Vì sao xuất khẩu nông sản sang Nga vẫn chưa được như kỳ vọng?

Duy Phường 06/12/2021 02:22

Việt Nam đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với LB Nga trong số các quốc gia của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn chưa được như kỳ vọng của Chính phủ.

>>Xuất khẩu nông sản tắc do thiếu kho lạnh

>>Kinh doanh với thị trường Nga và những vấn đề lưu ý với doanh nghiệp Việt

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2020, kim ngạch thương mại nông sản song phương Việt - Nga đạt khoảng 880 triệu USD Mỹ, trong đó xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Nga đạt 432 triệu USD Mỹ, tăng 2,6% so với năm trước đó. Trong 10 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông – lâm - thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt 469 triệu USD Mỹ, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều thống kê tăng trưởng dương, nhưng theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, chừng ấy chưa tương xứng so với tiềm năng kinh tế, quan hệ chính trị lâu đời giữa hai nước và tổng quy mô dân số 250 triệu dân.

Còn nhiều rào cản đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam (Ảnh: internet)

Còn nhiều rào cản đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam (Ảnh: internet)

Với thị trường tiêu dùng và bán lẻ rộng lớn, đa dạng hàng hóa nhập khẩu, Nga được đánh giá là mảnh đất đầy tiềm năng cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trong cơ cấu mặt hàng, các sản phẩm nông sản hai nước cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau mà bổ sung cho nhau.

Sau hơn 5 năm thực thi Hiệp định Liên minh kinh tế Á – Âu (Việt Nam-EAEU FTA), nhiều loại thuế áp dụng cho nông sản Việt Nam được hưởng mức ưu đãi thấp, một số mặt hàng thậm chí giảm về 0, thế nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam – Nga vẫn rất thấp.

Nhiều rào cản quy định thương mại của Nga

Tại diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản, thủy sản Việt – Nga” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, từ sau khi Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) ký Hiệp định thương mại tự do vào năm 2015, chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, rất nhiều mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đã giảm thuế về 0%. Mặc dù kim ngạch giao thương từ đó có tăng trưởng, nhưng vẫn sức tăng vẫn ì ạch.

Theo ông Toản, hiện Nga mới chỉ cấp phép cho 50 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga trong tổng số 172 doanh nghiệp Việt Nam nộp hồ sơ với Nga.

Việt Nam đã đề nghị Nga mở cửa cho thị trường các sản phẩm chăn nuôi nhưng phía Nga mới đồng ý 2 sản phẩm là thịt gia cầm chế biến và sữa. Trong khi đó, chúng ta đã chấp thuận cho 52 doanh nghiệp của Nga được xuất khẩu thịt, 26 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam. Hiện nay, Nga đã vươn lên thành nhà xuất khẩu thịt lợn lớn nhất vào Việt Nam, chiếm gần 33 % thị trường thịt lợn nhập khẩu cả nước.

Mặc dù hiện nay, Liên bang Nga đã là thành viên đầy đủ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhưng nước này vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. “Cách thức Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) cấp phép cho các doanh nghiệp thủy sản của ta rất tùy tiện, gây khó khăn và không báo trước nên làm khó các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”, ông Toản nói.

Đối với xuất khẩu thủy sản sang Nga, bà Tô Thường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 Thế giới. Do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm chế biến ăn liền tăng mạnh ở Nga, tuy nhiên lượng thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam vẫn khá khiêm tốn (đạt 140,8 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2021) bởi hàng loạt lý do khó khăn như: hàng rào phi thuế quan (kỹ thuật) của Nga đưa ra quá khắt khe, số lượng doanh nghiệp thủy sản được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Nga quá ít do thủ tục đăng ký phía Nga đưa ra quá phức tạp, thời gian xét duyệt kéo dài… 

Hay như việc xuất khẩu tôm, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho rằng, quy định của Nga về tỷ lệ mạ băng 7% là chưa hợp lý. Mạ băng (làm đóng băng một lớp nước trên bề mặt sản phẩm – PV) nhằm mục đích để bảo quản tôm. Nếu tỷ lệ mạ băng chỉ 7% thì tôm hay bị cháy lạnh, nhất là tôm luộc. Các thị trường khác đều cho phép tỷ lệ mạ băng là 10%. Trọng lượng ghi trên sản phẩm tính theo khối lượng tôm, chứ không tính theo khối lượng bao gồm mạ băng, nên không có chuyện lợi dụng mạ băng để gian lận trọng lượng hàng hóa.

>>Xuất khẩu tôm sang EU tranh thủ thời cơ thị trường

Khó cạnh tranh với thị trường quốc tế

Sản phẩm nông sản Việt Nam chưa đủ cạnh tranh với thị trường quốc tế

Nông sản Việt Nam chưa đủ cạnh tranh với thị trường quốc tế.

Liên bang Nga là thị trường rất ưa chuộng nông sản nhiệt đới. Nhiều mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao trong mấy năm trở lại đây, như thủy sản tăng 64,1%, rau quả tăng 50,8%, hạt điều tăng 47,6%, hạt tiêu tăng 61,9%, cao su tăng 266,6%. Bên cạnh đó, vẫn có một số mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu là cà phê, chè và gạo.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga, nguyên nhân chủ yếu làm xuất khẩu gạo Việt Nam sang Nga giảm là do giá gạo Việt Nam cao hơn gạo của các nước khác khoảng 100 - 150 USD/tấn nên khó cạnh tranh được, đặc biệt là gạo Ấn Độ. Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng Nga có xu hướng dùng nhiều gạo đồ (gạo chuyển đổi) hơn nên cũng làm giảm sức cạnh tranh của gạo Việt Nam.

Đáng chú ý, Việt Nam là nước cung cấp cà phê lớn nhất vào Liên bang Nga trong nhiều năm. Tuy nhiên, cà phê có thương hiệu của Việt Nam hầu như không có trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị tại Nga.

Nguyên nhân chính là cà phê Việt Nam được nhập khẩu vào Nga ở dạng nguyên liệu thô (khoảng 99% cà phê Việt xuất khẩu sang Nga là cà phê thô, cà phê rang xay chỉ có 1%).

Trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Nga 86 ngàn tấn cà phê trị giá 153 triệu USD, chiếm tỷ trọng 39,4% về lượng và 24,3% về trị giá. Trong khi đó, Ý chỉ xuất khẩu vào Nga 15,6 ngàn tấn cà phê nhưng đạt kim ngach 105 triệu USD, vì 100% cà phê của Ý xuất sang Nga là cà phê đã qua chế biến có thương hiệu.  

Một thách thức nữa theo Thương vụ Việt Nam, tại Nga các mặt hàng tiêu dùng, hàng nông sản thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại các chuỗi bán lẻ. Dù một số mặt hàng nông sản, nông sản chế biến của Việt Nam đã từng bước tiếp cận được các hệ thống bán lẻ của liên bang Nga như xoài, tương ớt, nước chấm, bưởi, thanh long…. nhưng số lượng mặt hàng vẫn còn hạn chế.

Hiệp định Thương mại tự do đã mở ra giao thương mạnh mẽ cho cả 2 nước. Nga luôn luôn là thị trường tiềm năng rất lớn cho nông sản Việt Nam nói riêng, thương mại Việt Nam nói chung. Việt Nam là một trong những thị trường năng động và phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương để tận dụng được lợi thế so sánh và các sản phẩm có thế mạnh, đặc biệt cần biến “thách thức thành cơ hội” trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Nông sản và thực phẩm Sơn La “hút khách” Hà Nội

    Nông sản và thực phẩm Sơn La “hút khách” Hà Nội

    14:06, 02/12/2021

  • Thay vì cạnh tranh, nông sản Việt - Mỹ mang tính bổ trợ nhau

    Thay vì cạnh tranh, nông sản Việt - Mỹ mang tính bổ trợ nhau

    05:16, 16/11/2021

  • Bắc Giang: Kết nối tiêu thụ nông sản chủ lực

    Bắc Giang: Kết nối tiêu thụ nông sản chủ lực

    18:47, 11/11/2021

  • Nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh

    Nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh

    11:00, 28/07/2021

  • Tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu

    Tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu

    04:00, 10/08/2021

  • Hài hoà xuất khẩu nông sản và tiêu thụ nội địa

    Hài hoà xuất khẩu nông sản và tiêu thụ nội địa

    04:30, 05/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao xuất khẩu nông sản sang Nga vẫn chưa được như kỳ vọng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO