Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng để đón làn sóng đầu tư mạnh về công nghệ, đặc biệt công nghệ cao và bán dẫn là một trong số đó.
Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,12%, điều này thể hiện tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam rất lớn.
Đơn cử thời gian qua, nhiều nhà sản xuất chip lớn đã quan tâm đầu tư vào ngành này ở nước ta như: Samsung (Hàn Quốc) đang chuẩn bị điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại nhà máy ở Thái Nguyên, Intel (Mỹ) đã đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam và đến nay nhà máy này vẫn là một trong những địa điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn hay Hana Micron (Hàn Quốc) cũng có kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam.
>>> Các dự án bán dẫn tại Việt Nam thu hút hàng tỷ USD
Hiện Việt Nam đã thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia và 3 khu công nghệ cao tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. Đây cũng là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Nhận định về vấn đề này, ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội thiết bị và bán dẫn toàn cầu cho biết: “Tôi thấy rằng Việt Nam là quốc gia đang phát triển về mảng lắp ráp điện và bây giờ chúng ta có thể thấy nguồn đầu tư đang được đổ vào các khu vực liên kết bán dẫn. Nhiều tập đoàn lớn như Samsung đã đến đầu tư tại Việt Nam và tôi tin rằng sẽ còn nhiều tập đoàn hơn nữa. Lợi thế của Việt Nam chính là vị trí địa lí cũng như nguồn nhân lực kỹ sư trẻ dồi dào, có học thức có thể hỗ trợ sự phát triển ngành bán dẫn. Đặc biệt ở đây là sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua những chính sách và chương trình khuyến khích thu hút đầu tư”.
>>> Thêm một nhà sản xuất chất bán dẫn mở rộng tại Việt Nam
Đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Đức Long cũng chia sẻ thêm: “Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng để đón làn sóng đầu tư mạnh về công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao và bán dẫn là một trong số đó. Chúng ta sẽ cần nhiều sự chuẩn bị từ giờ đến năm 2024, chú trọng việc cung cấp nguồn nhân lực đầy đủ cho các công ty đầu tư vào Việt Nam”.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành thiết kế và chế tạo vi mạch đang trở thành ngành công nghệ hấp dẫn và thu hút nguồn vốn FDI tại một số tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới. Bên cạnh cơ hội, tiềm năng thì thách thức lớn nhất hiện nay là sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình sản xuất bán dẫn và vi mạch toàn cầu. Tại Việt Nam, mục tiêu đặt ra đến năm 2030 sẽ có 50.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng 20%.
Trước thực tế trên, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển công nghệp bán dẫn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược này sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT&TT, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận xét, Việt Nam đang đứng trước thời cơ rất thuận lợi để có thể đón đầu xu thế này. Hiện nay, đã có những công ty cung cấp vi mạch hàng đầu thế giới của Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc đang hoạt động ở nước ta. Các kỹ sư Việt Nam cũng đang tham gia hệ sinh thái thiết kế vi mạch.
>>> Việt Nam sẵn sàng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?
“Cần tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực để cung cấp nhiều hơn nữa cho các công ty tại Việt Nam cũng như các công ty do người Việt Nam thành lập. Đồng thời cần thiết lập hệ thống trung tâm hỗ trợ thiết kế vi mạch và trung tâm sản xuất vi mạch để nhanh chóng giúp các doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Ngoài ra, chúng ta cũng nên cân nhắc tham gia vào hệ sinh thái liên minh các nước lớn về chip”, ông Nghĩa cho biết.
Cũng theo chia sẻ từ phía Đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những điểm quan trọng đầu tiên là các cơ quan, bộ ngành từ trung ương đến địa phương đều phải nâng cao nhận thức của mình về tầm quan trọng của ngành bàn dẫn.
Thứ hai, hiện nay Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển chiến lược về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát triển chiến lược về phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030. Cả 2 chiến lược này sẽ là văn bản định hướng rất rõ cho sự phát triển công nghiệp bán dẫn.
Thêm nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục sửa đổi các chính sách để khơi thông, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam qua các sự kiện gần đây. Như chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ. Từ đó, các nhà đầu tư nước ngoài thấy được sự hấp dẫn và việc đầu tư vào ngành bán dẫn của Việt Nam đã tăng lên rất nhiều.
“Nhân lực trẻ có tài trong lĩnh vực thiết kế vi mạch hiện nay còn khan hiếm. Nhưng hiện nay nhiều công ty thiết kế từ Mỹ, Đài Loan, Ấn Độ và Trung Quốc đang nhìn nhận Việt Nam là một địa điểm tốt để đầu tư và thành lập công ty hay bắt đầu một vài dự án. Họ sẽ mang thêm nguồn tài nguyên đến cho đất nước, giúp nuôi dưỡng hệ sinh thái bán dẫn ngày càng phát triển”, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội thiết bị và bán dẫn toàn cầu nhận định.
Có thể thấy ngành công nghiệp bán dẫn là ngành mới ở Việt Nam, cần có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để đón nhận và phát triển một cách hiệu quả. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực là khía cạnh có tính nền tảng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Và theo quan điểm chung của các bộ ngành, việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn cần chú ý 3 trụ cột chính. Đó là phát triển nguồn nhân lực trình độ đại học; phát triển đào tạo kỹ sư, người lao động, những người trực tiếp làm trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và cuối cung là huy động nhân tài cũng hết sức quan trọng.
Có thể bạn quan tâm
10:37, 29/07/2020
09:00, 05/10/2023
01:45, 04/10/2023
03:30, 03/10/2023