Những bước đi mang tính chiến lược trong quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Mỹ đang mở ra kỳ vọng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Cuộc điện đàm tối 2/7 giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ về việc tăng cường hợp tác toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 3/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, cho biết: Đoàn đàm phán hai nước hiện đang phối hợp chặt chẽ để cụ thể hóa những nội dung then chốt mà hai nhà lãnh đạo đã thống nhất. Trong đó, tâm điểm là việc xây dựng khuôn khổ một Hiệp định thương mại đối ứng - công bằng - cân bằng, đặt nền móng cho một chu kỳ tăng trưởng thương mại song phương mới, bền vững hơn.
Đáng chú ý, hai bên đã hoan nghênh việc đoàn đàm phán hai nước thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng. Đây được xem là kết quả bước đầu của một tiến trình đàm phán đầy quyết tâm và thực chất, phản ánh thiện chí của cả hai phía trong việc tháo gỡ những rào cản thương mại tồn tại suốt thời gian qua.
Tổng thống Donald Trump đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc mở rộng quyền tiếp cận thị trường đối với hàng hóa Mỹ trong đó có các mặt hàng tiêu biểu như ô tô phân khối lớn, thiết bị y tế và công nghệ cao. Đáp lại, Mỹ tuyên bố sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng đối với nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này.
Với hơn 100 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2023, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Việc làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại không chỉ có ý nghĩa với các chỉ số vĩ mô, mà còn trực tiếp tạo động lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, đồ gỗ, điện tử và thủy sản, đang kỳ vọng cao vào việc Mỹ điều chỉnh mức thuế quan và gỡ bỏ rào cản kỹ thuật. Song song đó, ngành công nghiệp ô tô, công nghệ và đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng có thể kỳ vọng những dòng vốn và công nghệ chất lượng cao từ Mỹ trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường và dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ cao, đây là yêu cầu hợp lý và có tính chiến lược nhằm đưa quan hệ thương mại song phương tiến xa hơn, tạo môi trường bình đẳng và minh bạch cho cả hai phía.
Cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ không chỉ đề cập đến các vấn đề thương mại. Hai bên còn nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, thông qua các biện pháp cụ thể như tăng cường trao đổi đoàn các cấp, mở rộng hợp tác đầu tư – đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và giáo dục đào tạo.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh ba đột phá chiến lược - thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực - thì việc tận dụng tối đa hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao được xem là cú hích quan trọng. Điều này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn mở rộng không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Có thể nói, việc Việt Nam và Mỹ tiến tới xây dựng một khuôn khổ thương mại song phương mang tính đối ứng và công bằng là tín hiệu tích cực cho môi trường kinh doanh. Thị trường, nhà đầu tư và doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng lớn vào hiệu quả thực thi của các nội dung đã thống nhất.
Trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ, việc mở rộng hợp tác thương mại với các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, là bước đi chiến lược không thể thiếu. Đây cũng là một minh chứng sinh động cho chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam.