lưu động.

Ngoài ra, Công ty còn dư nợ khoản vay 638 tỷ đồng với lãi suất từ 9,4-10,9%, đảm bảo bằng tài sản hình thành trong tương lai ở các dự án như Lai Vung, Việt Thắng An Giang hay Việt Thắng Long An. Mục đích huy động vốn nhằm đầu tư các nhà máy, trang trại heo giống và thức ăn chăn nuôi…

Thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam rất lớn và vẫn còn tiềm năng. Hiện tại, nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam là khoảng 16 triệu tấn/năm, trị giá khoảng 6 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, con số này có thể lên đến 25-26 triệu tấn/năm với trị giá hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thị trường thức ăn gia súc đang dần rơi vào tay doanh nghiệp ngoại. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy.

Cho nên, dù doanh nghiệp Việt nổi trội hơn hẳn khi số lượng gấp đôi doanh nghiệp ngoại, nhưng xét về công suất và thị phần thì doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm thị phần rất nhỏ. Có thể thấy rõ qua công suất sản xuất. Công suất sản xuất của doanh nghiệp Việt khoảng 12.465 tấn/năm, doanh nghiệp ngoại có công suất trên 15.700 tấn/năm, chiếm 60-65% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất.

Quay trở lại câu chuyện đổi chủ của Việt Thắng. Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các doanh nghiệp ngoại, khi về với đối tác mới, liệu chặng đường 2018 với kế hoạch năm 2018 của Việt Thắng có sáng sủa hơn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Việt Thắng "gầy tong teo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO