Chính trị - Xã hội

Việt Nam và kỳ tích phát triển bền vững

Nguyễn Thu Hà 02/05/2025 05:00

Báo cáo World Economic League Table 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) đã vẽ nên một viễn cảnh đầy lạc quan cho Việt Nam.

Theo đó, đến năm 2036, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia, đồng thời góp mặt trong top 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Đây không chỉ là một con số mang tính dự báo, mà còn là sự khẳng định cho những thành quả phát triển bền vững mà Việt Nam đã và đang nỗ lực đạt được trong suốt hơn ba thập kỷ qua. Từ một quốc gia nghèo, phụ thuộc vào viện trợ, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế là một nền kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng và không ngừng chuyển mình mạnh mẽ.

Việt Nam!
CEBR dự báo Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ASEAN vào năm 2036.

Điểm tựa cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Việt Nam chính là những cải cách kinh tế sâu rộng được khởi xướng từ giữa những năm 1980. Đổi mới không chỉ mở ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất, mà còn chuyển dịch tư duy điều hành kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ vậy, Việt Nam đã liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao trong nhiều năm liền, kéo theo sự cải thiện đáng kể về thu nhập và mức sống của người dân.

Theo CEBR, tính đến năm 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam (điều chỉnh theo sức mua tương đương - PPP) đã đạt khoảng 11.608 USD – một bước tiến vượt bậc so với thập kỷ trước. Điều này phản ánh rõ ràng hiệu quả của các chính sách cải cách và nỗ lực phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ vị trí thứ 41 trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu vào năm 2021, CEBR dự báo Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 20 vào năm 2036, tức là chỉ trong vòng 15 năm, nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua nhiều cường quốc như Ba Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Bỉ và Australia. Đặc biệt, trong khu vực ASEAN, Việt Nam sẽ vượt mặt các nền kinh tế hiện đang đứng trước như Thái Lan, Malaysia và Singapore để giữ vị trí thứ hai, chỉ sau Indonesia.

Dự báo này mà minh chính cho kết quả của quá trình cải thiện thể chế, đầu tư vào hạ tầng, giáo dục, khoa học - công nghệ và chuyển đổi số. Việt Nam cũng đã cho thấy khả năng chống chịu tốt trước những cú sốc toàn cầu như đại dịch COVID-19, xung đột địa chính trị và bất ổn tài chính quốc tế. Nhờ vào chiến lược phát triển đúng hướng, Việt Nam đang ngày càng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dù triển vọng rất tích cực, nhưng con đường hướng tới vị thế nền kinh tế lớn thứ hai ASEAN không hoàn toàn bằng phẳng. Báo cáo của CEBR cũng thẳng thắn chỉ ra một số thách thức mà Việt Nam cần vượt qua.

Trước hết là nguy cơ dân số già hóa. Khi lực lượng lao động vàng dần thu hẹp, Việt Nam cần có chính sách hiệu quả hơn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ hai là áp lực từ biến đổi khí hậu, yếu tố đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nguồn nước và môi trường sống tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, nguy cơ bị tụt hậu do chậm đổi mới sáng tạo hoặc chưa kịp thích ứng với làn sóng tự động hóa cũng là bài toán cần lời giải.

Ngoài ra, hiệu quả thực thi chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số, cải cách hành chính và minh bạch tài khóa, vẫn còn là rào cản. Việt Nam cần tiếp tục tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực điều hành và tạo môi trường thuận lợi hơn cho kinh tế tư nhân, lực lượng được xác định là một động lực tăng trưởng quan trọng.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc với mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 – dấu mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tăng trưởng GDP bình quân đầu người khoảng 5% mỗi năm – một con số đầy thách thức nhưng không phải là bất khả thi nếu có chiến lược dài hạn đúng đắn và đồng bộ.

Khát vọng "sánh vai với các cường quốc năm châu", như lời Bác Hồ từng mong mỏi, không còn là khẩu hiệu, mà đang dần trở thành hiện thực. Với nội lực đang ngày một lớn mạnh, cùng sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một “kỳ tích phát triển mới” trong kỷ nguyên hậu hội nhập sâu rộng.

Những gì CEBR dự báo không chỉ là viễn cảnh kinh tế, mà còn là minh chứng cho một hành trình đổi thay có cơ sở và tầm nhìn. Từ “phép màu tăng trưởng” sau Đổi mới, Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, giai đoạn của sự bền vững, sáng tạo và chủ động hội nhập toàn cầu.

Tương lai phía trước vẫn còn nhiều thử thách, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, giấc mơ về một Việt Nam hùng cường không còn là một khái niệm xa vời, mà đang ngày càng hiện hữu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam và kỳ tích phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO