VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Dấu ấn đặc biệt trong hoạt động đối ngoại

VIỆT NGA thực hiện 14/02/2021 06:00

Trả lời PV Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định: Năm 2020 đánh dấu mốc lịch sử đối với hoạt động đối ngoại Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò kép.

Và 2021 sẽ là năm để Việt Nam triển khai sâu hơn nữa những hoạt động “hội nhập mới”.

- Năm 2020 cả thế giới chao đảo vì COVID nhưng điều đó lại càng khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, thưa Phó Thủ tướng?

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị chúng ta đã làm tốt nhiệm vụ kép, vừa kiềm chế được dịch COVID-19, đồng thời vẫn giữ được môi trường ổn định, phát triển kinh tế xã hội của đất nước chúng ta.

Đó là những thành tích hết sức lớn lao của đất nước chúng ta trong năm 2020, cũng là cơ sở hết sức thuận lợi cho các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước chúng ta trong năm. Thông thường thì khi COVID-19 xảy ra như vậy, các hoạt động đối ngoại trên thế giới, của các nước đều bị ảnh hưởng rất lớn. Chúng ta cũng không ngoại lệ, nhưng trong hoạt động đối ngoại của chúng ta năm 2020, chúng ta vẫn triển khai được các hoạt động hết sức quan trọng, cả đối ngoại song phương lẫn đối ngoại đa phương.

Đó là việc chúng ta duy trì được quan hệ với các đối tác không phải qua các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao ta và của lãnh đạo của các nước đến Việt Nam như thông lệ các năm. Năm 2020, chúng ta đã chuyển đổi hình thức, tăng cường trao đổi bằng điện đàm, bằng trực tuyến với lãnh đạo cấp cao của các nước với trên 33 cuộc điện đàm của lãnh đạo cấp cao ta với lãnh đạo của hầu hết các nước quan trọng trên thế giới cũng như trong khu vực. Trong các cuộc điện đàm, các nội dung về tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước vẫn được triển khai. Năm 2020, chúng ta vẫn triển khai được 33 cuộc điện đàm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, từ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng đến Chủ tịch Quốc hội và các cấp khác. Điều đó nói lên chúng ta vẫn duy trì được quan hệ với tất cả các nước quan trọng.

Việt Nam cũng đã đóng góp vào giải quyết các vấn đề trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, với tâm thế là đại diện của các nước đang phát triển cũng như đại diện ASEAN

Việt Nam cũng đã đóng góp vào giải quyết các vấn đề trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, với tâm thế là đại diện của các nước đang phát triển cũng như đại diện ASEAN

Thứ hai, năm 2020, chúng ta đảm nhận vai trò là Chủ tịch của ASEAN, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Đông Nam Á (AIPA) và đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong năm 2020 chúng ta đã triển khai và cho đến thời điểm này có thể nói đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch của ASEAN, của AIPA cũng như năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với những kết quả hết sức cụ thể. Đó là tiếp tục đề cao sự đoàn kết, gắn kết, vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề thích ứng với những biến động trên thế giới cũng như trong khu vực và với từng nước. Đồng thời chúng ta cũng đã đóng góp vào giải quyết các vấn đề trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, với tâm thế của một nước có tiếng nói và vai trò, đồng thời là đại diện của các nước đang phát triển cũng như các nước trung bình và nhỏ trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Mục tiêu của Việt Nam là duy trì được môi trường hòa bình, ổn định ở bên ngoài hay là gìn giữ, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa. Với phương châm đó, chúng ta tham gia hội nhập, tham gia các tổ chức quốc tế để định hình, xây dựng luật lệ đảm bảo lợi ích của các nước, trong đó có lợi ích của chúng ta. Nghĩa là Việt Nam không chỉ là một thành viên có trách nhiệm mà chủ động có trách nhiệm.

Về hội nhập kinh tế, trong năm 2020 chúng ta cũng đã cùng với Liên minh Châu Âu triển khai việc thúc đẩy và thông qua Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và cùng với các nước trong ASEAN thúc đẩy để ký kết được Hiệp định thương mại RCEP. Đó là những đóng góp vào hoạt động kinh tế đối ngoại hết sức quan trọng của đối ngoại Đảng và Nhà nước ta.

Trong 2020, một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng mà đối ngoại đã phải thực hiện là bảo hộ công dân trong tình hình mới. Nhưng điểm lớn nhất là việc trong COVID-19, Việt Nam có thể nói là một trong số ít các nước đã có các chuyến bay đưa công dân Việt Nam học tập hoặc thăm viếng ở nước ngoài bị mắc kẹt muốn về nước. Chỉ riêng trong năm 2020 chúng ta đã triển khai trên 260 chuyến bay chở 73 ngàn công dân Việt Nam ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về nước một cách an toàn.

Một lĩnh vực nữa phải nói là trong 2020, vấn đề quảng bá Việt Nam ra nước ngoài vẫn tiếp tục được thực hiện. Trong tình hình đó, báo chí Việt Nam, báo chí đối ngoại đã tiếp tục quảng bá được đất nước, con người Việt Nam thông qua phương thức mới, đó là nền tảng số. Qua nền tảng số này, việc quảng bá Việt Nam đã vươn xa so với trước đây rất nhiều.

- Nhưng với những khó khăn khách quan như vậy, ngoại giao Việt nam còn điều gì tiếc nuối, thưa Phó Thủ tướng?

Trong các hoạt động đối ngoại của năm 2020, có lẽ điều tiếc nuối duy nhất là việc các chuyến thăm của các nước đến Việt Nam chưa tổ chức được do dịch COVID-19, nên chúng ta chưa đón được các đoàn cấp cao các nước sang Việt Nam. Đó là điều mà chúng ta trăn trở. Nhưng đổi lại, chúng ta có thể dùng các phương thức khác để bày tỏ lòng hiếu khách của Việt Nam thông qua các cuộc điện đàm, quảng bá Việt Nam không được trực tiếp thì qua trực tuyến.

- Việt Nam sẽ còn đảm nhận vai trò trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong 2021. Vậy phương hướng, mục tiêu của Việt Nam trong năm nay như thế nào, rất mong Phó Thủ tướng chia sẻ cùng Diễn đàn Doanh nghiệp?

Năm 2021, chúng ta tiếp tục là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhiệm kỳ chúng ta là 2 năm và chúng ta cũng nhìn nhận năm 2021 tình hình thế giới sẽ tiếp tục biến động. Dịch COVID-19 có thể sẽ kiểm soát được mức độ và cũng có thể chưa được kiểm soát, sẽ tác động không nhỏ đến tình hình chung. Tình hình kinh tế thế giới cũng trên đà phục hồi chậm. Bên cạnh đó là những cuộc xung đột đang tiếp diễn cũng như những khả năng xung đột mới có thể xảy ra, cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ưu tiên của chúng ta tiếp tục là các ưu tiên mà ngay khi chúng ta tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chúng ta đã đặt ra.

Đó là giải quyết các xung đột, chú ý quan tâm đến vấn đề trẻ em trong xung đột, phụ nữ với hòa bình, an ninh, vấn đề khôi phục kinh tế sau xung đột, vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn sau xung đột. Một số vấn đề mới cũng hết sức đáng quan tâm mà chúng ta đưa vào ưu tiên là biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh và hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Với các ưu tiên đó, chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp cùng các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũ và mới để thúc đẩy.

- Đảm nhận thành công vai trò kép giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

Đường lối của Đảng và Nhà nước ta là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Chúng ta cũng đang thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương. Đây là mục tiêu của chúng ta khi tham gia chủ động, tích cực hội nhập quốc tế nói chung, trong đó hội nhập kinh tế là quan trọng.

Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch của ASEAN, của AIPA cũng như năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch của ASEAN, của AIPA cũng như năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Ý nghĩa thứ hai mà chúng ta đã thể hiện rất rõ trong quá trình tham gia thời gian vừa qua và sắp tới là nêu cao độc lập, tự chủ trong đường lối, chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng quan hệ với các nước. Ý nghĩa thứ ba là chúng ta tham gia để nâng cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “chưa bao giờ cơ đồ của Việt Nam trên trường quốc tế cao như ngày nay”. Điều đó cũng nói lên thành tựu của đất nước chúng ta trong 35 năm đổi mới đã đưa nước Việt Nam vươn lên vững mạnh, phát triển về kinh tế xã hội. Đồng thời, vai trò, vị thế của Việt Nam cũng được nâng lên.

- Tiếp nối những thành quả của năm 2020, xin Phó Thủ tướng có thể chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm, những định hướng lớn của đối ngoại Việt Nam trong năm 2021 và cả những năm tiếp theo?

Năm 2021, chúng ta cũng biết là dự báo tình hình thế giới và khu vực có lẽ sẽ tiếp tục biến động không ngừng, trong đó có dịch bệnh COVID-19. Đó là những thách thức đối với tất cả các nước và đối với Việt Nam chúng ta. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhìn nhận có rất nhiều cơ hội, đó là xu thế hòa bình, ổn định, xu thế mong muốn hòa bình, tiếp tục phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang phát triển, trong đó kinh tế số, những vấn đề liên quan đến công nghệ cao là những cơ hội phát triển của chúng ta, không chỉ về kinh tế xã hội mà còn tạo ra những phương thức hoạt động cho chúng ta trong hoạt động đối ngoại.

Với những tình hình như vậy, đối ngoại của chúng ta trong năm 2021 sẽ tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác, đặc biệt các đối tác chiến lược, các đối tác toàn diện, các nước láng giềng bằng những phương thức mới, đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, chúng ta tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động của chúng ta tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đồng thời trong ASEAN, chúng ta phải làm sao để phát huy được những kết quả trong năm Chủ tịch ASEAN, tiếp tục duy trì đà phát triển của ASEAN cũng như những sáng kiến, những những nội dung của ASEAN trong năm 2020 tiếp tục phát triển trong năm 2021.

Thứ ba, chúng ta đã tham gia, ký kết các hiệp định thương mại tự do và tiếp tục sẽ có các hiệp định thương mại tự do được phê chuẩn. Chúng ta phải làm sao thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mang lại. Đó là nhiệm vụ chung cho tất cả các bộ, ngành, không phải chỉ riêng của ngành đối ngoại.

Thứ tư và quan trọng hàng đầu là chúng ta phải duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Đó là mục tiêu hết sức lớn lao và xuyên suốt.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Có thể bạn quan tâm

  • VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Thành công bởi một chữ Đồng

    06:00, 15/02/2021

  • VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Thích ứng linh hoạt để vươn lên hùng cường

    05:30, 15/02/2021

  • VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Khát vọng về Việt Nam thịnh vượng

    12:00, 14/02/2021

  • VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Nhìn về tương lai

    06:00, 14/02/2021

  • VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Bảy mục tiêu chiến lược

    11:15, 13/02/2021

  • VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Việt Nam mở rộng ngoại giao nâng tầm vị thế

    07:13, 13/02/2021

  • VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Cải cách thể chế để chính sách đi vào lòng người

    06:00, 13/02/2021

  • VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Kinh tế Việt Nam 2021-2030: Tạo đà bứt phá

    05:30, 13/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Dấu ấn đặc biệt trong hoạt động đối ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO