Vì sao Vinachem “trượt chân” ở Lào?

NGUYỄN VIỆT THỰC HIỆN 27/03/2019 17:08

Vấn đề Vinachem sa lầy tại mỏ muối Kali bên Lào có nhiều nguyên nhân. Đơn cử, không đúng thẩm quyền, thăm dò khảo sát, thẩm định quyết định, kiểm tra giám sát… không được làm “đến nơi đến trốn”.

Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh với báo Diễn đàn Doanh nghiệp về cuộc "tháo chạy" của Vinachem khỏi đất Lào khi đã đầu tư hơn 522 triệu USD nhằm khai thác khoảng 620.000 tấn muối/năm tại tỉnh Khăm Muộn (Lào).

- Thưa ông, vì sao Vinachem lại bị “sa lầy” tại muối mỏ Kali tại Lào?

Việc đầu tư ra nước ngoài là công việc tương đối mới với nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng như Vinachem. Doanh nghiệp này đã bộc lộ nhiều lỗ hổng về mặt cơ chế quản lý cũng như yêu cầu kiểm tra, giám sát. Chính tử huyệt này đã khiến Vinachem thất bại tại Lào.

- Ông có thể phân tích cụ thể hơn về “tử huyệt” này?

Trước hết, quy định thẩm quyền trách nhiệm của các cơ quan ban ngành cũng như người chịu trách nhiệm ký quyết định đầu tư ra nước ngoài đều thực hiện sai nguyên tắc. Đơn cử, với một dự án lớn như dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali do Vinachem đầu tư tại Lào phải do Bộ trưởng Bộ Công Thương ký mới được đầu tư ra nước ngoài, thậm chí Thủ tướng Chính phủ ký mới được thông qua.

Cũng thể đây là doanh nghiệp lớn, có tiếng nói, uy tín nhất định nhưng cách làm như vậy là không đúng với nguyên tắc đầu tư và kinh doanh, đặc biệt là dùng tiền ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến đầu tư không hiệu quả của Vinamchem tại Lào là do khâu khảo sát, thăm dò thị trường để đưa ra quyết định đầu tư không chuẩn xác. Việc thẩm định của các cơ quan chức năng khi ký quyết định cho Vinamchem đầu tư sang Lào có một phần thiếu trách nhiệm. Nếu trước khi đầu tư mà có sự thẩm định kỹ càng, nếu thấy không hợp lý hoặc không hiệu quả thì có thể “gạt” ngay từ đầu thì có lẽ câu chuyện cũng không đến mức phức tạp như hiện nay.

  Theo nguyên tắc, cứ sau 3 tháng, 6 tháng thì phải có báo cáo định kỳ cho các cơ quan quản lý giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhưng hoạt động này cũng không được kiểm soát đúng quy trình. 

Đặc biệt, phải kể đến vai trò giám sát của các cơ quan chức năng. Theo nguyên tắc, cứ sau 3 tháng, 6 tháng thì phải có báo cáo định kỳ cho các cơ quan quản lý giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhưng hoạt động này cũng không được kiểm soát đúng quy trình.

Vấn đề tiếp theo là khi đã có quyết định đầu tư thì khâu tổ chức thực hiện đầu tư cũng không đúng với quy trình. Đó là việc Vinachem mang tiền nhà nước đi đầu tư nhưng sự kiểm soát của các cơ quan chức năng và bộ chủ quản còn “lỏng lẻo”, Mang tiền ra nước ngoài thì đầu tư như thế nào, thời gian thu hồi vốn có đảm bao hay không, quá trình triển khai mất bao nhiêu thời gian… - những câu hỏi này không được người ký duyệt dự án quan tâm.

Tóm lại, với dự án của Vinachem đầu tư tại Lào liên quan đến một loạt vấn đề, từ thẩm quyền đầu tư, kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền… đã không đi vào “nề nếp”.

Đây là một bài học đắt giá để có những hoạch định tốt hơn trong tương lai, không chỉ cho Vinachem, mà cho cả các DNNN nói chung.

- Theo ông, có cách nào để giải cứu dự án này?

Theo Báo cáo của Bộ Công thương, Dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào của Vinachem được triển khai từ năm 2004. Ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án vào năm 2012 chỉ là 377 triệu USD nhưng sau khi tính toán lại thì điều chỉnh tổng mức đầu tư lên con số 522 triệu USD.

Đáng chú ý, khi xác định tổng mức đầu tư, thì Vinachem đã tính đến việc vay thương mại có bảo lãnh Chính phủ với số tiền lên tới 262 triệu USD. Vậy nhưng kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cho rằng, dù Bộ Tài chính chưa bảo lãnh để giải ngân nguồn vốn vay nhưng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã thực hiện ký hợp đồng là chưa đảm bảo chắc chắn khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng xây dựng.

Thực tế, tháng 11/2016 Bộ Tài chính đã ra văn bản thông báo không cấp bảo lãnh cho dự án này và yêu cầu Vinachem tự chủ động triển khai thực hiện dự án. Khi đó, Vinachem mới thừa nhận do không được bảo lãnh vay vốn nên Tập đoàn không đủ khả năng để tự thu xếp nguồn vốn cho dự án nên đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương rằng "nếu đến 20/11/2016 Tập đoàn chưa có được bảo lãnh cho dự án thì Tập đoàn sẽ ra thông báo tạm dừng dự án tới các nhà thầu".

Như vậy, có thể đây chỉ là một dự án “vẽ” nhằm rút tiền ngân sách hoặc phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó. Và việc dừng dự án là điều đương nhiên. Nhưng hậu dự án - xử lý trách nhiệm những người liên quan là vấn đề quan trọng, cần chờ cơ quan quản lý.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Vinachem “trượt chân” ở Lào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO