Chiều 5-7, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Bộ Y tế chuẩn bị tiếp nhận lô vaccine của Pfizer/BioNtech đầu tiên.
Lô vaccine COVID-19 đầu tiên được đưa về Việt Nam gồm khoảng 100.000 liều. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ chịu trách nhiệm bảo quản số vaccine này.
Vaccine COVID-19 của Pfizer sử dụng công nghệ sản xuất vaccine mới nhất hiện nay là mRNA, có thời hạn sử dụng 6 tháng trong điều kiện bảo quản -80 độ C. Do đó, tại Việt Nam, vaccine sẽ được bảo quản lạnh sâu ở kho trung tâm. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục vận chuyển đến các điểm tiêm trên cả nước, yêu cầu tiêm xong trong vòng một tháng kể từ ngày vận chuyển.
Trước đó, tối ngày 12/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký quyết định phê duyệt có điều kiện cho vaccine Comirnaty do Pfizer và BioNTech sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Loại vaccine này có 0,3 ml mỗi liều với 30 mcg vaccine mRNA COVID-19 (bọc trong các hạt nano lipid) và được bào chế dưới dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.
Theo kế hoạch, nước ta sẽ có 31 triệu liều vaccine này từ nay đến cuối năm, trong đó 3 triệu liều về trong quý 3, số còn lại về trong quý 4.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đang nỗ lực để có vaccine nhiều hơn, qua đó đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Tuy nhiên, nguồn cung khan hiếm vào thời điểm này, nên cao điểm số lượng vaccine về Việt Nam là quý 4. Dự kiến trong tháng 7, chúng ta có khoảng 8 triệu liều vaccine về Việt Nam.
Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, Việt Nam dự kiến triển khai đồng loạt 19.000 điểm tiêm chủng, trong đó có khoảng 11.000 điểm tiêm chủng sẵn có tại các xã, phường.
Theo Kho bạc Nhà nước, số tiền chuyển vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 tính đến 17 giờ chiều 5/7 là 8.046 tỷ VND (bao gồm ngoại tệ quy đổi). Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi hơn 2.500 tỷ đồng trong quỹ để mua vaccine.
Hiện còn 19 tổ chức, đơn vị cam kết ủng hộ Quỹ nhưng chưa chuyển tiền hoặc mới chuyển một phần, tổng số tiền chưa chuyển theo cam kết hơn 145 tỷ đồng.
Theo Quyết định 1022 vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Theo đó, số tiền được bổ sung là 7.650,7 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (30 triệu liều) và do Pfizer sản xuất (31 triệu liều) như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.
Trong số này, sẽ có 5.100,5 tỷ đồng bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế. Số tiền này được lấy từ tiền tiết kiệm chi năm 2020 là 12.100 tỉ đồng, chuyển nguồn sang năm 2021 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Số còn lại là hơn 2.555 tỷ đồng chi từ nguồn Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam thành lập theo quyết định trước đó của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Kho bạc Nhà nước, số tiền còn lại của Quỹ vaccine phòng COVID-19 sẽ được gửi tiết kiệm tại 4 ngân hàng để lấy lãi bổ sung vào Quỹ. Cụ thể, đã có tổng cộng 5.600 tỷ đồng gửi tại 4 ngân hàng cổ phần Nhà nước thông qua đấu thầu. Trong đó, có 1.600 tỷ đồng gửi kỳ hạn 1 tháng với lãi suất 3%/năm), 4.000 tỷ đồng gửi kỳ hạn 3 tháng với lãi suất 3,3%/năm.
Dự kiến, sắp tới Ban quản lý Quỹ tiếp tục đấu thầu để gửi ngân hàng thêm 1 kỳ hạn, căn cứ theo số dư Quỹ và nhu cầu sử dụng mua vaccine từ Bộ Y tế. Việc gửi ngân hàng này căn cứ theo quyết định thành lập Quỹ của Thủ tướng, khi số dư có thể được gửi ngân hàng để vừa đảm bảo an toàn vừa lấy lãi để thêm tiền cho Quỹ.
Theo tính toán của Bộ Y tế, để đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp từ cộng đồng khoảng 9.200 tỷ đồng. Như vậy, tới nay dù chưa tính phần ngân sách địa phương, riêng tiền ủng hộ từ cộng đồng đã gần đạt ngưỡng mục tiêu đề ra.
Có thể bạn quan tâm
11:46, 05/07/2021
04:37, 05/07/2021
04:00, 04/07/2021
08:54, 02/07/2021
01:05, 02/07/2021
12:10, 01/07/2021