Nửa đầu năm 2019, các giải Jackpot liên tục có người trúng thưởng, khiến giá trị giải thưởng không đủ cao để thu hút người chơi, khiến doanh thu Vietlott giảm sâu.
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm Công ty TNHH Xổ số Điện toán Việt Nam vừa công bố ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều giảm mạnh.
Vietlott là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được phê duyệt đề án thành lập từ năm 2011 nhưng phải tới tháng 7/2016 mới chính ra mắt sản phẩm đầu tiên. Sau 3 năm, dù mở rộng mạng lưới tới nhiều tỉnh thành và bổ sung thêm các hình thức sản phẩm mới, số tiền thu về của Vietlott vẫn chưa trở lại “thời hoàng kim” khi hình thức xổ số điện toán này mới ra mắt.
6 tháng đầu năm ghi nhận tổng doanh thu thuần hoạt động kinh doanh của Vietlott chỉ đạt 1.172 tỷ đồng, giảm tới gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp vì vậy cũng chỉ còn 68 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với 6 tháng 2018.
Kết quả 6 tháng đầu năm, Vietlott đạt lợi nhuận trước thuế gần 80 tỷ đồng, giảm 70% so với con số 262 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lý giải về việc kết quả kinh doanh đi xuống, Vietlott cho biết nguyên nhân là do nửa đầu năm ngoái có sức hút từ giải Jackpot trị giá hơn 300 tỷ đồng của Power 6/55, trong khi năm nay sản phẩm này liên tục có người trúng thưởng nên giải Jackpot tích lũy không tăng được lên các mức cao để lôi kéo người chơi.
Trước đó, Vietlott báo lãi hơn 270 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 25% so với năm 2017, nhưng lợi nhuận tăng chủ yếu do Vietlott "bỏ túi" 136 tỷ đồng từ các giải Jackpot không có người lĩnh thưởng.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2019, tổng giá trị tài sản của Vietlott là 926 tỷ đồng, trong đó hơn 95% là tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
Hiện tại, VIetlott có khoảng 3.800 điểm bán hàng, giảm gần 500 điểm bán so với hồi cuối tháng 1/2019. Trong đó, riêng TPHCM giảm hơn 300 điểm bán, hiện chỉ còn gần 1.000 điểm bán.
Ngoài vốn tự có, nguồn vốn của Vietlott còn 400 tỷ đồng từ các khoản công nợ, trong đó 38 tỷ đồng là hạn mức nhận trước của đại lý. Ngoài ra, công ty còn nợ người bán 113,6 tỷ đồng với phần lớn là khoản tiền phải trả văn phòng điều hành dự án của Tập đoàn Berjaya – bên ký hợp đồng hợp tác kinh doanh triển khai dự án kinh doanh xổ số tự chọn với Vietlott.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 06/06/2019
17:56, 14/10/2017
17:24, 11/10/2017
17:52, 10/10/2017
Doanh nghiệp này không vay nợ ngân hàng nhưng có tới 311 tỷ đồng tiền gửi dưới 3 tháng và 450 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng trên 3 tháng. Tổng các khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi của Vietlott xấp xỉ 723 tỷ đồng, chiếm 78% trong cơ cấu tài sản. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền của Vietlott liên tục vào ra để chi cho vay, mua công cụ nợ rồi thu hồi lại khoản vay ngay trong kỳ báo cáo. Hiện tượng này đã có từ sau khi Vietlott ra mắt sản phẩm đầu tiên. Nửa đầu năm 2019, đã có 450 tỷ đồng chi cho vay và 400 tỷ đồng thu hồi lại ngay. Cùng các khoản chi mua sắm khác, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư âm 41 tỷ đồng.
Theo chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2034, dự kiến đến năm 2020, Vietlott sẽ kinh doanh trên toàn bộ 63 tỉnh thành với 10.000 thiết bị đầu cuối.
Vietlott đặt mục tiêu tăng doanh thu bình quân 20%/năm. Trong đó, doanh thu giai đoạn 2017-2025 theo cam kết là 117.478 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 26.762 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình doanh thu mỗi năm là hơn 13.000 tỷ đồng.
Sang giai đoạn 2026-2034, doanh thu sẽ đạt tổng cộng 258.513 tỷ đồng, trung bình mỗi năm hơn 28.700 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần giai đoạn trước và nộp ngân sách tổng cộng 59.398 tỷ đồng.