Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020, lợi nhuận sau thuế Vietravel âm 38 tỷ đồng, giảm đến 283% so với cùng kỳ.
Như vậy đây là quý thứ ba liên tiếp Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) ghi nhận lợi nhuận âm. Với doanh thu 206 tỷ đồng, tương đương 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc quý II, nợ phải trả của Vietravel là 1,769 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 59% tổng nợ. Tài sản Vietravel ghi nhận 1,934 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ trên tổng tài sản ở mức hơn 90%. Tiền và các khoản tương đương tiền đạt 169 tỷ đồng, tăng hơn 16 tỷ đồng so với đầu năm.
Dù chi phí lãi vay tăng vọt trong quý II, đạt 16 tỷ đồng so với hơn 700 triệu cùng kỳ, cùng việc cắt giảm đáng kể chi phí bán hàng, còn gần 2 tỷ đồng giảm hơn 80% so với cùng kỳ và chi phí quản lý doanh nghiệp 34,9 tỷ đồng, giảm 64% cùng kỳ.
Nhưng chí phí tài chính tăng nhanh, 21 tỷ đồng tăng 600% cùng kỳ cùng với lãi gộp thấp 5 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietravel ghi nhận khoản lỗ 37,3 tỷ đồng.
Trước đó, Vietravel đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020, với lợi nhuận trước thuế dự báo âm hơn 20 tỷ đồng. Trong năm nay Vietravel đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế âm 22,7 tỷ đồng.
Nguyên nhân theo Vietravel là ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 tiếp tục tác động mạnh đến tình hình kinh doanh. Mảng du lịch nước ngoài, vốn chiếm hơn 70% doanh thu của Vietravel từ trước đến nay tiếp tục bị tê liệt vì lệnh cấm bay giữa các quốc gia.
Vietravel ước tính số tiền thiệt hại ban đầu do dịch COVID-19 trong tháng 7 lên tới 88 tỷ đồng. Con số này là hệ quả của việc gần 21.000 khách hủy tour, dời ngày do lo sợ dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hoạt, Giám đốc Điều hành Top Travel thừa nhận, công ty đang gặp nhiều khó khăn trong sắp xếp dòng tiền. Đơn vị này cho biết nhiều khách hàng vẫn đang chậm trễ trả nốt tiền tour còn tồn đọng với lý do dịch bệnh.
Khi làm hợp đồng dịch vụ, công ty thường chỉ thu 50-80% giá trị tour. Đây là căn cứ để họ có thể làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ khác. Sau khi tour kết thúc, công ty và khách hàng sẽ thống nhất các chi phí tăng giảm để quyết toán hợp đồng. Công việc này diễn ra trong 5-10 ngày.
“Dịch trở lại khiến các công ty, cơ quan đoàn thể gặp khó khăn. Việc chi tiêu bị kiểm soát chặt hơn. Một số khách hàng lấy Covid-19 làm cớ để xuất chi muộn. Trước đó, chúng tôi đã phải tạm ứng 20-50% chi phí còn lại của đoàn để thanh toán với nhà cung cấp”, bà Hoạt nói.
Điều này khiến công ty gặp khó trong sắp xếp dòng tiền. "Hiện tại, hàng trăm đoàn vừa đi về hoặc đang đi phải hủy dịch của Top Travel chưa hoàn tất việc thanh toán", bà Hoạt cho biết.
Trong giai đoạn tháng 6, đầu tháng 7 ngành du lịch trong nước hồi sinh mạnh mẽ nhờ thị trường nội địa. Các báo cáo từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho thấy công suất phòng lưu trú giai đoạn giữa tháng 6 thường đạt 60% vào giữa tuần và tới 90% vào cuối tuần.
Tính chung cả nước, khách nội địa tháng 6 vào khoảng 7 triệu lượt, tăng hơn 2 lần so với tháng 5. Tại Đà Nẵng, Sở Du lịch TP ghi nhận khoảng hơn 450.000 khách trong tháng 6, tăng đến 85% so với tháng 5.
Các công ty lữ hành cũng bắt đầu nhìn thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc sau những tháng đầu năm ế ẩm. Đại diện Vietravel cho biết công ty từng bán được 5.300 tour trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP.HCM 2020.
Trong khi đó, Top Travel ghi nhận hàng chục đoàn khởi hành mỗi ngày. Cả 10 văn phòng của công ty đều phải hoạt động hết công suất để phục vụ nhu cầu du lịch từ các khách nội địa. Phía Flamingo Redtours cũng cho biết hãng nhận được khoảng 200-300 yêu cầu đặt tour/ngày.
Tuy nhiên, việc dịch COVID-19 trở lại trùng đúng với giai đoạn vàng của du lịch nội địa đã khiến nhiều công ty lao đao. "Nếu đợt dịch này có thể đến muộn hơn 1-2 tháng, cao điểm du lịch nội địch cũng qua đi. Các công ty du lịch có lẽ sẽ bớt khổ hơn", bà Hoạt nói.
Cú sốc mới của ngành du lịch trở lại sau tín hiệu tốt giữa năm. Dù chuẩn bị kịch bản, nhưng các đơn vị lữ hành cho biết, thị trường sẽ khó khăn trong nửa cuối 2020.
Có thể bạn quan tâm