Tình trạng các băng nhóm xã hội đen “làm mưa làm gió” trong các phiên đấu giá đất liên tiếp xảy ra trong nhiều năm gần đây. Đáng nói, sự việc được diễn ra công khai gây bức xúc dư luận...
Thao túng đấu giá đất
Dưới danh nghĩa Công ty bất động sản Đường Dương, băng nhóm Đường “Nhuệ” gần như "làm mưa làm gió" trong hoạt động đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình, cùng những chiêu trò, thủ thuật gây bức xúc, sợ hãi cho chính quyền lẫn người dân. Cách thức thực hiện của băng nhóm này được mô tả như những “cơn ác mộng kinh hoàng”.
Theo đó, trước, trong và sau mỗi cuộc đấu giá, Đường “Nhuệ” thường dẫn theo vài chục đàn em xăm trổ kín mình đến thị uy bằng nhiều cách thức. Trong đó, khống chế, đe dọa người mua hồ sơ đấu giá, cho ngồi cùng người đấu giá ép họ bỏ giá, hoặc đứng ra đàm phán để họ bỏ giá thấp, thậm chí sẵn sàng hành hung đối thủ ngay tại phiên đấu giá… là cách thức băng nhóm này sử dụng.
Do đó, tại tỉnh Thái Bình, Đường “Nhuệ” thường xuyên trúng đấu giá với kết quả là những con số khiến không ít người phải giật mình. Cụ thể, đầu năm 2019 tại huyện Đông Hưng, trong cuộc đấu giá đất tại xã Lô Giang chỉ có 25 lô đất được bán ra nhưng Đường “Nhuệ” đã đấu trúng tới 20 lô. Tới tháng 4.2019, cũng trên địa bàn xã này, hắn tiếp tục đấu trúng được 7 lô đất khác. Trước đó, năm 2018, Đường đã trúng tới 24 lô đất khác tại xã Đông Phương. Đáng nói, có những lô mà nhóm đối tượng này trúng với giá chỉ cao hơn giá khởi điểm 10 nghìn đồng.
Hầu như tại mỗi một dự án, Đường đều đoạt được từ 5 đến hàng chục lô đất. Đáng nói, băng nhóm này “làm mưa làm gió” tại tỉnh Thái Bình trong một thời gian dài nhưng không hề có sự ngăn chặn. Mới đây, khi bị bắt và khởi tố về tội cố ý gây thương tích, cùng một loạt tố cáo của người dân thì “nỗi kinh hoàng” trong đấu giá đất mang tên Đường “Nhuệ” tại địa phương này mới được đưa ra ánh sáng.
Có thể bạn quan tâm
18:20, 14/04/2020
11:43, 15/04/2020
16:40, 16/04/2020
22:28, 16/04/2020
17:23, 08/04/2020
22:19, 07/04/2020
Những sự việc tương tự không những chỉ diễn ra tại Thái Bình, trong phiên đấu giá ngày 25/5/2019 tại UBND thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cũng từng xôn xao dư luận, tại phiên đấu giá này xuất hiện một nhóm người bặm trợn, xăm trổ ngăn cản người dân, không cho tham gia trả giá lô đất số 75 và 76 được cho là có vị trí đắc địa, Tuy nhiên, vẫn có 6 người vô tình trả giá lô đất này khiến hội trường sau đó được phen náo loạn.
Đáng nói, ngay khi kết quả được công bố, các đối tượng trên đã ép buộc người trúng đấu giá phải từ chối kết quả. Đồng thời, công bố các lô đất là của bọn chúng. Ai không nghe theo sẽ không được yên.
Ngang ngược hơn, khi chưa đầy 1 tuần sau đó, trước thời điểm diễn ra các cuộc đấu giá đất khác tại TP Bắc Giang, một số lô đất lúc này thậm chí đã được cắm biển chỉ đích danh tên của một đại ca giang hồ có tiếng trên địa bàn sở hữu, cùng với đó là thông điệp: “Lô đất đã có chủ, không ai được tham gia” cũng được phát đi.
Sau khi Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang vào cuộc, đối tượng cầm đầu nhóm “xã hội đen” cùng 7 đối tượng liên quan đã được làm rõ. Thủ đoạn của các đối tượng này là chọn những lô đất có vị trí đắc địa, sau đó tiếp cận đe dọa, gây sức ép không cho người tham gia đấu giá khác trả giá để độc quyền trúng đấu giá ở mức khởi điểm, sau đó bán lại với giá cao hơn nhằm trục lợi.
Tại Hà Nội, sự việc ngang nhiên cướp hồ sơ đấu giá đất ngay giữa trụ sở UBND huyện Thạch Thất vào cuối năm 2018, từng khiến dư luận không khỏi bất bình. Theo đó, khi người dân có nhu cầu đấu giá đi vào sân UBND huyện thì một nhóm người bặm trợn ngay lập tức tiếp cận và trắng trợn thò tay vào túi cướp hồ sơ. Khi người bị cướp hồ sơ đuổi theo thì bị một nhóm đối tượng khác ùa vào ngăn cản… Những hình ảnh này đã được camera an ninh ghi lại. Vụ việc sau đó được giao cho Công an huyện Thạch Thất điều tra, nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Nguyên nhân do đâu?
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc định giá khởi điểm đất công đưa ra đấu giá quá chênh lệch, thấp hơn giá thị trường nhiều lần. Khung giá đất do Nhà nước ban hành luôn phải 'lẽo đẽo' chạy theo thị trường với khoảng cách khá xa. Đây chính là cơ hội, điều kiện thuận lợi để những băng nhóm “xã hội đen” thực hiện các chiêu trò nhằm trục lợi khoảng chênh lệch “béo bở” đó. Nhiều người đã không khỏi hoài nghi, tại sao cơ quan chức năng lại đưa ra mức giá ban đầu quá thấp? Có hay không chính những cán bộ, công chức lợi dụng quyền hạn để trục lợi cho cá nhân, nhóm lợi ích? Đây là vấn đề cần được làm rõ?
Thực tế cũng cần phải hiểu rằng, chỉ khi định giá đất thấp thì mới có thể thỏa thuận, dàn xếp, tạo điều kiện cho nhau “kiếm chác”, và sự xuất hiện của đám “xã hội đen” ngăn cản người tham gia đấu thầu mua đất chính là biểu hiện bất bình thường trong các phiên đấu giá.
Nên chăng, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ động cơ, mục đích của việc cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong việc định giá đất thấp hơn giá thực tế, cũng như những hành tung bất thường của các đối tượng “xã hội đen” xuất hiện ở những phiên đấu giá này.
Đất đai có giá trị rất lớn, và việc bán đấu giá đất công nhằm thu đúng, thu đủ giá trị mảnh đất cho ngân sách là việc làm đúng đắn. Tuy nhiên, việc định giá ban đầu quá chênh lệch so với thị trường đã là cơ hội cho một số đối tượng trục lợi, trong đó có cả việc đưa “xã hội đen” vào tranh dành, ép giá với những người thực sự có nhu cầu.
Như vậy, đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ khâu thẩm định giá, phê duyệt giá khởi điểm để đưa ra đấu giá sao cho thật sát với thị trường. Làm tốt điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn thông đồng, dìm giá, nhất là hạn chế sự can thiệp của các băng nhóm “xã hội đen” khống chế, đe dọa người tham gia đấu giá để trục lợi.