Đó là chia sẻ của ông Laurence Cheung trong buổi ra mắt Trung tâm Vận chuyển đa phương thức Quốc tế & Báo cáo về Vận tải đường bộ mới của DHL.
Theo bộ phận chuyên về vận tải hàng hóa của DHL, vận tải đường bộ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng và mở rộng vị thế ở Đông Nam Á, khi các công ty nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hơn. Báo cáo mới với tiêu đề “Con đường hướng tới tương lai: Dẫn lối cơ hội cho vận tải đường bộ tại Đông Nam Á” của DHL tiết lộ rằng trong khi vận tải đường bộ châu Á đang có những tiến triển, việc tái thiết hoạt động vận tải hàng hóa trên khắp khu vực đang còn nhiều thách thức và cả cơ hội.
Ông Laurence Cheung - Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của DHL Global Forwarding đánh giá, chuỗi cung ứng toàn cầu đã có sự thay đổi trong vài năm qua và Việt Nam chắc chắn đang ở vị trí dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Năm ngoái, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 16 tỷ USD, trong khi xuất khẩu đạt 440 tỷ USD, qua đó, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.
Ông cho rằng, con đường này là một đầu mối quan trọng, kết nối Trung Quốc với phần còn lại của khu vực và Việt Nam là trung tâm. Với sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng và các công ty Trung Quốc đang vươn ra toàn cầu, Việt Nam có vị trí chiến lược để tận dụng những cơ hội này.
Theo IHS Markit và UN Comtrade, Việt Nam đang nổi lên là quốc gia dẫn đầu trong việc tái triển khai hoạt động sản xuất với kim ngạch xuất khẩu tăng trong các lĩnh vực như sản xuất, công nghệ, thời trang và bán lẻ.
Tính đến tháng 9 năm 2024, Việt Nam đã thu hút hơn 24 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Singapore và Trung Quốc là hai nhà đầu tư hàng đầu.
Ngoài Việt Nam, các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Singapore sẽ được hưởng lợi nhờ các phương án kết nối linh hoạt thông qua đường bộ, đường hàng không hoặc đường biển. Các quốc gia này cũng có thỏa thuận thương mại thuận lợi với nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu.
Ông Laurence Cheung cho rằng, việc xây dựng chuỗi cung ứng bền bỉ đang ngày càng trở nên quan trọng hơn, với những đòi hỏi về sự linh hoạt và minh bạch về khả năng hiển thị theo thời gian thực và thông tin chi tiết về tình trạng lô hàng cũng như tình trạng đường đi, trong bối cảnh lo ngại về an ninh, độ an toàn và ổn định.
"Các mạng di động tiên tiến của Đông Nam Á đã cho phép giám sát vận chuyển hàng hóa đường bộ theo thời gian thực thông qua cảm biến và thiết bị GPS, cung cấp cho khách hàng những dự đoán chính xác về vị trí hàng hóa và thời gian đến", ông Laurence Cheung chia sẻ.
Trong khi các công ty toàn cầu đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, nhiều công ty Trung Quốc cũng đang mở rộng cơ sở sản xuất của họ vào ASEAN. Theo báo cáo của McKinsey, đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á trong năm 2023 đã đạt 24 tỷ USD. Những khoản đầu tư này nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực trong vai trò trung tâm sản xuất toàn cầu, đặc biệt là với các thị trường như Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan. Các quốc gia này đã công bố hoặc thực hiện những cải cách hoặc mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông vốn thiết yếu với ngành logistics.
Tại Việt Nam, Chính phủ đang đặt mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc Bắc – Nam vào năm 2025. Khoảng 1.000km đường cao tốc trải dài qua 15 tỉnh, thành phố đã được hoàn thành cho đến nay, nâng tổng chiều dài các tuyến đường này lên gần 2.100km.
Trong khu vực, Lào đã mở tuyến đường sắt mới nối Viêng Chăn với Côn Minh ở Trung Quốc vào năm 2021. Tại Thái Lan, DHL đã mở Trung tâm Vận chuyển Đa phương thức Quốc tế DHL mới tại Free Zone 3 của Sân bay Suvarnabhumi, giúp việc vận chuyển hàng hóa vào, ra và qua Thái Lan dễ dàng hơn với nhiều phương thức vận chuyển khác nhau.
Ông Bruno Selmoni - Phó Chủ tịch, Trưởng Bộ phận Vận tải Đường bộ và Liên vận, Đông Nam Á của DHL Global Forwarding cho biết, những khoản đầu tư vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng đường sắt hoặc đường bộ ở Đông Nam Á sẽ khiến việc vận chuyển từ Trung Quốc vào Đông Nam Á rẻ hơn và nhanh hơn so với đường hàng không.
Ông cho rằng, vận tải đường bộ đóng vai trò quan trọng như một giải pháp độc lập cũng như giải pháp đa phương thức. Vận chuyển hàng hóa thông qua kết hợp nhiều phương thức vận tải có thể dẫn đến thời gian giao hàng tận nơi Door-to-Door (DTD) nhanh hơn so với vận tải đường biển, với chi phí thấp hơn đáng kể so với vận tải hàng không.
Việc thúc đẩy phát triển vận tải đường bộ bền vững hơn là rất cần thiết, song vẫn còn nhiều thách thức đáng kể ở phía trước. Chiến lược khu vực ASEAN về vận tải đường bộ bền vững đã nêu bật ba hạng mục chính sách và biện pháp vận tải xanh như: Tối ưu hóa logistics, chẳng hạn như giảm vận chuyển hàng rỗng hoặc triển khai các trung tâm logistics và trao đổi hàng hóa; Sử dụng vận chuyển đa phương thức như đường sắt hoặc đường thủy; Chuyển đổi xanh xe tải bằng cách cải thiện độ hiệu quả của lốp xe có lực cản lăn thấp hoặc sử dụng nhiên liệu thay thế
Cũng theo ông Bruno Selmoni, một giải pháp vận tải đường bộ bền vững có những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội, đặc biệt là khi nói đến việc chuyển đổi xanh xe tải. Chúng ta đang thấy nhiều xe tải điện hơn, nhiên liệu sinh học được sử dụng trong đội xe của DHL tại châu Âu và công nghệ sắp ra mắt như nhiên liệu hydro đang được thử nghiệm.
“Tất nhiên, bất kỳ giải pháp nào cũng cần có sự hợp tác toàn diện giữa khối tư nhân và Nhà nước. Chính phủ cần thiết lập các chính sách và cơ sở hạ tầng phù hợp, các nhà sản xuất ô tô cần đưa ra các lựa chọn thương mại khả thi và những đơn vị logistics như chúng tôi cần áp dụng các giải pháp này”, ông Bruno Selmoni chia sẻ.