VietinBank tính chuyện M&A

LÊ MỸ 27/08/2021 16:00

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) có thể sẽ có nhiều thay đổi khi dự kiến bán cổ phần tại các công ty con, đồng thời có thể tham gia mua bán và sáp nhập (M&A) các ngân hàng 0 đồng.

 Cơ cấu cổ đông tại ngày 29/4/2021 của Vietinbank. Nguồn: VietinBank

Cơ cấu cổ đông tại ngày 29/4/2021 của Vietinbank (nguồn: VietinBank)

Theo chia sẻ của Lãnh đạo VietinBank, Ngân hàng đang có kế hoạch thoái vốn 3 công ty con khi có nhà đầu tư chiến lược phù hợp tham gia để gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu ngân hàng mẹ.

Khó có lựa chọn khác

Công ty con đầu tiên mà VietinBank dự kiến thoái vốn là Công ty Cho thuê tài chính VietinBank (Vietinbank Leasing). HĐQT của VietinBank đã chấp thuận kế hoạch chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của Công ty này, trong đó 49% cho Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance và 1% cho nhà đầu tư trong nước. Hiện tại, hồ sơ của thương vụ thoái vốn này đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, và thương vụ này được kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành.

50% là tỷ lệ chuyển nhượng vốn điều lệ tại Vietinbank Leasing mà HĐQT Vietinbank đã thông qua.

Tại Công ty Chứng khoán Viettinbank (Vietinbank SC, CTS), VietinBank có kế hoạch tìm đối tác để chuyển nhượng 25,6% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. CTS đang tăng trưởng lợi nhuận gấp 31 lần cùng kỳ 2020. Kết quả này nhờ sự tăng trưởng mạnh của TTCK Việt Nam, là xúc tác tốt để VietinBank tìm kiếm đối tác. Tuy nhiên, thương vụ này cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đóng góp của CTS vào VietinBank tương lai do nhà băng vẫn nắm quyền kiểm soát lợi ích lớn tại công ty này.

Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ VietinBank là đơn vị thứ 3 đang được VietinBank cân nhắc thoái vốn trong tương lai. Công ty này đang quản lý quỹ đầu tư trái phiếu VietinBank có triển vọng sinh lời.

Việc thoái bớt vốn tại 3 công ty con nhưng vẫn giữ tỷ lệ kiểm soát sẽ là lối thoát cho VietinBank trong bối cảnh nhu cầu tăng vốn rất lớn, trong khi đợt tăng vốn gần nhất chưa thể đáp ứng mục tiêu. Trong khi đó, VietinBank đã hết dư địa để Nhà nước thoái vốn. Do đó, VietinBank không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thoái vốn một số công ty con.

Có mua “ngân hàng 0 đồng”?

Song song với kế hoạch trên, phía VietinBank dù không khẳng định nhưng lại cũng không phủ định thông tin mà các công ty chứng khoán đưa ra, là VietinBank có mục tiêu mua lại 3 ngân hàng yếu kém gồm CBBank, GPBank và OceanBank.

Trên thực tế, dù có thể mua lại để tái cấu trúc cả 3 ngân hàng này, hay 2/3 như một phán đoán, nhằm rút ngắn quãng thời gian phát triển quy mô dư nợ mà VietinBank đang hướng tới, thì về mặt khách quan, các thương vụ này không hẳn có lợi ích lớn đối với VietinBank.

Việc M&A một ngân hàng nhằm tăng quy mô, từ nhiều năm trước đã được VietinBank tính toán; cũng như là lối đi của một số ngân hàng có năng lực. Tuy nhiên, vụ đổ bể kế hoạch kết duyên với PGBank không có nghĩa thúc đẩy VietinBank se duyên với những ngân hàng không mang lại giá trị về mặt hệ sinh thái hay khách hàng cho họ”, một chuyên gia đánh giá.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nếu phải mua hoặc sáp nhập các ngân hàng 0 đồng, thì đó là các “nhiệm vụ” được giao. Đổi lại, VietinBank sẽ thuận lợi hơn về một số cơ chế hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực hỗ trợ nền kinh tế trong dịch COVID-19 trước mắt và sau đó là xử lý hệ quả cơ cấu nợ; cũng như có thể được hỗ trợ để tiếp tục vươn tầm ảnh hưởng trong nhóm Big4 từ nay tới 2025.

Có thể bạn quan tâm

  • Siêu thương vụ bán vốn FE Credit mở ra làn sóng bán công ty tài chính giá khủng?

    Siêu thương vụ bán vốn FE Credit mở ra làn sóng bán công ty tài chính giá khủng?

    05:20, 02/05/2021

  • Thỏa thuận HD Bank với PG Bank khó xảy ra?

    Thỏa thuận HD Bank với PG Bank khó xảy ra?

    11:30, 02/11/2020

  • Cựu chủ tịch ngân hàng GPBank bị phạt 9 năm tù

    Cựu chủ tịch ngân hàng GPBank bị phạt 9 năm tù

    19:45, 29/03/2021

  • Nợ xấu của 03 ngân hàng 0 đồng tiếp tục tăng cao?

    Nợ xấu của 03 ngân hàng 0 đồng tiếp tục tăng cao?

    17:37, 14/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VietinBank tính chuyện M&A
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO