Ô tô - Xe máy

Việt Nam sẽ sản xuất hơn 4 triệu ô tô vào năm 2045, giấc mơ hay sự thật?

TRẦN THỦY 23/09/2024 00:41

Tham vọng đưa ngành công nghiệp ô tô phát triển, đạt sản lượng hơn 4 triệu xe, đáp ứng trên 80% nhu cầu cả nước vào năm 2045, liệu có thành hiện thực?

Mục tiêu lớn

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi.

Bộ Công thương đặt mục tiêu đến 2045,
Bộ Công thương đặt mục tiêu, đến 2045, sản lượng ô tô nội địa sẽ đạt từ 4 - 4,6 triệu chiếc/năm.

Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng thị trường ô tô bình quân 14% - 16% /năm, sức mua lên đến 1 - 1,1 triệu chiếc/năm, trong đó các dòng xe xanh chiếm khoảng 18% - 22%. Tổng sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 600.000 - 700.000 chiếc vào năm 2030. Giai đoạn 2031 - 2045, tăng trưởng 11% - 12%/năm, đến năm 2045, lượng xe tiêu thụ đạt 5 - 5,7 triệu chiếc/năm, trong đó xe điện và xe sử dụng các dòng năng lượng sạch khác chiếm 80% - 85%. Sản lượng xe nội địa trong giai đoạn này đạt 4 - 4,6 triệu chiếc/năm. Đáng chú ý, theo dự thảo, tỉ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng đạt 55% - 60% vào năm 2030 và tăng lên 80% - 85% vào năm 2045.

Việt Nam đã nhiều lần xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô. “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020” được Chính phủ phê duyệt ngày 3/12/2002; “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, được Chính phủ phê duyệt ngày 16/7/2014. Các chiến lược này đều đặt ra mục tiêu lớn đó là: xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và tham gia xuất khẩu; trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, các các mục tiêu đặt ra đều không thành công. Đánh giá chung của giới chuyên môn, sau 30 năm phát triển, đến nay ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. So với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan thì chậm hơn khoảng 3 thế hệ.

Điều này đặt ra những thách thức rất lớn cho mục tiêu trong “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Giấc mơ hay sự thật?

Trong khi đó, môi trường đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%. Điển hình là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất nhập khẩu ô tô đã giảm về 0% từ năm 2018. Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu- Việt Nam (EVFTA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đưa thuế nhập khẩu ô tô về 0% vào năm 2030…

xe2.jpg
Ô tô nhập khẩu giá rẻ ngày càng tràn vào nhiều, lấn át sản xuất trong nước.

Trên thực tế ngay sau khi cam kết bỏ thuế suất nhập khẩu ô tô từ ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia như Thái Lan và Indonesia. Hiện ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang giảm so với cách đây 2 năm.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2022 sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp cả nước đạt 439,6 nghìn xe nhưng tới năm 2023 giảm còn 347,4 nghìn xe và năm 2024 dự báo cũng chỉ đạt tương đương 2023. Trong khi xe nhập khẩu giá rẻ đang tràn vào ngày càng nhiều, lấn át xe sản xuất trong nước.

Với GDP bình quân đầu người hiện nay đạt 4.000 USD và vẫn tiếp tục tăng lên, thời kỳ “ô tô hóa” đang đến. Đây là “cơ hội vàng” cho ngành công nghiệp ô tô phát triển. Nhưng liệu ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có đón bắt được cơ hội này? Có đạt được các mục tiêu mà Dự thảo “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt ra?

Theo giới chuyên môn, để hiện thực hóa mục tiêu này, phụ thuộc rất lớn vào “bệ đỡ” chính sách. Các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan... thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô thành công, nhờ chính sách hỗ trợ rất lớn của Chính phủ.

Để thực hiện “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Công thương đề xuất chính sách tập trung hướng vào xe xanh như: kích cầu thị trường, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ, hỗ trợ người tiêu dùng; ưu đãi cho sản xuất linh kiện, phụ tùng... Đồng thời hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng liên quan như trạm sạc điện, trạm nạp nhiên liệu dành cho xe xanh.

Tuy nhiên, những đề xuất này liệu có được chấp nhận? Cộng đồng doanh nghiệp đang chờ đợi một hệ thống chính sách đột phá, để đầu tư vào sản xuất, lắp ráp xe xanh trong dài hạn. Nếu sớm ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, hấp dẫn và dễ thực hiện, sẽ thu hút đầu tư lớn vào xe xanh. Ngược lại, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội và thị trường lớn sẽ thuộc về nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam sẽ sản xuất hơn 4 triệu ô tô vào năm 2045, giấc mơ hay sự thật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO