Việt Nam mong muốn đưa hợp tác Halal thành "nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới" trong đó có cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam", chiều 22/10.
Ngành Halal gồm những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt về thành phần, chế biến, vận chuyển. Thị trường Halal rất đa dạng, gồm các sản phẩm như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang…
Việt Nam đang ở “thời điểm“vàng” để nắm bắt các cơ hội và việc tham gia thị trường này là một bước đi chiến lược của Việt Nam, đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế Halal.
Việt Nam có tiềm năng trở thành một nhân tố quan trọng của thị trường Halal, một trung tâm của nền kinh tế Halal trên toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc phát triển ngành Halal góp phần kết nối con người Việt Nam với con người các nước trên thế giới, nhất là thế giới đạo Hồi, trong bối cảnh chiến tranh, xung đột diễn biến phức tạp ở nhiều nơi.
Đồng thời, kết nối Việt Nam và thế giới thông qua các sản phẩm, dịch vụ Halal, kết nối nền kinh tế Việt Nam với kinh tế toàn cầu một cách đa dạng, phong phú, toàn diện và bền vững, kết nối văn hóa Việt Nam với văn hóa các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đạo Hồi, nhất là văn hoá ẩm thực.
“Cùng với đó, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, chuyên nghiệp hơn, bao trùm hơn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân với tinh thần ăn ngon, ăn sạch”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta đang sống trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn thời cơ, thuận lợi.
Như cạnh tranh địa chính trị gia tăng, nguy cơ gia tăng xung đột cục bộ, cạnh tranh thương mại gay gắt, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động của các vấn đề có tính toàn cầu về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số...
“Hơn bao giờ hết, hợp tác kinh tế quốc tế đòi hỏi tư duy đổi mới, cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo, mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, có thể khẳng định thị trường Halal đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác to lớn cho tất cả chúng ta với những tiềm năng to lớn.
Thị trường Halal toàn cầu dự báo có quy mô lên tới 10.000 tỷ USD trước năm 2030, trải rộng trên khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, trong đó dân số Hồi giáo dự báo đạt gần 3 tỷ người vào năm 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu.
Ngành công nghiệp Halal gồm nhiều lĩnh vực đa dạng từ nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược, mỹ phẩm, cho tới các ngành công nghiệp hỗ trợ, dây chuyền sản xuất, lưu kho, vận chuyển, dịch vụ...
“Nhận thức rõ về tầm quan trọng của thị trường Halal toàn cầu và những tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực, tập trung phát triển ngành Halal và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Việt Nam đã xây dựng định hướng chiến lược về phát triển ngành Halal đến năm 2030, trong đó có Đề án về "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030", thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, hoàn thiện các quy định pháp lý và tiêu chuẩn về Halal quốc gia.
Việt Nam đã ký một số thỏa thuận hợp tác về Halal với các đối tác Hồi giáo và phi Hồi giáo. Các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngày càng quan tâm đầu tư, sản xuất và mở rộng xuất khẩu sang thị trường Halal toàn cầu.
Phân tích về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam trong phát triển thị trường Halal, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong giai đoạn phát triển mới, Việt Nam xác định: "Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu".
"Trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn phát triển ngành Halal Việt Nam thực sự trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Để phát triển ngành Halal, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến 3 thông điệp của Việt Nam. Một là, Việt Nam rất quan tâm và mong muốn đưa hợp tác về Halal thành "nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới" trong phát triển quan hệ với các nước, trong đó có cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.
Hai là, Việt Nam coi trọng việc phát triển ngành Halal; xác định đây là định hướng mới trong hoạt động sản xuất; coi Halal là "cơ hội vàng" để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường hợp tác với các đối tác để tham gia hiệu quả vào thị trường, chuỗi giá trị Halal toàn cầu.
Ba là, Việt Nam chủ trương phát triển ngành Halal trên cơ sở tôn trọng các giá trị văn hóa, tôn trọng con người, thể hiện sự đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác, đa dạng, hài hòa và cùng phát triển, vì hạnh phúc, ấm no của mỗi người dân.