Việt Nam cần làm gì với các công trình thủy điện sau sự cố vỡ đập ở Lào?

Diendandoanhnghiep.vn Mặc dù ít bị ảnh hưởng từ sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào, song theo các chuyên gia, công tác quản lý, cảnh báo rủi ro hồ đập thủy điện cần phải được nâng cao hơn nữa và tuyệt đối không được chủ quan.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hải - Phó cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai), khẳng định sự cố vỡ đập thuỷ điện Xepian-Xe Nam Noy (Lào) ít tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long."Mực nước ở khu vực này gia tăng khoảng 5-10 cm, nên tác động không đáng kể.

Vỡ đập thuỷ điện ở Lào khiến hàng nghìn người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Ảnh: Attapeu Today.

Vỡ đập thuỷ điện ở Lào khiến hàng nghìn người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Ảnh: Attapeu Today.

Cũng theo ông Hải, sau khoảng 4-5 ngày nữa, nước sẽ đổ dồn về thượng nguồn sông Cửu Long, cụ thể các địa phương Đồng Tháp và An Giang song, mức độ ảnh hưởng không lớn.

Đưa ra bài học, ông Nguyễn Văn Hải cho hay Việt Nam có hơn 9.300 km đê và 6.600 hồ chứa, rủi ro thiên tai hồ đập, đê điều liên tục xảy ra. "Hàng năm, các địa phương, bộ ngành cần đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ. Tăng cường lực lượng trực ban, quản lý vận hành nhà máy. Thông tin hạ du để đảm bảo an toàn hạ du", ông chia sẻ.

Ông cũng khuyến cáo, người dân cần tiếp tục theo dõi diễn biến sự cố để có những ứng phó kịp thời.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Tài Sơn - Chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế xây dựng các công trình điện khi trao đổi với VOV đã cảnh báo, cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn đập và ý thức của con người tránh để xảy ra những sự cố không đáng có.

Ông Sơn cho biết, Việt Nam có gần 400 công trình thủy điện lớn nhỏ với công suất gần 19.000 MW nên nguyên tắc bất dịch là cần tuân thủ theo đúng các yêu cầu, quy định pháp luật của nhà nước về quản lý an toàn đập, các quy chuẩn, quy phạm, phải tuân thủ đúng.

Trong những năm qua, nhất là gần đây, công tác quản lý an toàn đập đã được chú trọng và nâng cao đáng kể. Đối với các dự án thủy điện cỡ vừa trở lên đều có thể hoàn toàn yên tâm và không dáng ngại. Riêng các dự án thủy điện nhỏ của tư nhân hiện vẫn chưa kiểm soát được nên rất khó có thể khẳng định có đảm bảo hay không. Tuy vậy, gần đây thì tất cả các yếu tố liên quan đến an toàn đập hồ chứa đã được Bộ Công Thương tập trung kiểm soát nhằm giảm thiểu rủi ro.

Cách đây 6 năm, thủy điện Đakrông 3 cũng bị vỡ đập nên cũng rút ra được bài học trong quá trình thi công là bước đầu tiên phải chọn được tư vấn và nhân lực thi công có kinh nghiệm. Vì công thủy điện du quy mô lớn hay nhỏ đều là phức tạp, liên quan đến nhiều yếu tố như thiên nhiên, thời tiết, mưa gió, bão và đặc biệt là yếu tố địa hình, địa chất nên cần có các cơ quan tổ chức kinh nghiệm thực hiện mới loại trừ được rủi ro.

Theo ông Sơn, qua sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào đã cho chúng ta bài học kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn đập. Công tác này không lúc nào thừa, kể cả khi đã có chính sách tiến bộ thì công tác cảnh báo cũng cần phải được nâng cao hơn nữa và tuyệt đối không được chủ quan.

Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên, liên tục nâng cao ý thức con người. Khi quy định pháp luật đã có, nếu không nâng cao ý thức của con người sẽ rất dễ để xảy ra những sự cố không đáng có.

Trước đó, ngày 23/7, đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bỗng dưng vỡ chưa rõ nguyên do, đã đẩy 6.600 con người vào cảnh mất nhà tạm bợ. 

Đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu (Đông Nam Lào) hiện đang trong quá trình thi công thì bị vỡ vào khoảng 20 giờ tối 23/7, khiến 5 tỉ m3 nước trong đập tràn ra ngoài. Sự cố vỡ đập đã khiến sáu ngôi làng lân cận bị nước lũ nhấn chìm với hơn 1.300 hộ dân mất nhà, buộc phải di dời đến nơi khác.

Chính phủ Lào cho biết nhà chức trách đã nhanh chóng cử lực lượng cứu hộ tới giúp sơ tán người dân tại huyện San Sai của tỉnh Attapeu. Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith đã phải hoãn cuộc họp thường kỳ của chính phủ để tới thị sát và chỉ đạo khắc phục sự cố, cũng như cứu trợ cho các đồng bào bị lũ lụt.

Được biết, con đập này do Công ty Năng lượng Xe Pien-Xe Namnoy (PNPC) là liên doanh chịu trách nhiệm thi công, với sự tham gia của một doanh nghiệp nhà nước Lào, một doanh nghiệp Thái Lan và hai doanh nghiệp Hàn Quốc. Công trình thủy điện ước tính tiêu tốn 1,02 tỷ USD, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2019, theo hãng thông tấn nhà nước Lào KPL.

Dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bao gồm hàng loạt đập, hồ chứa và đường ống dẫn nước nhằm ngăn chặn và điều chuyển dòng chảy trên ba sông Houay Makchanh, Xe Namnoy và Xe Pian tại tỉnh Champasack. Lượng nước sẽ được đưa về nhà máy thủy điện được xây dựng tại tỉnh Attapeu. Cả hai tỉnh đều nằm ở phía nam Lào, giáp biên giới với Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.

Trong tổng thể con đập này, CMVietnam thi công các hạng mục bao gồm đào, đắp, bê tông nhà máy, đường ống áp lực và trạm phân phối điện, từ năm 2014 đến năm 2017, theo website công ty. Đoạn sông trong vùng xây dựng đập có địa hình dốc, cao trình chênh nhau 800 m. Các công trình đầu mối gồm đập tràn chuyển dòng và 2 đập ngăn sông: đập đất đá hỗn hợp Xe Pian cao 49 m và đập đá lõi đất Xe Namnoy cao 78 m.

Dự án được triển khai từ năm 2003. Khi hoàn thành, nhà máy dự kiến cung cấp 1.879 Gwh điện mỗi năm, trong đó 90% sản lượng sẽ được bán sang Thái Lan còn 10% còn lại được phân phối tại Lào. PNPC sẽ điều hành và quản lý dự án trong 27 năm sau 5 năm thi công. Sau đó, quyền quản lý sẽ được chuyển giao cho chính phủ Lào.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam cần làm gì với các công trình thủy điện sau sự cố vỡ đập ở Lào? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713479057 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713479057 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10