Để cho ra đời vắc xin ngừa COVID-19 hoàn chỉnh cần 9 - 12 tháng nữa. Nhóm nghiên cứu đang nỗ lực gấp rút để đi đến đích.
Thông tin này vừa được ông Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) - Bộ Y tế chia sẻ với báo chí.
Tính đến thời điểm này, 50 con chuột trong giai đoạn thử nghiệm lần 2 vắc xin COVID-19 đã đáp ứng miễn dịch. Như vậy, Việt Nam tiến thêm một bước gần hơn sản xuất vắc xin phòng ngừa Covid-19.
Ông Đỗ Tuấn Đạt cho biết, thời gian tới, đơn vị nghiên cứu sẽ hoàn thiện quy mô, hướng đến tạo thành vắc xin sử dụng cho người. Đơn vị nghiên cứu sẽ tiến hành tiêm vắc xin trên động vật và theo dõi hiệu quả bảo vệ. Quá trình thử nghiệm tiếp theo này có thể phải mất 8-9 tháng mới có thể "ra đời" vắc xin hoàn chỉnh thử nghiệm trên chuột, sau đó mới sang người.
Cũng theo đại diện Vabiotech, dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắc xin mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắc xin cho Việt Nam, nhất là các vắc xin đại dịch.
Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng coronavirus mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần “lắp ráp” phần gen của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vắc xin mới.
Hiện nay, Vabiotech là đơn vị đầu tiên ở nước ta nghiên cứu thành công vắc xin dự tuyển COVID-19 và tiêm thử nghiệm trên chuột.
Đây là giai đoạn quan trọng của nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19 tại Việt Nam. Sau đó, vắc xin phòng COVID-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất, định liều, thử nghiệm chính thức trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính đáp ứng miễn dịch cũng như khả năng bảo vệ của dự tuyển vắc xin này. Cuối cùng là thử nghiệm trên người ở nhóm nhỏ và nhóm lớn.
Ngay từ khi Việt Nam ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên, các nhà khoa học của TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 Vabiotech (Bộ Y tế) đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus.
Công nghệ vector virus là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc xin đại dịch.
Hiện, hơn 80 quốc gia trên thế giới đang tập trung nghiên cứu vắc xin Covid-19, 8 quốc gia đã thử nghiệm lâm sàng trên người.
Tính đến 7h ngày 14/7, tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 373, trong đó có 352 trường hợp đã điều trị khỏi, còn 15 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Đã 89 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên diễn biến tình hình dịch trên thế giới vẫn phức tạp.
Có thể bạn quan tâm
08:43, 13/07/2020
11:00, 07/05/2020
07:20, 05/05/2020
15:02, 27/03/2020
16:51, 18/03/2020