Cơ cấu lao động theo ngành nghề tại Việt Nam vẫn chưa thực sự tương xứng với cơ cấu kinh tế.
Tốc độ tăng lực lượng lao động giảm nhanh
Đến năm 2018, lực lượng lao động vào khoảng 55,16 triệu người, chiếm khoảng 60% dân số. Mỗi năm có khoảng 500 - 700 nghìn người gia nhập lực lượng lao động.
Đặc điểm dễ nhận thấy là trong những năm gần đây tốc độ tăng lực lượng lao động đã giảm nhanh so với trước.
Nếu như năm 2000, tốc độ tăng lực lượng lao động đạt 3,3%/năm, sau đó duy trì mức tăng gần 3% đến năm 2006, thì từ năm 2007 tốc độ tăng đã giảm xuống, duy trì ở mức khoảng 2%/năm cho đến năm 2010; từ năm 2011 đến nay tốc độ tăng lực lượng lao động đã giảm nhanh chóng, trong đó duy trì mức tăng dưới 1% từ năm 2014 (năm 2017, 2018, mức tăng tương ứng 0,71% và 0,85%).
Điều này một phần là do xu hướng dân số đang già hoá, phần khác là do số năm đi học của dân số từ 15 tuổi trở lên tăng nên làm chậm lại thời điểm tham gia thị trường lao động, đặc biệt là đối với nữ giới.
Phân bổ lực lượng lao động theo vùng lãnh thổ có những chuyến dịch theo hướng tích cực, song vẫn còn một số bất cập so với tiềm năng và nhu cầu phát triển.
Tỉ trọng lực lượng lao động ở các vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trong tổng lực lượng lao động cả nước tuy có tăng, nhưng nhìn chung tốc độ chậm và còn thấp so với các vùng khác, trong khi Đông Nam Bộ vốn có mật độ dân số cao, lực lượng lao động đông đảo lại có xu thế gia tăng mạnh cả về quy mô và tỉ trọng.
Tỉ lệ lao động có việc làm chiếm tỉ trọng cao trong tồng lực lượng lao động và có xu hướng tăng nhanh cùng với sự phát triến của nền kinh tế.
Năm 2000, tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm chiếm khoảng 96,2% tổng lực lượng lao động. Tỉ lệ này được duy trì trong hơn 10 năm từ năm 2000 đến năm 2010 và tăng lên khoảng 98% từ năm 2011 đến nay (trong đó, năm 2016 tỉ lệ lao động có việc làm là 97,9%, năm 2017 là 97,96%, năm 2018 là 98%).
Tuy nhiên, điều đáng nói là số lao động là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh và lao động làm công ăn lương cho đến nay chỉ chiếm khoảng 44% trong tổng số lao động có việc làm, mặc dù tỉ lệ này đã có sự gia tăng hàng năm, còn số lao động tự tạo việc làm và lao động gia đình chiếm khoảng 56% trong tổng lao động có việc làm.
Điều này phần nào cho thấy chất lượng việc làm của lao động Việt Nam còn khá hạn chế, tỉ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức còn cao.
Tỷ lệ thấp nghiệp, thiếu việc làm còn nhiều
Cơ cấu lao động theo ngành đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, theo hướng tích cực, phù hợp hơn với sự chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế.
Trong đó, tỉ lệ lao động trong ngành nông nghiệp đã giảm liên tục từ 62,2% năm 2000 xuống còn 40,2% năm 2017, trong khi tỉ lệ lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ tăng lên tương ứng từ mức 13% lên 25,7% đối với ngành công nghiệp, xây dựng và từ 24,8% lên 34,1% đối với ngành dịch vụ.
Mặc dù vậy, cơ cấu lao động theo ngành vẫn chưa thực sự tương xứng với cơ cấu kinh tế.
Xét về cân đối cung cầu trên thị trường lao động có thể thấy, tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động Việt Nam được xem là khá thấp và có xu hướng giảm, tỉ lệ thiếu việc làm cũng tương tự.
Tỉ lệ thất nghiệp đã giảm liên tục từ mức 6,4% năm 2000 xuống 5,3% năm 2005 và nhanh chóng giảm xuống mức 2,24% năm 2008 và 2,34% năm 2017, trong khi tỉ lệ thất nghiệp toàn cầu hiện nay lên tới 13%. Riêng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỉ lệ thất nghiệp là 11%.
Đáng lưu ý là thất nghiệp của nhóm lao động là thanh niên (15 - 24 tuổi) chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lao động thất nghiệp (khoảng 49% năm 2017), tỉ lệ thất nghiệp thanh niên có xu hướng tăng (từ 5,48% năm 2010 lên 7,8% năm 2017) và luôn cao hơn mức trung bình chung, cao hơn nhiều so với tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động từ 35 tuổi trở lên (chỉ dao động từ khoảng 0,8 - 1,1% trong cùng giai đoạn).
Năng suất lao động của Việt Nam ở mức thấp. Mặc dù xét về tốc độ tăng năng suất lao động, Việt Nam đã có sự tiến bộ, góp phần cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh với tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 1991 - 2017 bình quân đạt 4,8%/năm, cao hơn mức tăng năng suất lao động của Xin-ga-po (2,3%), In-đô-nê-xi-a (3,2%) trong cùng giai đoạn.
Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối, so với các nước trong khư vực, năng suất lao động của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Băng-la-đét, Cam-pu-chia và chỉ bằng 50% các nước ASEAN, thấp hơn In-đô-nê-xi-a 10 lần, Thái Lan 30 lần, Nhật Bản 135 lần.
Nguyên nhân chủ yếu là bởi trình độ nhân lực còn thấp, ứng dụng khoa học - công nghệ chưa cao, mức độ tinh vi trong sản xuất kinh doanh của Việt Nam mới xếp thứ 100/137 nước. Đầu tư cho công nghệ chỉ chiếm 0,5% doanh thu của doanh nghiệp, rất thấp so với mức bình quân Châu Á là 2,5%.
Chất lượng lao động Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2016 chỉ đạt 3,79/10 điểm trong khi một số nước trong khu vực như Ma-lai-xi-a là 5,59/10, Thái Lan là 4,94/10. Việt Nam đứng thứ 11/12 nước ở Châu Á tham gia xếp hạng.
Chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài cũng ở thứ hạng thấp, Việt Nam chỉ xếp thứ 5 trong khu vực sau Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Phi-líp-pin và xếp thứ 82/109 nước khảo sát (trong đó, chỉ số về kỹ năng lao động xếp thứ 95/109 nước).
Điểm yếu cơ bản của lao động Việt Nam là tỉ lệ lao động qua đào tạo, nhất là đào tạo nghề dài hạn và lao động có trình độ cao còn thấp, chỉ bằng 1/3 các nước và các nền công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Xin-ga-po.
Bên cạnh đó, kỹ năng tay nghề yếu, đặc biệt là so với tiêu chuẩn nghề của khu vực và thế giới. Sự phân bố không hợp lý, chương trình đào tạo còn nặng lý thuyết, chất lượng đào tạo, cơ cấu theo ngành nghề, lĩnh vực, sự phân bố theo vùng, miền, địa phương của nguồn nhân lực chưa thực sự phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội đã dẫn đến tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kĩ thật trình độ cao, các nhà quản lý, chuyên gia giỏi và công nhân lành nghề.
Nhiều lao động không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyên dụng. Theo thống kê giai đoạn 2011 - 2017, phần lớn lao động của Việt Nam chiếm khoảng 75 - 80% tổng lực lượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật có đặc điếm hiểu biết lý thuyết khá nhưng lại kém về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp, cần có thời gian bổ sung hoặc đào tạo, bôi dưỡng để sử dụng hiệu quả.
Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đã và đang khiến cho thị trường lao động trong các khu vực ký kết dần trở nên đồng nhất với nhau.
Điều này có nghĩa là, trong tương lai gần, thị trường lao động sẽ không còn phân định biên giới lãnh thổ, các lao động có chuyên môn, được công nhận sẽ có cơ hội di chuyển, tìm kiếm việc làm theo khả năng, nhu cầu bản thân.
Các thoả thuận công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp sẽ là những công cụ quan trọng cho việc tự do di chuyến lao động.
=>>Mời độc giả đón đọc: Bài 2 - Đi ngược lại với cơ cấu lao động chuẩn