Tại lễ vinh danh các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Vietcombank vinh dự lần thứ 8 liên tiếp được bình chọn là Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
>>Vietcombank dẫn đầu Top 25 thương hiệu tài chính hàng đầu Việt Nam
Vietcombank lần thứ 8 liên tiếp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhờ hoạt động ổn định, chất lượng tài sản và dịch vụ đa dạng.
Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương đã tổ chức Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam lần thứ 8. Kỳ xét chọn năm nay có sự tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp toàn quốc. Sau hơn 9 tháng phát động, có 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022.
Năm nay, toàn hệ thống Vietcombank đã nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều kết quả: quy mô tăng trưởng tốt, chất lượng tín dụng kiểm soát chặt chẽ, kết quả kinh doanh tiến độ. Ngân hàng đặt ra phương châm: "Chuyển đổi - Hiệu quả - Bền vững" cùng quan điểm chỉ đạo điều hành "Trách nhiệm - Quyết liệt - Sáng tạo". Nhà băng cũng tích cực triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn 2022 - 2023. Ngân hàng cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không ngừng đổi mới chất lượng sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Từ năm 2003 đến nay, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tiến hành tôn vinh các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, đáp ứng các giá trị của chương trình là chất lượng, đổi mới, sáng tạo, năng lực, tiên phong.
>>Vietcombank khởi động Chương trình hành động chuyển đổi số
Tại buổi lễ, đại diện ban tổ chức đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi luôn vững vàng, nỗ lực vượt khó, duy trì, thúc đẩy sản xuất, giữ vững thị trường nội địa và xuất khẩu, góp phần quan trọng cho những thành quả chung của đất nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng không chỉ thể hiện xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu lao động mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội, chung tay với cả nước phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân khắc phục bão lụt...
Các doanh nghiệp đã thể hiện giá trị nhân văn, văn hóa doanh nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó, có thể thấy kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Thời gian tới, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng, phát triển thương hiệu Việt Nam, tạo ra giá trị cho xã hội.
Doanh nghiệp cũng cần tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đội ngũ người lao động cần nâng cao trình độ, kỹ năng, chuyên nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, hội nhập trên các lĩnh vực...
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam kỳ vọng đến năm 2030 sẽ có hơn 1.000 sản phẩm đạt tiêu chuẩn này, góp phần khẳng định chất lượng hàng hóa và dịch vụ chất lượng, thể hiện năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.