Tại buổi họp báo về chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã thông tin một số nội dung Việt Nam tham gia CPTPP.
Ông Nguyễn Sỹ Cương cho biết, chiều 17/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, xem xét và thống nhất trình Quốc hội việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/10, Chính phủ sẽ hoàn thiện hồ sơ – mặc dù hồ sơ đã gửi đầy đủ, nhưng theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải cung cấp thêm một số thông tin như: 64 Hiệp định đã ký với các nước, các biên bản ghi nhớ thư trao đổi… trên cơ sở đó làm tài liệu để các ĐBQH tham khảo.
Xem xét 5 nội dung trước khi phê chuẩn
“Khi hoàn thiện, Ủy ban Đối ngoại là cơ quan được giao thẩm tra sẽ tiến hành thẩm tra chính thức”, ông Cương cho biết.
Có thể bạn quan tâm
18:58, 18/10/2018
Về nội dung thẩm tra - ông Cương cho biết, được thực hiện tại Điều 32 Luật điều ước quốc tế. Liên quan đến phạm vi thẩm tra, đây cũng là 5 nội dung Quốc hội sẽ xem xét khi phê chuẩn. Cụ thể:
Thứ nhất, sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP.
Thứ hai, tuân thủ trình tự, thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn điều ước Quốc tế theo quy định của luật điều ước Quốc tế.
Thứ ba, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của Hiệp định này.
Thứ tư, khả năng áp dụng trực tiếp và toàn bộ điều ước Quốc tế với CPTPP trong thời gian tới.
Thứ năm, xem xét những yêu cầu, sửa đổi, bổ sung các dự án luật phù hợp với cam kết mà Việt Nam đã cam kết trong Hiệp định CPTPP. Tất nhiên việc sửa đổi này theo lộ trình, nhưng nếu việc sửa đổi không phù hợp với lộ trình để thực hiện Hiệp định này thì Việt Nam rất có thể sẽ phải đối mặt với vụ kiện do không thực hiện theo cam kết. Tuy nhiên, trên cơ sở rà soát của Chính phủ như các dự án luật, pháp lệnh và nghị định của Thủ tướng Chính phủ thì cũng đã có lộ trình cụ thể.
Ngày 17/10, Quốc hội đã có yêu với Chính phủ phải có lộ trình chính thức về việc đề nghị trình việc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 8 dự án luật.
Bình luận việc Việt Nam tham gia CPTPP, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, cơ hội lớn nhất là việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới ở Châu Mỹ cũng như tận dụng mức cam kết mở cửa sâu hơn với các FTA hiện nay. Tham gia TPP11 cũng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có năng lực thỏa thuận cao hơn trong trường hợp Mỹ quay lại TPP cũng như khi Việt Nam tham gia vào các FTA khác.
Đặc biệt hơn, TPP11 có thể giúp Việt Nam giảm phụ thuộc thương mại (chủ yếu xuất khẩu) vào một số đối tác truyền thống mà sự phụ thuộc đó có thể kéo theo sự phụ thuộc về các lĩnh vực khác. TPP11 với nền tảng là TPP12, cũng sẽ tạo sức ép lớn tới đổi mới thể chế trong nước.
Có thể bạn quan tâm
18:58, 18/10/2018
11:07, 17/10/2018
05:00, 17/10/2018
16:12, 13/09/2018
14:22, 12/06/2018
Trước khi quyết định cần tính tới một số yếu tố
Tuy nhiên để có quyết định đúng đắn và phù hợp, TS. Trần Toàn Thắng đề xuất cần tính tới các yếu tố sau đây.
Một là, nếu tính bình quân/năm thì tác động tới GDP và xuất khẩu là không đáng kể. Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn từ các yếu tố khác (ví dụ đổi mới mô hình tăng trưởng, tận dụng các FTA hiện tại).
Hai là, cũng cần tính tới tốc độ và khả năng Việt Nam tái cơ cấu kinh tế trong nước và đổi mới thể chế có phù hợp với tốc độ mở cửa trong TPP11 để hiện thực hóa được lợi ích từ tăng trưởng về GDP cũng như xuất khẩu.
Ba là, yếu tố “nguồn gốc xuất xứ” sẽ ảnh hưởng và quyết định rất lớn tới khả năng hiện thực hóa lợi ích từ TPP11. Điều này phụ thuộc vào cả trình độ khoa học công nghệ trong nước lẫn khả năng tham gia vào chuỗi giá trị. Việt Nam cần có những đột phá trong cả hai lĩnh vực này để tận dụng được TPP11.
Bốn là, tham gia TPP11 là cơ hội giúp Việt Nam có vị thế, năng lực thỏa thuận tốt hơn ở các FTA khác đang và sẽ được đàm phán, tuy nhiên cũng là thách thức lớn nếu các đối tác yêu cầu mức cam kết ngang bằng với TPP11. Hiện nay, ngoại trừ thị trường Mỹ, Việt Nam đã có FTA với các thị trường lớn trong TPP11.Việc mở rộng thêm các thị trường mới chủ yếu là thị trường nhỏ, vì vậy với mức cam kết cao trong TPP11 việc Việt Nam có tận dụng được cơ hội hay không phụ thuộc vào năng lực và chiến lược thương mại, cải thiện tình hình sản xuất trong nước trong thời gian tới.
Năm là, một số nghiên cứu gần đây cho thấy hiệu ứng “bát mỳ” có thể xảy ra khi có quá nhiều các FTA đan xen giữa các quốc gia làm giảm lợi ích thu được từ một FTA. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng mức thuế ưu đãi thông qua FTA tại các quốc gia châu Á là khá thấp (trung bình 4 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp sử dụng được, ở Việt Nam là khoảng 37%) do quy mô doanh nghiệp nhỏ, cũng như thông tin giúp doanh nghiệp tiếp cận FTA chưa được thực hiện tốt. Việt Nam cần có một chiến lược tốt khắc phục điều này, TPP11 mới thực sự phát huy tác dụng.
Ông Thắng cho biết thêm, trong trường hợp tham gia TPP11, Chính phủ cũng cần xem xét “bảo lưu một số nghĩa vụ nhạy cảm” (tạm hoãn thực thi), ví dụ với vấn đề thanh toán thẻ hoặc các kết về mua sắm chính phủ như đề nghị của một số bộ, ngành.