Người đứng đầu ngành VH-TT-DL đặt câu hỏi "Liệu chúng ta có thể đề xuất Chính phủ mở cửa vào dịp 30-4 năm nay được không?". Tại buổi hội thảo, đa số các ban bộ ngành và các chuyên gia đều đồng tình...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế, hội thảo "Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế" đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) chủ trì tổ chức dưới sự điều hành của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay trong 2 tháng thí điểm đón khách quốc tế, ngành du lịch đã đón khoảng 8.000 lượt khách quốc tế có hộ chiếu vaccine.
"Việc thí điểm đón khách quốc tế đạt hệ số an toàn rất cao, du khách đáp ứng được nhu cầu du lịch trong điều kiện an toàn với dịch bệnh. Qua đó tiếp tục khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn trong khu vực, quốc tế" - Bộ trưởng khẳng định.
Người đứng đầu ngành VH-TT-DL đặt câu hỏi "Liệu chúng ta có thể đề xuất Chính phủ mở cửa vào dịp 30-4 năm nay được không?". Bộ trưởng cho rằng trả lời câu hỏi này không hề đơn giản, đòi hỏi phải tiếp tục điều nghiên trên cơ sở khoa học, thực tiễn và đáp ứng được an toàn với dịch bệnh. Tuy nhiên, việc này không thể chờ đợi lâu và phải có bước đi, lộ trình phù hợp.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL, cho biết để tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, Bộ VH-TT-DL đề xuất lộ trình từ nay đến 30-4 tiếp tục chương trình thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2.
Từ 1-5-2022, mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, đây là thời gian thích hợp để mở cửa thu hút khách du lịch quốc tế vì nếu triển khai chậm hơn thời gian trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang chuẩn bị ban hành kế hoạch mở cửa, khôi phục du lịch quốc tế. Thêm vào đó, từ nay đến thời điểm thực hiện là thời gian vừa đủ để các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh các quy định và ban hành hướng dẫn triển khai theo chức năng. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch kịp hoàn thiện và triển khai kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường và chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế vào dịp cao điểm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau).
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói thêm tháng 5 - 2022 là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 (SEA Games 31), việc công bố sớm thời điểm mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN, địa bàn đã có mức độ tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19 tương đối cao.
Đồng quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Sau 2 năm hoành hành bởi dịch bệnh Covid-19, tôi cho rằng, Việt Nam đã sẵn sàng để mở cửa hoàn toàn không cần thí điểm. Điều này đã được minh chứng khi chúng ta đón trên 8.500 lượt khách du lịch quốc tế trong thời gian vừa qua cũng như khẳng định năng lực “thích ứng an toàn, linh hoạt” của ngành Du lịch Việt Nam. Thực tế hiện nay, chúng ta cũng cần điều chỉnh hướng dẫn để đồng bộ, nhất quán về việc đi lại giữa các địa phương. Như vậy, việc mở cửa mới được khai thông."
Đề xuất phương án đón khách du lịch quốc tế, ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay điều kiện để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 được công nhận ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh; hoặc có Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 trong thời gian không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh (có quy định riêng đối với trẻ em và người chưa tiêm đủ liều); có chứng nhận xét nghiệp RT-PCR âm tính Covid-19 trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh; mua bảo hiểm y tế có nội dung chi trả cho điều trị Covid-19 ở mức tối thiểu 50.000 USD.
Đối với doanh nghiệp du lịch, cho phép tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành đều được tham gia đón khách.
Liên quan đến quy định về nhập xuất cảnh, Bộ VH-TT-DL đề xuất cho phép đón khách du lịch quốc tế tại tất cả các cửa khẩu theo quy định, áp dụng các quy định nhập xuất cảnh đã có hiệu lực trước năm 2020 và đề xuất thêm một số chính sách để tăng cường cạnh tranh điểm đến, thu hút khách du lịch quốc tế.
Bộ VH-TT-DL cũng kiến nghị khôi phục lại các chính sách miễn thị thực nhập cảnh (visa) đã áp dụng đối với các thị trường khách du lịch quốc tế trước năm 2020 và xem xét bổ sung một số thị trường khách du lịch tiềm năng để nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến của Việt Nam đối với các quốc gia, điểm đến trong khu vực và quốc tế.
Tăng cường đàm phán nhằm gia tăng số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng - "hộ chiếu vaccine" của Việt Nam để phục vụ đưa khách đi du lịch nước ngoài trong điều kiện bình thường mới.
Gia tăng tần suất, kết nối các đường bay thương mại quốc tế thường lệ phục vụ khách du lịch, nhất là các đường bay kết nối trực tiếp từ các thị trường quốc tế gửi khách đến các điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam.
Cơ quan quản lý du lịch các cấp, các địa phương, điểm đến du lịch tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, đảm bảo an ninh, an toàn, có phương án và chủ động xử lý sự cố y tế phát sinh.
Các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch chủ động, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới, tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Có thể bạn quan tâm
09:53, 21/01/2022
03:00, 20/01/2022
14:58, 18/01/2022
08:59, 19/01/2022
12:40, 15/01/2022