Đây là mục tiêu được đưa ra tại phiên họp thứ ba của Uỷ ban Chỉ đạo Quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa Quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại.
Theo đó, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực triển khai kết nối Cơ chế một cửa ASEAN (ASW).
Đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động thương mại
Nhìn ra khu vực và thế giới, tại các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan Singapore, Canada, Australia, NSW được ra đời và triển khai dựa trên hệ thống thông tin tự động của cơ quan Hải Quan và Cơ quan Quản lý giao thông vận tải kết nối với các cơ quan quản lý khác trong mô hình kết nối tổng thể của hệ thống một cửa quốc gia. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của thương mại quốc tế mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Thêm nữa, Cơ chế một cửa quốc gia góp phần thuậ lợi hoá hoạt động quản lý nhà nước, thương mại và đưa thương mại điện tử vào cuộc sống.
Trước đó, ngày 7/10/2003 tại Indonesia, các Nhà lãnh đạo các nước thành viên đã ký Hiệp ước ASEAN II (Hiệp ước Bali II) nhằm hướng đến một cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2020. Trong đó xác định, một trong những công cụ quan trọng để hiện thực hoá Hiệp ước này đó chính là xây dựng ASW xử lý điện tử các chức từ thương mại ở cấp quốc gia và khu vực.
Sau đó khoảng 2 năm, ngày 11/12/2005 tại Kuala Lumpur (Malaysia) các Nhà lãnh đạo các nước thành viên đã ký kết Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN. Theo đó, để tham gia ASW, kể từ khi ký kết hiệp định, Việt Nam đã nỗ lực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW). Với sự ra đời của Ban chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại, theo Quyết định số 1899/ QĐ-TTg ngày 04/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, NSW đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tính đến ngày 15/10/2017, NSW đã tiếp nhận và xử lý gần 560 nghìn bộ hồ sơ cho 41 thủ tục hành chính (TTHC) của 11 bộ, ngành tham gia kết nối.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, tất cả các TTHC liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua NSW, dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành
Ủy ban cũng phấn đấu năm 2018 triển khai đủ 130 thủ tục hành chính theo đúng Kế hoạch đã đề ra tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung các thủ tục mới vào Kế hoạch.
Phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Năm 2018, chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp đặc thù).
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và đơn vị liên quan, xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đảm bảo tính kết nối, tính hệ thống, an ninh, an toàn về thông tin và cơ sở dữ liệu; xây dựng phương án đầu tư hệ thống dự phòng cho Cổng Thông tin một cửa quốc gia.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính đảm bảo tính sẵn sàng của Cổng thông tin một cửa quốc gia phục vụ triển khai chính thức Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không.