Năm 2024 Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – HOSE: HVN) công bố kết quả kinh doanh sau kiểm toán đạt mức cao nhất kể từ khi thành lập.
Không chỉ ghi nhận những con số ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận, Vietnam Airlinescòn khẳng định sự chuyển mình toàn diện cả về hiệu quả vận hành, chiến lược phát triển thị trường và cam kết với các giá trị phát triển bền vững. Thành công này không đến từ may mắn, mà là kết quả của một chuỗi nỗ lực cải tổ đồng bộ, tận dụng cơ hội từ sự phục hồi thị trường hàng không và khéo léo dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch.
Doanh thu và lợi nhuận kỷ lục
Theo báo cáo hợp nhất sau kiểm toán năm 2024, tổng doanh thu và thu nhập khác của Vietnam Airlines đạt 113.746 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty mẹ ghi nhận 85.428 tỷ đồng. Đáng chú ý hơn cả là mức lợi nhuận sau thuế hợp nhất lên tới 7.958 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của Hãng. Riêng Công ty mẹ đạt mức lợi nhuận sau thuế 2.775 tỷ đồng. Đây là kết quả đặc biệt ý nghĩa sau một giai đoạn dài doanh nghiệp phải vật lộn với thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, và cũng là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả từ các giải pháp tái cơ cấu được triển khai quyết liệt.
Động lực chính tạo nên bước tiến vượt bậc này đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường quốc tế, với doanh thu quốc tế tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, việc đàm phán thành công để xóa khoản nợ khoảng 4.710 tỷ đồng cho Pacific Airlines cũng góp phần quan trọng cải thiện cán cân tài chính của hệ sinh thái Vietnam Airlines. Cộng hưởng với đó là hiệu quả cải tổ vận hành Công ty mẹ và kết quả kinh doanh tích cực từ các công ty thành viên, tạo ra chuỗi giá trị có tính liên kết cao, giúp toàn hệ thống đạt trạng thái tăng trưởng thực chất thay vì chỉ là phục hồi kỹ thuật.
Sự cải thiện trong vận hành được thể hiện rõ qua các chỉ số khai thác. Trong năm 2024, Vietnam Airlines vận chuyển 22,7 triệu lượt hành khách, tăng 8% so với cùng kỳ, và 314.700 tấn hàng hóa, tăng đến 40% - một mức tăng trưởng mạnh mẽ phản ánh nhu cầu vận chuyển hàng không gia tăng và khả năng đáp ứng linh hoạt của Hãng. Hệ số sử dụng ghế đạt 80,6%, là chỉ báo tích cực về hiệu quả thương mại. Số giờ bay trung bình mỗi máy bay đạt 11 giờ/ngày, tăng 25% so với năm 2023, cho thấy hiệu suất khai thác được cải thiện rõ rệt. Trong tổng số 140.000 chuyến bay khai thác, tỷ lệ đúng giờ OTP đi đạt 83,4% và OTP đến đạt 81,9%, củng cố vị thế của Vietnam Airlines như một trong những hãng hàng không có độ tin cậy cao nhất khu vực.
Để đạt được các chỉ số ấn tượng nêu trên, Vietnam Airlines đã tập trung triển khai hàng loạt giải pháp chiến lược như duy trì ổn định mạng bay nội địa, tối ưu hóa khung giờ khai thác, khôi phục hầu hết các đường bay quốc tế và chủ động mở thêm nhiều đường bay mới. Trong năm qua, Hãng đã khai trương các đường bay quốc tế mới đến Munich (Đức), Manila (Philippines), và Phnôm Pênh (Campuchia). Không dừng lại ở đó, việc triển khai máy bay thân rộng trên các chặng bay đến Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc cho thấy chiến lược mở rộng thị trường quốc tế không chỉ về số lượng mà còn nâng cao chất lượng trải nghiệm khách hàng.
Đi đôi với mở rộng mạng bay, Vietnam Airlines cũng chú trọng tối ưu hóa hiệu quả vận hành bằng cách thay đổi phương thức xây dựng và điều hành lịch bay, quản lý slot hiệu quả và đẩy mạnh chuyển đổi số. Các giải pháp công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ trong năm 2024 nhằm nâng cao năng suất lao động, chuẩn hóa quy trình điều hành, tăng tính linh hoạt và khả năng phản ứng nhanh trước biến động thị trường.
Vì sự phát triển bền vững
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận hơn cả là chiến lược phát triển không chỉ tập trung vào hiệu quả kinh doanh mà còn nhấn mạnh vào yếu tố phát triển bền vững. Trong năm qua, Vietnam Airlines là một trong những hãng hàng không tiên phong tại khu vực trong việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững SAF. Các chiến dịch “Bay nhẹ tới Côn Đảo”, “Góp lá vá rừng”, “He for She” hay các hoạt động cứu trợ đồng bào vùng bão lũ không chỉ là điểm nhấn truyền thông mà còn cho thấy cam kết lâu dài của Hãng với trách nhiệm xã hội và môi trường. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế toàn cầu về ESG (Environmental, Social and Governance) mà các nhà đầu tư và đối tác ngày càng quan tâm.
Năm 2024 cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng về cơ chế khi Chính phủ và Quốc hội đã phê duyệt các giải pháp cuối cùng trong đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines. Trong giai đoạn 2024-2025, doanh nghiệp sẽ tập trung đồng bộ các giải pháp tái cấu trúc tài sản và danh mục đầu tư tài chính, nhằm gia tăng thu nhập và dòng tiền, hướng đến mục tiêu khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu kéo dài.
Không chỉ cải thiện nội tại, Vietnam Airlines còn từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế thông qua hàng loạt giải thưởng danh giá. Có thể kể đến danh hiệu Top 5 hãng hàng không đúng giờ nhất Châu Á do Cirium bình chọn, danh hiệu “Hãng hàng không 5 sao xuất sắc về trải nghiệm khách hàng” từ APEX, hay vị trí trong Top 11 hãng hàng không hàng đầu thế giới theo AirlineRatings. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực cải tiến không ngừng cả về dịch vụ lẫn hiệu suất hoạt động.
Hướng tới năm 2025 – năm đánh dấu 30 năm thành lập, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển 25,4 triệu lượt khách và 336.300 tấn hàng hóa, với doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 119.154 tỷ đồng. Các kế hoạch tái cơ cấu sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn, đi kèm với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa khai thác đội máy bay và nâng cao năng suất lao động. Hãng cũng lên kế hoạch mở mới và khôi phục 15 đường bay quốc tế đến Nga, Ý, Đan Mạch, Trung Đông và Trung Quốc – những thị trường giàu tiềm năng cho tăng trưởng bền vững.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025, Vietnam Airlines tiếp tục giữ vai trò là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và thế giới. Với nền tảng vững chắc về tài chính, chiến lược vận hành bài bản và cam kết phát triển bền vững, Vietnam Airlines không chỉ thể hiện năng lực phục hồi mạnh mẽ mà còn vươn mình trở thành biểu tượng cho sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu. Thành công của Hãng trong năm 2024 là lời khẳng định rằng, một doanh nghiệp quốc gia hoàn toàn có thể hội nhập sâu, phát triển bền vững và vươn cao cùng đất nước nếu có chiến lược đúng đắn và sự kiên định trong hành trình đổi mới.