Năm 2021 được dự báo sẽ vẫn là một năm đầy khó khăn đối với ngành hàng không, khi thị trường nội địa đã lấp đầy, bay quốc tế chưa được khôi phục, thị trường bị thu hẹp khiến cạnh tranh gay gắt hơn.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong năm 2020 vừa qua, sản lượng điều hành bay của nước ta đạt 340.000 chuyến, giảm 32% so với năm 2019. Sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 66 triệu khách và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm lần lượt 43,5% và 14,7%.
Các hãng hàng không trong nước bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Vasco và Bamboo Airways khai thác tổng cộng 216.597 chuyến bay, sụt gần 34% so với năm 2019.
Trong tháng đầu năm 2021, các hãng thực hiện 19.295 chuyến bay, giảm hơn 44% so với cùng kỳ 2020. Tháng 1 vừa qua, ngành hàng không Việt Nam cũng đón chào một tay chơi mới gia nhập là Vietravel Airlines. Hiện nay đội bay của Vietravel gồm ba chiếc A320, đã khai thác 68 chuyến bay trong tháng đầu vận hành.
Nhìn về tương lai, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) sẽ có 2 kịch bản phát triển cho ngành hàng không.
Kịch bản thứ nhất, hàng không sẽ phát triển theo mô hình chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại.
Kịch bản 2, hàng không sẽ phát triển mô hình Chữ U quy luật sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48-71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Đánh giá hàng không Việt Nam sẽ từng bước phục hồi theo chữ V, Phó Cục trưởng Phạm Văn Hảo cho biết cơ quan này đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh.
Về phía các hãng hàng không, lãnh đạo Vietnam Airlines nhận định, với kịch bản lạc quan, thị trường hàng không quốc tế Việt Nam đến năm 2022 sẽ phục hồi quy mô tương đương năm 2019. “Dự kiến Vietnam Airlines sẽ có lãi từ năm 2023 và hết lỗ lũy kế vào năm 2025”, đại diện Vietnam Airlines nói.
Nhận định về triển vọng ngành hàng không, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng năm 2021 sẽ vẫn là một năm khó khăn.
Cụ thể, MASVN cho rằng ngành hàng không đang trong trạng thái không còn dư địa để phục hồi thêm cho đến khi các chuyến bay quốc tế mở cửa trở lại.
“Khó khăn thứ hai mà ngành hàng không phải đối mặt trong năm 2021 là thị trường bị thu hẹp khiến cạnh tranh gay gắt hơn”, chuyên gia của MASVN phân tích.
Chứng khoán SSI cũng cho rằng triển vọng của ngành hàng không Việt Nam sẽ cải thiện khi vắc xin được triển khai trên quy mô lớn - điều này có thể chỉ xảy ra từ nửa cuối năm 2021. Thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là sân chơi trọng tâm của các hãng hàng không trong năm 2021.
Thị trường quốc tế sẽ phục hồi thực sự từ năm 2022. Theo SSI, trong năm 2021, chiến lược của các hãng hàng không có thể sẽ tập trung tối đa hóa thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị trên chuyến bay và tạo ra nhiều sự lựa chọn về giá hơn cho hành khách.
Lợi nhuận có khả năng phục hồi, nhưng có thể ở mức âm đối với tất cả các hãng hàng không vì các yếu tố tải và sản lượng dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp trong năm 2021.
Theo kịch bản cơ sở của SSI, ngành hàng không sẽ ghi nhận mức lỗ bằng khoảng một nửa của năm 2020 tại công ty mẹ và sản lượng hành khách trong nước phục hồi lên mức năm 2019, tương đương 75 triệu lượt khách. Lượng hành khách quốc tế dự kiến sẽ ở mức thấp 12 triệu lượt (đạt khoảng 34% mức trước COVID).
Chứng khoán BSC cũng dự báo sản lượng hành khách nội địa sẽ đạt 74 triệu lượt, bằng với mức năm 2019 nhờ ba lý do. Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh. Thứ hai, các hãng hàng không duy trì chính sách giảm giá, ưu đãi, do đó giá vé bình quân sẽ ở mức thấp. Và thứ ba, các gói kích cầu của Chính phủ, cộng thêm xu hướng "du lịch bù" khi các đường bay quốc tế chưa mở lại, sẽ thúc đẩy người dân du lịch nội địa.
BSC cho rằng sớm nhất phải đến nửa sau năm 2021 thì các đường bay quốc tế mới được mở lại nhờ việc các quốc gia Đông Nam Á và Đông Bắc Á đang tích cực sản xuất, thu mua vắc xin, qua đó giúp kiểm soát dịch tốt hơn.
Tuy nhiên việc bay nước ngoài cũng đối mặt với nhiều trở ngại như một số quốc gia tái bùng phát dịch bệnh và chi phí sàng lọc, xét nghiệm hành khách là rất lớn. "Do đó tiến độ phân phối vắc xin vẫn là kỳ vọng then chốt để mở lại đường bay", BSC nhận định.
Sản lượng hàng hóa năm 2021 được dự báo đạt 1,45 triệu tấn, tăng 11,5% so với mức 1,3 triệu tấn của năm 2020 và tương đương 94% so với mức năm 2019. Dự báo này được BSC đưa ra dựa trên kỳ vọng: (1) Xu hướng dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử qua đường hàng không, (2) Kinh tế toàn cầu phục hồi, sẽ kéo theo nhu cầu vận tải hàng hóa quay trở lại; và (3) Nhu cầu vận chuyển vắc xin trong quý I và II.
Tuy nhiên, BSC cho rằng đà phục hồi sản lượng hàng hóa sẽ bị kìm hãm trong nửa đầu năm 2021 do công suất vận tải bị giới hạn khi các chuyến bay thương mại quốc tế chưa hồi phục.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì ví sự ra đời của vắc xin COVID-19 như là "ánh sáng phía cuối con đường" của ngành hàng không.
Tốc độ phục hồi của ngành trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào thời gian hoàn thành chiến dịch tiêm chủng đại trà của các quốc gia và chính sách của Chính phủ Việt Nam.
Trung Quốc được cho là sẽ sớm tiến hành tiêm chủng các loại vắc xin mà nước này tự sản xuất và đã được phê duyệt trong tháng 12/2020, nhiều quốc gia tại châu Á khác đã sẵn sàng cấp phép cho những loại vắc xin đã đặt hàng và có kế hoạch tiêm chủng trải dài trong quý I và quý II/2021.
Các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý cho rằng cần ưu tiên “cứu” hàng không vì vai trò quan trọng và tác động lan tỏa của nó với nền kinh tế. Sẽ có rất nhiều hệ luỵ nhãn tiền xảy ra nếu hãng không được “cứu” kịp thời.
TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng dịch Covid-19 khiến nền kinh tế nói chung, các hãng hàng không trong nước và trên thế giới giống như bị “ngộ độc”, cần thuốc “giải độc”.
Xét trên khía cạnh tầm nhìn quốc gia, ông Thiên cho rằng các hãng hàng không Việt cần phải được hỗ trợ của nhà nước. Bởi Chính phủ tài trợ hàng không cũng chính là tài trợ cho tương lai.
“Hàng không thế giới đứng dậy thì ta phải đứng dậy ngay lập tức đồng thời đi kèm với dự báo được tương lai của ngành hàng không trong bối cảnh hiện tại”, ông Thiên nói.
Các chuyên gia cho rằng, để cứu hàng không, ngoài việc Chính phủ cần “bơm máu”, “trợ thở” thì phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ là một trong các giải pháp đầu tiên được phần lớn các hãng hàng không trên thế giới áp dụng. Việc này không chỉ bổ sung dòng tiền thiếu hụt mà còn giúp nâng cao năng lực tài chính cho hãng, đảm bảo đủ tiền vốn để duy trì hoạt động và tạo nguồn đầu tư phát triển giai đoạn hậu Covid-19.
Có thể bạn quan tâm
CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (V): Hãng hàng không cho nông sản, giấc mơ bay sẽ không dang dở!
12:30, 13/02/2021
Một năm “sáng tạo” của các hãng hàng không
11:23, 10/02/2021
Cục Hàng không "bật đèn xanh" phá vỡ thế độc quyền chặng TP. HCM – Côn Đảo
18:21, 22/01/2021
Hàng không gặp bão, doanh nghiệp dịch vụ ngành "vạ lây"
11:16, 20/01/2021
Ngành hàng không có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2021
04:00, 19/01/2021