Báo cáo mới nhất của Google, Temasek cùng với đối tác mới Bain & Company vừa công bố cho thấy, nền kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 12 tỷ USD vào năm 2019.
Ngày 3-10, Google, Temasek cùng với đối tác mới Bain & Company đã công bố báo cáo mới nhất về Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019), nhấn mạnh những xu hướng nổi bật nhất của ngành công nghiệp số được ghi nhận trong năm 2019, phân tích tiềm năng hiện tại và tương lai của nền kinh tế số Đông Nam Á tại 6 thị trường lớn nhất bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Báo cáo cho thấy nền kinh tế số của khu vực vừa đạt đền một cột mốc mới, chạm ngưỡng 100 tỷ USD lần đầu tiên vào năm nay, tăng 72 tỷ USD so với năm ngoái. Nền kinh tế số tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức từ 20 đến 30% hằng năm. Trong khi đó, hai đại diện dẫn đầu trong khu vực là Indonesia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt mức 40% một năm.
Nền kinh tế số tại Việt Nam có thể đạt 12 tỷ USD năm 2019 và bứt phá lên 43 tỉ USD vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ.
Năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng Internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone).
Với việc hai “đầu tàu” là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nằm trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực, Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực, với 600 triệu USD đầu tư từ 2018 đến nửa đầu 2019. Số lượng các thương vụ đầu tư ít hơn nhưng giá trị cao hơn trong năm 2019.
Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các đầu tư. Tuy nhiên, nền kinh tế số của Việt Nam còn nhiều hạn chế cần khắc phục.