Cuối năm, nhiều nông sản của Bắc Giang tiếp tục được mùa, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp kết nối, phối hợp với các đơn vị tổ chức xúc tiến, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương.
Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt, chủ động công tác truyền thông, cam kết về chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đa dạng các kênh phân phối, kết hợp bán hàng truyền thống với thương mại điện tử.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Năm 2021, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bắc Giang đã tổ chức thành công hai hội nghị tiêu thụ vải sớm và vải thiều chính vụ bằng hình thức trực tuyến. Đây là cách làm sáng tạo của địa phương.
Với kinh nghiệm có được, Bắc Giang cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, định hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; triển khai bình ổn thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; chú trọng đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp; đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản; tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa trong thời điểm dịch COVID-19.
Thời điểm này, tỉnh Bắc Giang tiếp tục được mùa nhiều nông sản, Bộ Công Thương xác định thị trường nội địa rất quan trọng. Với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, Bộ tiếp tục hỗ trợ địa phương đẩy mạnh tiêu thụ nông sản; chỉ đạo đơn vị chuyên môn của Bộ hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại như sàn thương mại điện tử; gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bộ cũng đẩy mạnh kết nối giao thương, xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm hàng hóa thông qua lồng ghép các chương trình; chủ động kết nối tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Để hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản hiện nay, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bắc Giang có nhiều loại nông sản cung cấp ra thị trường. Trong đó, cam các loại khoảng 48 nghìn tấn, bưởi 37 nghìn tấn, 4 nghìn tấn na được sản xuất an toàn, VietGAP, truy xuất nguồn gốc; 17 nghìn tấn thịt gà; 60 nghìn tấn thịt lợn.
Cùng với đó, tỉnh còn có vùng trồng, chế biến rau an toàn hơn 11 nghìn ha, sản lượng hơn 230 nghìn tấn đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Ngoài ra, Bắc Giang cũng có tổng đàn vật nuôi lớn, luôn nằm trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi lợn, gà.
"Hiện nay, cam, bưởi và một số nông sản của tỉnh bắt đầu cho thu hoạch. Tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thương nhân thu hoạch, chế biến, lưu thông và tiêu thụ cam, bưởi, na, thịt lợn, thịt gà", ông Tuấn nhấn mạnh.
Là huyện trọng điểm trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang, Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng là “vương quốc” vải thiều mà còn được biết đến là vùng cây ăn quả có múi quy mô lớn, chủ lực với các loại cam, bưởi. Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, hiện đang bước vào giai đoạn thu hoạch cam, bưởi. Với sản lượng trên 60 nghìn tấn quả tươi chất lượng, Lục Ngạn sẽ cung cấp những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng để cung cấp cho thị trường. Hiện nay, huyện đang hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, thúc đẩy với chủ đề “Lục Ngạn mùa quả chín”, sẵn sàng phục vụ du khách đến với quê hương Lục Ngạn.
Có thể bạn quan tâm
Bắc Giang: Chính quyền cùng nông dân tìm giải pháp tiêu thụ nông sản
05:02, 27/07/2021
Bắc Giang: Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất
00:26, 14/07/2021
Bắc Giang: Mở “đường xanh” cho doanh nghiệp sản xuất
08:22, 02/07/2021
Hành trình đưa vải thiều Bắc Giang xuất khẩu EU bằng “Thương mại điện tử xuyên biên giới”
14:00, 29/06/2021
Tiến Nông đồng hành cùng nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều
16:08, 28/06/2021